Vào nội dung chính
CHÂU Á - QUÂN SỰ

Châu Á, động lực chính thúc đẩy thị trường vũ khí quy ước

Khối lượng xuất khẩu vũ khí quy ước trên thế giới trong giai đoạn 2007 – 2011, đã tăng 24% so với thời kỳ 5 năm trước đó. Năm khách hàng mua vũ khí nhiều nhất thế giới trong 5 năm vừa qua đều là các nước châu Á. Đó là nhận định của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Thụy Điển – SIPRI, trong bản báo cáo « Các xu hướng chuyển giao vũ khí trên thế giới, 2011 », được công bố ngày hôm nay, 19/03/2012.

Hải quân Philippines đang có nhu cầu hiện đại hóa mạnh vài năm trở lại đây.
Hải quân Philippines đang có nhu cầu hiện đại hóa mạnh vài năm trở lại đây. REUTERS
Quảng cáo

Theo Sipri, vùng châu Á và châu Đại Dương chiếm tới 44% nhập khẩu vũ khí toàn thế giới, theo sau là châu Âu 19%, Trung Đông 17%, châu Mỹ 11% và châu Phi 9%.

Tại châu Á, chỉ riêng Ấn Độ đã chiếm 10% tổng khối lượng chuyển giao vũ khí trên toàn thế giới trong giai đoạn 2007 – 2011. Bốn nước còn lại là Hàn Quốc (6%), Pakistan (5%), Trung Quốc (5%) và Singapore (4%).

Đông Nam Á đóng một vai trò quan trọng. Tính gộp cả hai giai đoạn, 2002 – 2006 và 2007 – 2011, nhập khẩu của khu vực này tăng tới 185%, mức cao nhất kể từ sau chiến tranh Việt Nam 1975. Trong cùng thập niên này, khối lượng vũ khí mà Malaysia và Singapore mua tăng gần 300%, Indonesia 144% và Việt Nam 80%.

Các tác giả của báo cáo cho rằng, do các căng thẳng nghiêm trọng trong khu vực, liên quan đến các tranh chấp biên giới trên biển, chủ yếu tại Biển Đông, các loại thiết bị quân sự như tàu chiến, máy bay, vũ khí chống tàu chiến… chiếm tỷ lệ lớn trong nhập khẩu vũ khí của các nước Đông Nam Á.

Theo xu hướng này, trong 10 năm qua, Việt Nam đã trở thành khách hàng đứng thứ 5, mua 4% tổng xuất khẩu vũ khí của Nga. Trong năm 2011, Nga đã giao cho Việt Nam 2 tàu hộ tống lớp Gepard, các loại hỏa tiễn chống tàu chiến và 8 máy bay tiêm kích Su 30MK2. Trong những năm tới, Matxcơva sẽ tiếp tục chuyển giao cho Hà Nội các thiết bị quân sự này cùng với 6 tàu ngầm Project -636.

Theo ông Pieter Wezeman, chuyên gia nghiên cứu về buôn bán vũ khí trên thế giới, thuộc SIPRI, điểm đáng chú ý là « các nước nhập khẩu vũ khí chính tại châu Á tìm cách phát triển các ngành công nghiệp quân sự của mình và giảm sự phụ thuộc đối với các nguồn cung cấp từ bên ngoài ».

Do vậy, Trung Quốc đã chuyển quy chế, từ chỗ là nước mua nhiều nhất trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu lớn trên thế giới. Trong giai đoạn 2002-2006, Trung Quốc gần như đứng đầu thế giới về nhập khẩu vũ khí. Sang giai đoạn 2007-2011, Bắc Kinh tụt xuống hạng thứ tư. Việc giảm này trùng hợp với những phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc.

Trong một thập niên, từ 2002 đến 2011, khối lượng xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc tăng 95%, hiện đứng hàng thứ sáu trên thế giới, bám sát Anh Quốc. Ông Paul Holtom, giám đốc phụ trách chương trình nghiên cứu của SIPRI giải thích hiện tượng này là do Pakistan mua rất nhiều vũ khí của Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chưa thâm nhập được nhiều vào các thị trường quan trọng khác.

Cuộc cách mạng « Mùa Xuân Ả Rập » có ít ảnh hưởng đến thị trường thiết bị quân sự, mặc dù việc cung cấp vũ khí cho một số nước liên quan đã gây ra các cuộc tranh luận trên chính trường nhiều nước xuất khẩu lớn.

Nhìn tổng thể, trong giai đoạn 2007-2011, 5 quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu vũ khí, tính theo thứ tự, là Hoa Kỳ, Nga, Đức, Pháp và Anh Quốc. Nhóm này chiếm tới 75% tổng khối lượng vũ khí bán ra trên thế giới.

Sự năng động của thị trường thiết bị quân sự trong giai đoạn này, chủ yếu là do nhu cầu cao của một số nước châu Á, trong đó, đứng đầu là 5 quốc gia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Pakistan, Trung Quốc và Singapore, nhập khẩu tới 30% tổng khối lượng chuyển giao vũ khí trên toàn cầu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.