Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Làng Ô Khảm, tấm gương đẩy lùi cường quyền ở Trung Quốc

Trong không khí bầu cử sôi nổi ở khắp nơi, có một cuộc bầu lãnh đạo ở cấp làng xã tại Trung Quốc lại thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo giới, đó là cuộc bầu cử của dân làng chài Ô Khảm, Quảng Đông Trung Quốc vào ngày 3/3 . Nhật báo Le Monde và Libération có hai bài phóng sự về những người dân làng Ô Khảm đã dũng cảm nổi dậy chống lại áp bức bất công buộc chính quyền phải lùi bước.

Các thùng phiếu đã sẵn sàng vào ngày 02/03/2012 cho cuộc bầu cử tại Ô Khảm.
Các thùng phiếu đã sẵn sàng vào ngày 02/03/2012 cho cuộc bầu cử tại Ô Khảm. REUTERS/Bobby Yip
Quảng cáo

Libération dành kín hai trang báo cho bài phóng sự với hàng tựa «Khu làng khiến chế độ ở Trung Quốc phải lùi bước ».

Ngày mai, dân làng Ô Khảm bước vào cuộc bầu cử lãnh đạo mới cho mình sau khi vùng lên đánh đổ cường quyền tham nhũng. Theo Libération, cuộc đấu tranh của dân làng Ô Khảm đến ngày hôm nay là một tấm gương chưa tùng có về dân chủ địa phương ở Trung Quốc. Tuy nhiên những thành quả của cuộc đấu tranh này vẫn còn khá mỏng manh.

Cuộc bầu cử của dân làng Ô Khảm không chỉ thu hút dư luận quốc tế, các nhà báo của Trung Quốc cũng rất quan tâm. Dù bị chính quyền cấm đưa tin, một nhà báo Trung Quốc giấu tên, vẫn kín đáo đến Ô Khảm theo dõi cuộc bầu cử này. Ông nói với phóng viên của Libération rằng : « Ngôi làng chài nổi dậy tuyệt vời này sẽ còn được nói đến dài dài. Giờ đây nó đã di vào huyền thoại ». Nhà báo này thổ lộ thêm « Lệnh kiểm duyệt cấm các nhà báo đưa tin về sự kiện này. Nhưng vì đây là một bước tiến quan trọng trên con đường dân chủ của Trung Quốc nên tôi quyết định bí mật tới chứng kiến trang sử mới này ».

Tác giả bài viết đã mô tả cuộc vận động tranh cử của dân làng Ô Khảm diễn ra trong bầu không khí dân chủ chưa từng có. Tháng trước người dân đã bầu ra một ban bầu cử gồm 109 người để giám sát cuộc bầu cử. Những ứng cử viên từng tham gia cuộc nổi dậy giờ ra ứng cử đều đăng đàn diễn thuyết kêu gọi « dân chủ và hài hòa ». Bà Tiết Kim Uyển, con gái của người anh hùng Tiết Kim Ba cũng ra ứng cử vào lãnh đạo xã, bà hứa sẽ tiếp tục sự nghiệp của cha bà nếu được bầu. Ông Lâm Tổ Luyến, một trong những lãnh đạo của cuộc nổi dậy, tháng trước được chính quyền bổ nhiệm làm bí thư đảng ủy xã thay bí thư đảng ủy tham nhũng trước đây, kêu gọi mọi người đoàn kết để làm nên sức mạnh. Người dân Ô Khảm giờ đây thề sẽ làm tất cả để bảo vệ thành quả dân chủ của họ vừa giành được, và thu hồi 660 ha đất của làng đã bị lãnh đạo địa phương bán cho các nhà thầu và đút túi những khoản tiền hối lộ khổng lồ.

Một lãnh đạo khác của cuộc nổi dậy ở Ô Khảm là ông Trương Kiến Thành cho Libération biết, năm 2009 chỉ có một số người dân làng Ô Khảm dám can đảm quyết định đối mặt với cả một hệ thống chính trị địa phương. Ban đầu chỉ có khoảng 300 người đứng đơn khiếu nại lên cơ quan chính phủ ở Quảng Đông, nhưng tất cả đều bị chính quyền địa phương đe dọa, ngăn chặn. Sau nhiều lần đấu tranh như vậy không kết quả, dân làng quyết định huy động mạnh hơn, con số lên tới 6 nghìn người. Họ lại kéo đến trước trụ sở của cơ quan chính phủ. Nhưng cũng chỉ nhận được lời hứa hẹn sẽ giải quyết.

Cuộc đấu tranh của những người dân làng tay không chỉ bùng lên dữ dội sau khi chính quyền đưa công an đến giải tán thô bạo những người biểu tình làm hàng chục người bị thương. Đỉnh điểm của vụ việc là ông Tiết Kim Ba bị chết tại đồn công an khi cùng các đại diện cho nông dân lên định dàn xếp với chính quyền.

Người dân Ô Khảm kiên quyết đấu tranh. Chính quyền tìm cách kiểm duyệt thông tin, phong tỏa cô lập ngôi làng nhưng không thành. Trong khi đó người dân làng cũng tổ chức đội tuần tra riêng để tự bảo vệ. Họ còn lập một « trung tâm báo chí » để tiếp đón các nhà báo nước ngoài về đưa tin vụ Ô Khảm, thanh niên trong làng thì sử dụng mạng nternet đưa tin tức ra bên ngoài. Cuối cùng tiếng vang của Ô Khảm đã đẩy chính quyền vào chân tường, không còn cách nào khác là nhượng bộ.

Để kết thúc vụ việc có nguy cơ lan rộng khắp nước, chính quyền tỉnh Quảng Đông đã phải chọn giải pháp lùi bước chấp nhận yêu sách của người dân, và cuộc bầu cử ngày mai là một trong những nhượng bộ của chế độ đối với dân Ô Khảm. Ông Trương Kiến Thành khẳng định với Libération « Không có các nhà báo nước ngoài, có lẽ chúng tôi sẽ không làm được gì» .

Tuy nhiên tấm gương Ô Khảm có vẻ mỏng manh. Ông Viên Dụ Lai, một luật sư Trung Quốc bình luận « Vụ Ô Khảm chắc chắn không dừng lại ở đây. Liệu đảng cộng sản có thể thực sự nuốt hận mà không tính đến trả thù ? ».

Tác giả bài báo kết luận : Một đám mây đen sẽ có thể một lần nữa kéo đến Ô Khảm. Ông Trương Kiến Thành và nhiều lãnh đạo khác của cuộc nổi dậy giờ không dám đi ra khỏi làng. Ông cho biết: « Ở bên ngoài, tôi bị những người mặc thường phục theo dõi, sách nhiễu. Đây là một kiểu cảnh cáo, tôi khá bi quan về tương lai ». Như vậy thắng lợi hôm nay của dân làng Ô Khảm mới chỉ là bước đầu trong cuộc đấu tranh vì dân chủ ở Trung Quốc.

Nhật Bản : Nhiều bài học từ thảm họa động đất, sóng thần và hạt nhân 11/3

Le Figaro có bài : « Một năm sau Fukushima, Nhật Bản phải tự sáng tạo ». Theo đặc phái viên của tờ báo tại Tokyo, các hậu quả của thảm họa 11/03/2011, dân số ngày càng già cỗi và cạnh tranh trên thị trường quốc tế ngày càng mạnh, các yếu tố này buộc Nhật Bản phải thay đổi không chậm trễ, nếu không muốn bị tụt hậu.

Le Figaro nhấn mạnh đến sự tương phản sau thảm họa tại Nhật Bản : Một bên là phản ứng, ứng xử mẫu mực của người dân trước hậu quả kinh hoàng của trận động đất và sóng thần, còn bên kia là việc xử lý kém cỏi, rối loạn của chính phủ trước thảm họa hạt nhân Fukushima.

Một năm sau nhìn lại, người dân Nhật tự hỏi phải chăng vụ thiên tai 11/3 đã làm bộc lộ rõ những điểm mạnh, yếu và đã đến lúc Nhật Bản cần phải thay đổi, thích ứng với hoàn cảnh, môi trường quốc tế mới ?

Theo giáo sư Naoyuki Agawa, thuộc đại học Keo, thì thảm họa đã làm cho giới trẻ Nhật Bản thức tỉnh. Ông nói : « Lần đầu tiên trong cuộc đời của mình, những người trẻ, tuổi dưới 30, vốn có tuổi thanh xuân sống trong đầy đủ tiện nghi, đã cảm thấy cần phải có tình liên đới trong xã hội. Hơn một triệu người, có nghĩa là 1% dân số, đã tham gia vào các hoạt động cứu trợ ». Lớp trẻ Nhật Bản, vốn bị coi là lười học tiếng Anh, không muốn đi du lịch nước ngoài, dường như sống với các nhân vật ảo trong các trò chơi điện tử, giờ đây, qua tình liên đới, họ cảm thấy tự tin hơn.

Mặt khác, người dân Nhật thể hiện rõ tính kỷ luật : không có rối loạn, hôi của sau thảm họa, chấp nhận giảm mức tiêu thụ điện trong những tháng sau đó. Các sự kiện này cho thấy sự gắn bó xã hội đáng khâm phục tại Nhật Bản.

Ngược lại, cách hành xử của chính quyền vào thời điểm xẩy ra các sự cố ở khu nhà máy điện nguyên tử Fukushima làm lộ rõ những rối loạn trong hoạt động của bộ máy hành chính và hệ thống chính trị. Thông tin thiếu hụt, mâu thuẫn, hầu như không có một bộ phận chuyên trách đối phó với khủng hoảng, lãnh đạo cấp cao đưa ra những lời báo động làm cho dân chúng ngày càng nghi ngờ những phát biểu, trấn an của cấp dưới.

Nước Nhật có 54 lò phản ứng hạt nhân sản xuất điện. Hiện chỉ có hai lò hoạt động. Các lò khác lần lượt ngừng vận hành để kiểm tra an toàn và không được tái khởi động. Vào tháng Tư tới, hai lò còn lại cũng sẽ ngừng nốt. Do vậy, cần phải thuyết chính quyền địa phương chấp nhận cho khởi động trở lại các lò hạt nhân. Đây không phải là một công việc dễ dàng vì Tập đoàn TEPCO, phụ trách khai thác nhà máy điện Fukushima cũng như cơ quan chủ quản là bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp – METI, đều bị mất lòng tin.

Đối với Le Figaro, trong hoàn cảnh đó, Nhật Bản cần phải đẩy mạnh cuộc cách mạng công nghệ. Khi xẩy ra cuộc khủng hoảng dầu lửa đầu tiên vào những năm 1960, Nhật Bản đã huy động khả năng sáng tạo và trở thành quốc gia tiết kiệm năng lượng nhất trên thế giới. Trong thời gian qua, nước này đã bắt đầu thực hiện cuộc cách mạng công nghệ mới, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, pin điện, chất siêu dẫn…

Tờ báo nhắc lại rằng trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển, chi phí của Nhật Bản chiếm tới 20% tổng đầu tư của toàn thế giới.

Do thiếu hụt điện hạt nhân, Nhật Bản phải nhập khẩu than, dầu lửa và khí đốt nhiều hơn. Năm 2011, cán cân thương mại của nước này, lần đầu tiên kể từ hơn 30 năm qua, đã bị thâm hụt. Chi tiêu nhập khẩu năng lượng không gây lo ngại vì Nhật Bản có dự trữ ngoại tệ rât lớn. Tình trạng này không thể kéo dài. Nhật Bản cần phải thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, do khủng hoảng nợ công, châu Âu đã giảm nhu cầu nhập khẩu. Hậu quả là xuất khẩu, một trong những động lực của nền kinh tế Nhật Bản, đã bị tụt giảm. Điều này giải thích vì sao, Tokyo luôn tỏ ra rất tích cực trong việc hỗ trợ cứu giúp châu Âu.

Le Figaro còn nêu ra một thách thức khác mà Nhật Bản phải đối phó : đó là tình trạng dân số già cỗi. Năm 2010, hơn 23% dân số Nhật Bản ngoài 65 tuổi và chỉ có 13,2% dân số dưới 15 tuổi. Trong khi đó, tỷ lệ sinh con lại rát thấp, trung bình mỗi phụ nữ có 1,21 con, tại Pháp, con số này là 1,96. Kinh tế tăng trưởng chậm, dân số già, ít người lao động, nguồn thu ngân sách giảm, Nhật Bản buộc phải cải cách hệ thống an sinh xã hội và chế độ hưu bổng. Trên thực tế, dân Nhật phải làm việc đến 70 tuổi. Do vậy, Thủ tướng Yoshihiko Noda đặt lên hàng ưu tiên là việc tăng thuế giá trị gia tăng, từ 5% lên 8% vào năm 2014 và 10% và năm 2015.

Chương trình cải cách của Nhật Bản rất lớn. Vấn đề đặt ra là liệu giới lãnh đạo chính trị có đủ khả năng và quyết tâm để thực hiện hay không. Dân Nhật có ý kiến khác nhau về điểm này. Trong sáu năm qua, Nhật Bản đã 6 lần thay Thủ tướng.

Thay cho kết luận, Le Figaro trích lời giáo sư Kiyoshi Kurokawa, thuộc đại học Tokyo cho rằng xứ hoa anh đào đang ở khúc ngoặt trong lịch sử phát triển : Nhật Bản đã quản lý rất tốt việc phát triển lên thành một cường quốc công nghiệp, cho đến khi kết thúc chiến tranh lạnh. Nhưng từ 20 năm qua, kinh tế thế giới đã thay đổi và Nhật Bản đã bở lỡ cuộc cách mạng thông tin. Giờ đây, Nhật Bản cần phải thích ứng với hoàn cảnh mới, cải cách giáo dục, từ bỏ chế độ « sống lâu lên lão làng », cần phải tạo thuận lợi cho phụ nữ làm việc, mở cửa ra bên ngoài. Nhật Bản phải đối phó với hậu quả thảm họa 11/3 bằng cách coi đó là cơ hội lớn để thay đổi? và có lòng dũng cảm thực hiện những quyết định khó khăn.

Bầu cử tổng thống Nga : Vladimir Putin trở lại

Trở lại với đề tài bầu cử. Chỉ còn hai ngày nữa cử tri Nga sẽ bước vào cuộc bầu cử tổng thống, một cuộc bầu cử căng thẳng không phải giữa các ứng cử viên mà giữa Thủ tướng Putin với phe đối lập mặc dù các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy cử viên Vladimir Putin thắng ngay ở vòng một. Báo La Croix chạy tựa trang nhất: « Nước Nga bị Putin cầm tù ».

Tờ báo dành nhiều bài viết về tình hình chính trị của nước Nga hiện nay, nhằm cố lý giải tại sao khả năng thắng cử của ông Putin vẫn cao trong khi mà dư luận Nga đã mệt mỏi và chán chường với hệ thống chính trị lạm dụng quyền lực của của ông Putin.

Xã luận của tờ báo Công giáo với lời lẽ có vẻ thất vọng : « dường như không thể phế truất. Vladimir Putin chắc sẽ tái đắc cử Tổng thống Liên bang Nga vào Chủ nhật (….) Vậy là không có gì thay đổi ở Kremlin, tuy nhiên ở nước Nga thì lại đầy biến động. Các cuộc biểu tình bung ra ở khắp các thành phố lớn sau cuộc bầu cử Quốc hội hôm mùng 4/12 cho thấy sự mong mỏi chưa từng có của dân chúng  về một sự thay đổi ».

La Croix tự hỏi liệu cuộc bầu cử vào Chủ nhật tới có đặt dấu chấm hết cho phong trào phản kháng. Đối với một số nhà đối lập thì ngược lại, tất cả sẽ bắt đầu từ thứ Hai. Xã luận tờ báo viết : « Lãnh đạo của điện Kremlin sẽ lại tin vào sức mạnh quyền lực của mình, sẽ kích thích thêm mong muốn thay đổi. Những người phản kháng quyết liệt đã không ngần ngại nghĩ tới việc chạy trốn của các nhà độc tài bị lật đổ như Ben Ali hay Moubarak ở châu Phi ».

Tờ báo kinh tế Les Echos cũng đặt tình huống coi như ông Putin đã thắng cử. Tờ báo nói đến nhiệm vụ của chủ nhân điện Kremlin sẽ nặng nề hơn trước rất nhiều, vì nước Nga phải thu hẹp bớt vai trò của Nhà nước trong kinh tế, đấu tranh chống nạn tham nhũng, củng cố Nhà nước pháp quyền. … » và quan trọng hơn là làm dịu bớt làn sóng phản kháng chế độ ngày càng có chiều hướng lan rộng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.