Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - PHILIPPINES - BIỂN ĐÔNG

Manila liên tiếp thách thức Bắc Kinh: Biển Đông sẽ dậy sóng ?

Trong tháng Ba này, Philippines sẽ có ba động thái liên quan đến Biển Đông : Cấp giấy phép thăm dò dầu khí tại vùng biển mà Bắc Kinh tự nhận chủ quyền, khởi động lại chương trình khảo sát trong một khu vực bị Trung Quốc nhòm ngó, và tập trận chung với Hoa Kỳ gần một vùng tranh chấp. Tất cả các động thái này đều có khả năng làm Trung Quốc phật ý, nhưng Philippines vẫn cho thấy ý định kiên quyết xúc tiến.

Quảng cáo

« Xung đột phải chăng đang ló dạng vì cuộc chay đua tìm dầu hỏa tại Biển Đông ? » Ngày 27/02/2012 vừa qua, hãng tin Anh Reuters đã không ngần ngại tự hỏi như trên khi phân tích các động thái có thể gọi là thách thức của Philippines đối với Trung Quốc.

Nổi bật nhất trong các động thái này là các quyết định xúc tiến đúng theo kế hoạch, việc trao quyền thăm dò cho các tập đoàn dầu hỏa ngoại quốc đã tham gia cuộc đấu thầu 15 lô ở ngoài khơi Philippines, được chính quyền Manila khởi động từ giữa năm ngoái. Giấy phép thăm dò sẽ bắt đầu được cấp kể từ tháng Ba này.

Vấn đề đặt ra là trong số 15 lô được đưa ra đấu thầu, có 3 lô sát Biển Đông, dù nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines, nhưng lại bị Bắc Kinh tranh chấp và cho rằng các khu vực ấy thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Đòi hỏi này của Bắc Kinh đương nhiên đã bị Manila bác bỏ.

Vấn đề đặt ra là nếu các lô này có người nhận thăm dò, nhiệm vụ của chính quyền Manila là phải bảo đảm an ninh cho các tập đoàn đến hoạt động tại các khu vực ấy. Quân đội Philippines từng tuyên bố sẽ nỗ lực bảo đảm an toàn cho các công ty dầu đến thăm dò khai thác ở Philippines, với sự trợ giúp của máy bay giám sát và các tàu tuần tra.

Thế nhưng, trong thời gian qua, Bắc Kinh đã không ngần ngại dùng biện pháp hù dọa để đuổi các tàu thăm dò của nước khác tại các vùng mà Trung Quốc cho là thuộc chủ quyền của họ. Philippines đã từng là nạn nhân của một sự cố loại này vào tháng 3 năm 2011 tại khu vực Reed Bank (Bãi Cỏ Rong), khi tàu khảo sát cho Tập đoàn Forum Energy bị tàu Trung Quốc đến đuổi đi, viện lẽ đó là vùng thuộc chủ quyền của Bắc Kinh.

Nếu Trung Quốc lại tiếp tục có thái độ quyết đoán như trước đây, liệu quân đội Philippines có dám dùng biện pháp mạnh để ngăn chặn hay không ? Điều này vẫn còn là ẩn số. Nhưng khả năng căng thẳng tái diễn tại khu vực Bãi Cỏ Rong được cho là có thực với quyết định mới đây của Tập đoàn Forum Energy, trụ sở tại Anh Quốc, là sẽ xúc tiến trở lại công việc thăm dò khu vực mà họ đã được chính quyền Philippines trao quyền khai thác, nhưng bị Trung Quốc làm gián đoạn hồi năm ngoái.

Phát biểu vào hôm qua, ông Manuel Pangilinan, lãnh đạo tập đoàn Forum Energy xác nhận là doanh nghiệp của ông sẽ thực hiện đúng kế hoạch đã thống nhất với bộ Năng lượng Philippines, tức là hoàn tất việc khảo sát địa chấn tại vùng Reed Bank và khoan hai giếng từ nay đến tháng 6 năm 2013.

Kế hoạch riêng của Forum Energy, kèm theo kế hoạch của chính quyền Manila mở cửa mời các tập đoàn quốc tế vào thăm dò dầu khí ngoài khơi Philippines, cả hai đều có thể đẩy Manila và Bắc Kinh vào thế đối đầu căng thẳng vì Trung Quốc từng đánh giá là bất hợp pháp mọi hoạt động thăm dò của các nước khác hay công ty dầu khí ngoại quốc tại các vùng biển mà Bắc Kinh tự nhận chủ quyền.

Một nhân tố thứ ba sẽ góp phần tạo ra căng thẳng là kế hoạch tập trận chung giữa Philippines và đồng minh Hoa Kỳ gần các vùng bị Trung Quốc đòi chủ quyền.

Theo các thông tin được tiết lộ vào tháng Giêng vừa rồi, đợt thao diễn quân sự Mỹ-Phi này sẽ khai diễn vào khoảng cuối tháng Ba và sẽ kéo dài qua tháng Tư. Địa điểm tập trận là vùng biển ngoài khơi đảo Palawan của Philippines, gần Bãi Cỏ Rong, và một trong những bài tập huấn là tấn công chiếm lĩnh một giàn khoan dầu ngoài Biển Đông.

Theo hãng Reuters, giới chuyên gia cho rằng cuộc tập trận Mỹ-Phi đó có thể bị Bắc Kinh coi là một hành động khiêu khích. Chuyên gia Ian Storey, tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore phân tích: « Đó là một bài trắc nghiệm phản ứng của Trung Quốc tại Biển Đông. Bắc Kinh có thể áp dụng chiến thuật tương tự như năm ngoái – tức là sách nhiễu các tàu khoan dầu - hoặc là phản công mạnh mẽ hơn và đưa tàu chiến đến nơi ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.