Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Trung Quốc đấu đá nội bộ: Bí thư thành ủy Trùng Khánh bị cách chức

Ông Bạc Hy Lai, cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh, một nhân vật được lòng dân nhưng đồng thời cũng gây nhiều tranh cãi, đã bị cách chức vào lúc ông có nhiều triển vọng tham gia bộ máy lãnh đạo chóp bu của đảng Cộng sản Trung Quốc, nhân đại hội Đảng lần thứ 18, sẽ được tổ chức vào cuối năm nay.

Bạc Hy Lai đứng trước các đại biểu khác vào lúc hát quốc ca nhân lễ bế mạc kỳ họp Quốc hội Trung Quốc ngày 14/03/2012.
Bạc Hy Lai đứng trước các đại biểu khác vào lúc hát quốc ca nhân lễ bế mạc kỳ họp Quốc hội Trung Quốc ngày 14/03/2012. REUTERS/Jason Lee
Quảng cáo

Vị thế của ông Bạc Hy Lai đã bị đe dọa sau vụ ông Vương Lập Quân, nguyên giám đốc cảnh sát Trùng Khánh, hồi đầu tháng Hai, đã vào lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, dường như để xin tỵ nạn.

Ngay lúc đó, giới quan sát đã cho rằng việc ông Vương Lập Quân bị thất thế, muốn đào thoát, tỵ nạn sang Mỹ, là dấu hiệu cho thấy sự nghiệp chính trị của ông Bạc Hy Lai, có tham vọng trở thành ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc, đã bị lung lay mạnh mẽ.

Một nhà ngoại giao phương Tây làm việc ở Bắc Kinh, nói với AFP rằng việc cách chức ông Bạc Hy Lai không phải là « điều ngạc nhiên ». Ông ta không còn cơ may để vào Thường vụ Bộ Chính trị nữa. Vấn đề chỉ là thời điểm cách chức. Có người nghĩ rằng để tránh xáo trộn chính trị, có thể ông ta tiếp tục được tại vị cho đến khi có Đại hội Đảng.

Ông Bạc Hy Lai, năm nay 62 tuổi, thuộc loại « con dòng cháu giống », cha ông là Bạc Nhất Ba, lão thành cách mạng Trung Quốc. Tuy nhiên, « hoàng tử đỏ » này nổi tiếng trong dự án phát triển Trùng Khánh, với 33 triệu dân, thành một trong năm đô thị lớn nhất, một thành phố kinh tế quan trọng của Trung Quốc.

Ông cũng được công luận biết đến như là người đã chỉ đạo chiến dịch chống mafia quyết liệt ở thành phố này. Bí thư thành ủy Trùng Khánh không hề dấu diếm ý định muốn làm sống lại lý tưởng cách mạng theo kiểu thời Mao Trạch Đông ở nơi đây. Do vậy, có người gắn cho ông nhãn hiệu « người theo chủ nghĩa Mao » hiện đại.

Tuy nhiên, có nhiều thông tin nói đến các vụ hành quyết, bắt giữ, xét xử oan sai, vu cáo trong chiến dịch chống các băng đảng tội phạm có tổ chức và do vậy, có không ít kẻ căm ghét, « không đội trời chung » với ông Bạc Hy Lai. Chuyên gia Jean Pierre Cabestan, phụ trách khoa nghiên cứu chính trị của Đại học Baptist Hồng Kông cho biết : « Chiến dịch chống mafia của ông ta rất dữ dội và bất chấp các quy định pháp luật, ngay cả tại Trung Quốc ».

Người thực hiện chiến dịch này theo lệnh của ông Bạc Hy Lai chính là ông Vương Lập Quân. Cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh đã tìm mọi cách che chắn cho đàn em của mình, chuyển ông Vương sang làm phó chủ tịch thành phố, phụ trách văn hóa giáo dục, để tránh mọi sự đấu đá, tấn công. Ông Bạc Hy Lai đã phải trả giá vì bảo vệ tới cùng cựu lãnh đạo công an Trùng Khánh.

Mặt khác, phong cách của ông Bạc Hy Lai cũng làm cho một số lãnh đạo Trung Quốc khó chịu. Theo ông Patrick Chovanec, giảng dậy tại Đại học Thanh Hoa Bắc Kinh thì « ông ta rất cởi mở, rất tự tin và có sức lôi cuốn đối với công chúng, trong khi đa số giới lãnh đạo Trung Quốc lại không có cách hành xử như vậy. Họ bực tức về cách thức ông ta vận động để có được chiếc ghế trong Thường vụ Bộ Chính trị », đặc biệt cách ông ta ve vãn giới báo chí.

Có dấu hiệu cho thấy con đường sự nghiệp chính trị của ông Bạc Hy Lai đã được định đoạt từ trước. Cách nay một tuần, nhiều ủy viên Bộ Chính trị đã tham gia khóa họp thường niên Quốc hội Trung Quốc, khi thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung bộ Luật Tố tụng hình sự. Ông Bạc Hy Lai vắng mặt với lý do bị cúm.

Người lên thay ông Bạc Hy Lai là phó thủ tướng Trương Đức Giang, được coi là nhân vật rất bảo thủ. Theo thông báo của Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc thì quyết định thay thế này đã được cân nhắc kỹ lưỡng.

Hiện nay, đảng Cộng sản Trung Quốc đang trong quá trình sắp xếp nhân sự, chuẩn bị thay đổi thế hệ lãnh đạo, nhân Đại hội lần thứ 18. Câu hỏi mà giới phân tích đặt ra việc cách chức ông Bạc Hy Lai có lợi cho phe bảo thủ hay cho phe được gọi là cải cách ?

Theo chuyên gia Jean Pierre Cabestan, thì phải chăng, động thái này có nghĩa là « ông Tập Cận Bình (lãnh đạo số một trong tương lai của Trung Quốc) sẽ chấp thuận những cải cách của thủ tướng Ôn Gia Bảo và thúc đẩy nhanh các cải cách chính trị ? Còn quá sớm để nhận định việc này ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.