Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - CHÍNH TRỊ

Trung Quốc : Thủ tướng sắp mãn nhiệm hối thúc đảng Cộng sản cải tổ chính trị

Nhiều báo Pháp chú ý đến một diễn biến đặc biệt nhân lễ bế mạc kỳ họp Quốc hội Trung Quốc vào hôm qua 14/03/2012. Thường được kiểm soát chặt chẽ và không có gì gây ngạc nhiên, phiên bế mạc lần này đã khác. Theo Le Monde, thủ tướng Trung Quốc không chỉ có một cuộc trả lời phỏng vấn báo giới, được truyền hình trực tiếp, dài tới 3 tiếng đồng hồ, và đặc biệt là ông Ôn Gia Bảo đã đề cập đến nhiều vấn đề được coi là « nhạy cảm », với một phong cách được đánh giá là « tự do »

Các hình ảnh ông Ôn Gia Bảo trong cuộc họp báo ngày 14/03/2012
Các hình ảnh ông Ôn Gia Bảo trong cuộc họp báo ngày 14/03/2012 Reuters
Quảng cáo

Theo Le Monde, thủ tướng Trung Quốc đã nói từ tính cấp thiết của các cải cách chính trị cho đến vụ các nhà sư Tây Tạng tự thiêu, cũng như vụ bê bối liên quan đến ông Vương Lập Quân, một lãnh đạo cao cấp thành phố Trùng Khánh.

Tờ Le Monde ghi nhận sự tương phản sâu sắc giữa các phát biểu thẳng thắn của ông Ôn Gia Bảo, lãnh đạo cao cấp duy nhất Trung Quốc giàng được thiện cảm của nhiều người dân nước này, với các buổi họp mà tuyệt đại đa số đại biểu quốc hội Trung Quốc nhất loạt bỏ phiếu thông qua các dự luật. Tờ nhật báo bằng tiếng Anh ở Hồng Kông « South China Morning Post » thì đưa ra nhận định, « không ở đâu mà cái hố ngăn cách giữa một xã hội Trung Quốc sống động, phức tạp và đa dạng với hệ thống chính trị trì trệ và khép kín lại sâu sắc đến như thế (như trong các cuộc họp Quốc hội). »

Trả lời phỏng vấn AFP về các vụ tự thiêu tại khu vực của người Tây Tạng, ông Ôn Gia Bảo không sử dụng các ngôn từ được báo chí chính thức sử dụng để nói về họ như « các tội phạm », mà nhấn mạnh đến việc những người Tây Tạng tự thiêu là những người vô tội và hành động của họ khiến những người như ông vô cùng xúc động. Thủ tướng Trung Quốc cũng có những lời lẽ đánh giá cao khát vọng dân chủ tại các nước Ả Rập.

Theo tờ Les Echos, trong các phát biểu trước các nhà báo, thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã dùng những lời lẽ nghiêm trọng hiếm thấy, để nói về thực trạng của xã hội Trung Quốc hiện nay. Sau khi bày tỏ những hối tiếc về « nhiều việc đã không được thực hiện » trong thời gian chín năm ông nắm quyền, ông Ôn Gia Bảo kêu gọi đảng Cộng sản tiến hành một thay đổi chính trị, nếu không Trung Quốc sẽ không thể tiếp tục được các cải cách kinh tế, và tồi tệ hơn nữa là « một thảm kịch lịch sử kiểu như Cách mạng Văn hóa sẽ có thể xảy ra ».

Theo Les Echos, khác với bài diễn văn khai mạc Quốc hội, là kết quả của thỏa thuận giữa thủ tướng Trung Quốc với ban lãnh đạo, các phát biểu ngày hôm qua chỉ liên quan đến một mình ông Ôn Gia Bảo. Mà, theo một chuyên gia về kinh tế Trung Quốc, các lời kêu gọi cải cách như vậy đã được đưa ra ít nhất là ngay từ năm 2003, 2004. Nội dung chủ yếu của các kêu gọi này là chấm dứt sự độc quyền của khu vực Nhà nước hay cân bằng trong tăng trưởng. Thế nhưng kết quả không thấy đâu. Điều đó chứng tỏ rõ ràng là, các chủ trương mà thủ tướng Trung Quốc nêu ra rất ít có trọng lượng.

Trung Quốc : Bong bóng bất động sản – mầm mống gây hỗn loạn

Cũng về phát biểu của ông Ôn Gia Bản, tờ Echos có bài « Trước lúc ra đi, ông Ôn Gia Bảo hối thúc đảng Cộng sản Trung Quốc cải cách », với nhận định, bên cạnh các phát biểu hết sức cứng rắn nhằm vào bong bóng địa ốc khiến giới đầu tư nản lòng, thủ tướng Trung Quốc cố gắng dùng ảnh hưởng đang lụi tàn của mình để lay động chế độ chính trị ở Trung Quốc.

Ngày hôm qua, chứng khoán Thượng Hải và Thẩm Quyến mất 2,8%. Đây là mức tụt mạnh nhất trong vòng ba tháng nay, đặc biệt là các cổ phiếu bất động sản. Les Echos cho rằng điều này là hệ quả của các phát biểu của thủ tướng Trung Quốc trong cuộc họp báo kết thúc kỳ họp Quốc hội. Trước các phương tiện truyền thông quốc tế, người đứng đầu chính phủ Trung Quốc tuyên bố, giá bất động sản tại Trung Quốc là « rất bất hợp lý » và việc thả lỏng lĩnh vực này sẽ dẫn tới « hỗn loạn ». Được biết, trong hai tháng đầu năm nay, giá bán nhà đất đã giảm đến 25% so với thời gian cùng kỳ năm ngoái, nhưng điều này không khiến nhà cầm quyền lo ngại.

Trong hiện tại, giới kinh tế chú ý đến vấn đề các hệ lụy của việc bong bóng địa ốc bùng nổ đến toàn bộ nền kinh tế. Nếu như người ta ước tính, có khoảng từ 20%-30% tiền vay ngân hàng được dùng để kinh doanh bất động sản, thì rất khó để biết được, tỷ lệ tiền vay nhờ vào các bất động sản thế chấp, là bao nhiêu trên toàn bộ tổng số tiền vay ngân hàng. Một điều mà người ta biết rõ là, việc giảm giá nhà đất sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các ngân hàng.

Cũng về Trung Quốc, Le Figaro có bài xã luận mang tựa đề « Bài học Trung Quốc », liên quan đến các chiến lược hết sức cứng rắn của Bắc Kinh nhằm giữ được ưu thế trong cuộc cạnh tranh toàn cầu, trên rất nhiều « mặt trận », từ vấn đề độc quyền đất hiếm, nguyên liệu cho các ngành công nghệ cao, việc neo giá đồng yuan để hỗ trợ xuất khẩu, cho đến việc ngưng lại các đơn đặt hàng với Airbus mới đây, để trả đũa việc Châu Âu đơn phương áp đặt thuế carbon đối với máy bay vào không phận Châu Âu …

Schoendoerffer – đạo diễn phim Điện Biên Phủ : "nhà điện ảnh của những vết thương Pháp"

Báo chí Pháp có nhiều bài về nhà điện ảnh chiến tranh Pháp Pierre Schoendoerffer vừa qua đời hôm 14/03. Nhà điện ảnh Schoendoerffer nổi tiếng với bộ phim « Phân đội 317 », giải thưởng kịch bản Cannes năm 1965 hay giải nhất của Oscar cho phim tài liệu năm 1968 hay phim Điện Biên Phủ mà nhiều người Việt Nam quen biết. Tờ Le Figaro có bài « Schoendoerffer, nhà điện ảnh của những vết thương Pháp ».

Le Figaro kể lại con đường dẫn một người quay phim tài liệu, đã từng ghi lại trực tiếp những hình ảnh của cuộc chiến Điện Biên Phủ, đến với nghề làm phim nghệ thuật như thế nào. Pierre Schoendoerffer là nhân chứng của một cuộc chiến bị quên lãng, - Le Figaro nhận xét, một cuộc chiến mà các thế hệ ra đời sau sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản không còn nhìn thấy ở đó một điều gì đáng kể.

Le Monde thì nhấn mạnh đến giá trị lớn lao của bộ phim « Phân đội 317 », nói về cuộc chiến tại Đông Dương, như là một trong các các phim vĩ đại nhất về chiến tranh trong lịch sử điện ảnh. Pierre Schoendoerffer vừa là người quan sát, vừa là một nhân chứng của thời đại ông sống, Le Monde ghi nhận. Tờ báo dẫn lại những lời tâm sự của một nhân chứng - người cháu và cũng là một phóng viên chiến trường -, nói về ông bác mình, như là một người đi trước, đã khai mở cho ông khát vọng ghi lại trực tiếp hình ảnh về chiến tranh.

Syria : một năm sau ngày nổi dậy

Syria, đúng một năm kể từ ngày mở đầu phong trào phản kháng – ngày 15/03, là chủ đề được hầu hết các báo Pháp quan tâm.

« Syria : Vinh danh những nhà hoạt động trên mạng » là tựa đề của bài viết trên Le Figaro. Bài báo nhấn mạnh đến những hy sinh rất lớn, kể cả tính mạng, của những người sử dụng internet để đưa tới công chúng khắp nơi sự thật về các tội ác của chế độ al-Assad tại nước này. Le Figaro cho biết, Pháp đang thu thập các bằng chứng tội ác tại Syria để trình lên Tòa án Hình sự Quốc tế. Trong khi đó, theo l’Humanité, Amnesty International lên án chính quyền tra tấn đối lập và dân thường.

Một bài viết khác đáng chú ý về Syria trên Le Monde là « Syria : các lý do của sự bế tắc về ngoại giao ». Tờ báo đưa ra tổng kết : Đề nghị của đặc phái viên Kofi Annan bị Damas bác bỏ, Liên Hiệp Quốc và khối Ả Rập dường như bó tay trước các thảm sát, còn thái độ trì hoãn của Nga chỉ khiến cho nhà độc tài Bachar Al-Assad có thêm thời gian đè bẹp đối lập.

Cũng liên quan đến tình hình hiện tại của Syria, l’Humanité có bài phỏng vấn ông Didier Billion, thuộc Viện nghiên cứu chiến lược và các quan hệ quốc tế. Theo ông, chính quyền Damas đang giành lại được thế thượng phong, sau khi kiểm soát lại thành phố Idlib. Nhà nghiên cứu phê phán thái độ cự tuyệt đối thoại của Hội đồng Dân tộc Syria, lực lượng đối lập chủ yếu, với chính quyền Damas. Theo l’Humanité, đây là một sai lầm, vì nhiều nhóm đối lập khác có thể chấp nhận đối thoại.

Riêng về đối lập Syria, l’Humanité lưu ý : Cho đến nay, trước sự đàn áp gia tăng của chính quyền, đối lập vẫn không tạo được một mặt trận thống nhất. Việc một số thành viên Hội đồng Dân tộc Syria từ bỏ hàng ngũ là một biểu hiện cho thấy sự phân hóa gia tăng trong nội bộ đối lập.

Bầu cử Pháp : đại diện của 400.000 người khuyết tật tâm thần yêu cầu được bình đẳng

Liên quan đến bầu cử Pháp, có bài viết đáng chú ý trên Libération, giới thiệu về các đòi hỏi của Liên hiệp các hiệp hội cha mẹ, những người tàn tật về tinh thần và bạn bè của họ (Unapei), về việc cần phải có các thông tin thuận lợi hơn, giúp những người có khuyết tật tâm thần thực hiện được quyền công dân của mình trong việc bỏ phiếu bầu cử tổng thống Pháp. Cụ thể là phải có các hướng dẫn phù hợp với họ và một sự trợ giúp thích đáng để người khuyết tật tâm thần có thể tham gia bỏ phiếu.

Được biết, tại Pháp có 400.000 người khuyết tật tâm thần có quyền bỏ phiếu, quyền này được công nhận sau cuộc cải cách tư pháp năm 2009. Mọi cử tri bị khuyết tật về tâm thần, như vậy, đều có quyền bỏ phiếu, trừ phi có ý kiến ngược lại từ phía tòa án.

Triển lãm tranh của Artemisia, nữ danh họa đầu tiên của nền hội họa châu Âu

Liên quan đến các hoạt động văn hóa, Le Figaro cho biết tại bảo tàng Maillol quận VII Paris, đang diễn ra cuộc trưng bày tác phẩm của một danh họa người Ý ít được biết đến. Họa sĩ Artemisia có thể coi là nữ họa sĩ đầu tiên đã để lại được tên tuổi.

Nữ họa sĩ thế kỷ XVII theo trường phái baroc này đặc biệt được biết đến qua bộ phim của đạo diễn Agnès Merlet (1997), kể lại cuộc đời rất thăng trầm của nữ nhân vật. Con chim lạ của nền hội họa châu Âu vào thời điểm đó đã nhận được đơn đặt hàng của nhiều nhân vật có thế lực.

Trong khi đó, chủ đề chính của Salon sách, sẽ khai mạc vào ngày mai tại trung tâm triển lãm Versailles, là thế giới tranh truyện Manga Nhật Bản.

Trang nhất các nhật báo Pháp

Chủ đề được nhiều báo Pháp quan tâm hôm nay vẫn là cuộc vận động tranh cử tổng thống Pháp. Le Figaro chạy tựa « Hollande liên tục đưa ra các lời hứa hẹn (trên mây) không dựa trên khả năng tài chính thực tế ». Tờ báo công bố kết quả nghiên cứu của Viện doanh nghiệp, ước tính các hứa hẹn (liên quan đến lương tối thiểu, nhà trẻ, nhà ở cho sinh viên, …), mà ứng cử viên đảng Xã hội đưa ra có trị giá từ 3,8 đến 6,5 tỷ euro.

Còn Libération hôm nay ra số đặc biệt, với tựa đề « Libé của các nhà văn », trên nền hình ảnh ứng cử viên đối lập François Hollande đang phát biểu qua truyền hình. Số báo này có sự tham gia của 41 cây bút. Chủ bút số báo đặc biệt này là nữ văn sĩ Hélène Cixous.

La Croix, với bài « François Bayrou muốn ‘‘một nước Pháp đoàn kết’’, thì nhấn mạnh đến sự kiện ứng cử viên cánh trung vừa công bố chương trình tranh cử của ông ngày hôm qua. « Mặt trận cánh tả, chỗ đứng của giới trẻ » là tựa đề trên trang nhất của l’Humanité. Tờ báo dẫn kết quả cuộc thăm dò dư luận mới cho thấy ứng cử viên Jean-Luc Mélanchon, ứng cử viên Mặt trận cánh tả đang đà nhích lên với 11% số người dự định ủng hộ, theo một điều tra dư luận.

Cũng về nước Pháp, Les Echos chú ý đến việc nhiều doanh nghiệp lớn cam kết sẽ gia tăng nỗ lực để bảo vệ các ngành công nghiệp Pháp ngay tại sân nhà, với hồ sơ : « Sản xuất tại Pháp : lời kêu gọi của các chủ doanh nghiệp gửi đến các ứng cử viên tranh cử tổng thống ».

Về thời sự quốc tế, Le Monde chú ý đến Syria, một năm kể từ ngày phong trào đòi dân chủ bùng dậy. « Bài học Trung Quốc » là bài xã luận trên Le Figaro.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.