Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Đối với cư dân mạng Trung Quốc, tấm gương Lôi Phong đã lỗi thời

Vào tháng ba hàng năm, Trung Quốc lại kỷ niệm ngày « hy sinh » của Lôi Phong, một chiến sĩ « bình thường nhưng rất vĩ đại ». 2012 là đúng kỷ niệm 50 năm ngày anh chiến sĩ từng được Mao Trạch Đông nêu gương qua đời. Bắc Kinh đã phát động một « cao trào » học tập tấm gương của Lôi Phong.

Sinh viên TQ mặc quân phục để học tập gương sáng của anh hùng Lôi Phong
Sinh viên TQ mặc quân phục để học tập gương sáng của anh hùng Lôi Phong Reuters
Quảng cáo

Đối với cư dân mạng Trung Quốc, tấm gương này đã hoàn toàn lỗi thời trong thời đại công nghệ thông tin. Theo tiểu sử chính thức, Lôi Phong sinh năm 1940, lớn lên tại nông thôn, sau đó làm công nhân nhà máy, từng lái xe công nông và máy ủi. Đến năm 1959, anh nhập ngũ và trở thành chiến sĩ lái xe, cho đến khi bị chết trong một tai nạn. Lôi Phong được mô tả là một người vẫn lấy việc giúp đỡ người khác làm niềm vui của mình và nói chung là đã làm rất nhiều việc tốt và nhất là đã chuyên cần học tập « Tuyển tập Mao Trạch Đông ».

Chính vì vậy mà sau khi « hy sinh », Lôi Phong đã ngay lập tức được Mao Trạch Đông sử dụng như một vũ khí tuyên truyền. Tới nay, đối với một bộ phận dân chúng Trung Quốc, Lôi Phong vẫn được tôn sùng như là một anh hùng, thậm chí có cả một viện bảo tàng Lôi Phong tại nơi mà anh đã phục vụ trong quân đội.

Nay, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Lôi Phong qua đời, chính quyền Bắc Kinh đã yêu cầu báo chí gia tăng chiến dịch tuyên truyền về nhân vật này trên mọi phương tiện truyền thông, kể cả trên các trang tiểu blog. Theo nhật báo Shanghai Daily, tại Thượng Hải, khoảng 1000 sinh viên mặc quân phục của thời thập niên 1960 đã đứng ở các ngõ ra vào metro để phân phát những tờ rơi về « tinh thần Lôi Phong », hát những bài ca ngợi lòng vị tha, chỉ dẫn cho hành khách cách cư xử văn minh, lịch sự trong các toa tàu.

Nhưng trên mạng Internet, nơi mà nay đã quy tụ hơn 500 triệu người Trung Quốc, nhân vật Lôi Phong lại bị đả kích từ mọi phía. Không những thế, một số người còn đặt nghi vấn chung quanh những chuyện kể về Lôi Phong, không tin vào những bức ảnh chụp anh chiến sĩ này ngồi đọc « Tuyển tập Mao Trạch Đông » dưới ánh đèn dầu hoặc chụp anh đến thăm một cụ bà neo đơn.

Để giải tỏa những nghi vấn đó, cũng như để thu hút giới trẻ ngày nay, chính quyền Trung Quốc đã trình bày Lôi Phong dưới một dáng vẻ « hiện đại » hơn, khẳng định anh cũng giống như những thanh niên bình thường khác, tức là cũng thích chưng diện, cũng thích nhảy nhót và cũng có bạn gái.

Trong một bài xã luận, tờ nhật báo China Daily nhắc lại cái chết của bé Duyệt Duyệt ở tỉnh Sơn Đông vào năm ngoái, vốn đã gây xúc động mạnh trong dư luận, vì bé gái này đã bị hai chiếc xe cán liên tiếp, nhưng 18 người đã đi ngang qua và lạnh lùng bỏ mặc em nằm đau đớn, quằn quại bên đường. Đối với China Daily, cái chết bi thảm này của bé Duyệt Duyệt và thái độ vô cảm tàn nhẫn của một số người càng chứng tỏ là tấm gương vị tha của Lôi Phong vẫn còn mang tính thời sự.

Nhưng đối với một giảng viên tại Viện Công nghệ Bắc Kinh, được AFP trích dẫn, nhân vật Lôi Phong đã hoàn toàn lỗi thời và theo ông, thay vì tuyên truyền theo kiểu như vậy, chính quyền nên khuyến khích người dân tham gia những hoạt động từ thiện và đóng góp các quỹ nhân đạo, trên cơ sở sự tôn trọng và bình đẳng giữa mọi người. Nói cách khác, Lôi Phong phải là một phép mầu ngăn chận tình trạng suy thoái đạo đức nghiêm trọng trong xã hội Trung Quốc hiện nay.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.