Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Mandalay : Người dân Miến Điện đón mừng bà Aung San Suu Kyi

Hôm nay 03/03/2012, theo AFP, hàng chục nghìn người đã chờ đón nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi tại sân bay thành phố Mandalay. Bà Aung San Suu Kyi sẽ làm việc tại Mandalay trong hai ngày để vận động cho các ứng cử viên Liên đoàn Quốc gia vì Dân cử, trong cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung ngày 01/04.

Lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi trên đường vận động tranh cử (REUTERS)
Lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi trên đường vận động tranh cử (REUTERS)
Quảng cáo

Số lượng người tham gia mít tinh đón chào nhà đối lập là đông nhất kể từ đầu cuộc tranh cử đến nay. Dưới trời mưa, những người chờ đón hô vang : « Chúng ta yêu mến bà Suu Kyi » và giương cao những lá cờ của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ. Một phóng viên của AFP cho biết, từ sân bay Mandalay, đoàn xe hàng trăm chiếc nối nhau đưa nhà dân chủ về trung tâm thành phố.

Bà Aung San Suu Kyi sẽ tới phát biểu tại một khu phố ở Mandalay để ủng hộ các ứng cử viên Quốc hội do đảng của bà đề cử. Bản thân lãnh tụ đối lập cũng ra ứng cử tại một đơn vị bầu cử nông thôn gần thành phố Rangoon.

Theo các nhà quan sát, trong cuộc bầu cử một phần Quốc hội Miến Điện ngày 01/04, cho dù Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ có giành được toàn bộ 48 ghế nghị sĩ, họ cũng không thể nào chiếm được đa số trong Quốc hội. Tuy nhiên, chỉ riêng việc các cuộc bầu cử được mở ra cho đối lập tham gia và việc người mà dân chúng Miến Điện kính cẩn gọi bằng « Bà » (tức lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi) ra ứng cử, đã là một dấu hiệu của các thay đổi đang diễn ra tại đất nước này trong những tháng gần đây.

Cuộc bầu cử Quốc hội Miến Điện tháng Tư được các nước Phương Tây theo dõi sát, như là một trắc nghiệm về sự thành thật của chính quyền được gọi là « dân sự » ở Miến Điện trong các cải cách, kể từ khi tập đoàn quân sự giải thể cách đây một năm.

Xin nhắc lại là, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử 1990, tuy nhiên chế độ độc tài quân sự ở Miến Điện đã ngăn cản đối lập nắm quyền. Kể từ đó, bà Aung San Suu Kyi liên tục bị quản chế tại gia, tổng cộng là 15 năm, cho đến tháng 11/2010. Mặc dù tập đoàn quân sự đã giải thể, nhưng nhiều lãnh đạo của chính quyền « dân sự » hiện nay là các cựu tướng lãnh.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.