Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Miến Điện mời quan sát viên phương Tây theo dõi bầu cử

Hôm qua, 21/03/2012, Miến Điện đã mời các nước phương Tây cử quan sát viên đến theo dõi cuộc bầu cử bổ sung, được tổ chức vào ngày 01/04 tới đây. Qua cử chỉ này, chính quyền Naypyidaw hy vọng quốc tế sẽ công nhận cuộc bỏ phiếu, một hồ sơ quan trọng trong tiến trình cải cách chính trị của tân chính phủ.

Nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi nói chuyện với những người ủng hộ tại Kawhmu Township, 22/03/2012.
Nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi nói chuyện với những người ủng hộ tại Kawhmu Township, 22/03/2012. REUTERS/Staf
Quảng cáo

Trước đó một ngày, Miến Điện đã mời các đại diện của Hiệp hội các nước Đông Nam Á - ASEAN. Một quan chức cao cấp nước này, xin dấu tên cho biết : « Đó sẽ là một nhóm chung, bao gồm các quan sát viên của ASEAN, Liên Hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc ».

Các nước phương Tây sẽ quyết định cử các quan sát viên đến Miến Điện hoặc huy động các nhân viên ngoại giao đang làm việc tại nước này. Tuy nhiên, phía Miến Điện không cho biết số lượng quan sát viên quốc tế mà họ chấp nhận.

Từ hơn một năm nay, cộng đồng quốc tế ủng hộ các cải cách do tổng thống Thein Sein tiến hành và hiện nay đang rất chú ý theo dõi cuộc bỏ phiếu đầu tháng Tư, mà lãnh đạo đối lập, bà Aung San Suu Kyi tham gia tranh cử. Đảng của bà, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, đã hoan nghênh thông báo của chính quyền. Phát ngôn viên của Liên đoàn, Nyan Win, nhấn mạnh là các quan sát viên quốc tế « phải được phép tự do làm việc ».

Tháng 11 năm 2010, giới tướng lãnh cầm quyền đã tổ chức bầu cử lập pháp, trong lúc bà Aung San Suu Kyi vẫn bị quản thúc tại gia, còn đảng của bà thì bị giải thể vì tẩy chay cuộc bỏ phiếu. Không một quan sát viên nào được mới tới theo dõi cuộc bầu cử. Phương Tây cho đó là một « trò hề ».

Trong bối cảnh hiện nay, một cuộc bầu cử « tự do và công bằng » là những yếu tố cần, nhưng chưa đủ, để phương Tây bãi bỏ cấm vận mà tân chính phủ được thành lập hồi Tháng Ba năm ngoái vẫn mong muốn.

Mặc dù bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chưa có phản ứng, nhưng phát ngôn viên sứ quán Mỹ tại Miến Điện, ông Mike Quinlan đánh giá lời mời này là cử chỉ « đáng khích lệ ». Đồng thời, viên chức ngoại giao Mỹ cũng lưu ý : « Chúng tôi nghĩ rằng cuộc bầu cử này là quan trọng đối với tiến trình cải cách. Tuy nhiên, điều này không nghĩa là mọi việc đều hoàn hảo cả. Vẫn có những thông tin nói đến những điểm bất hợp lệ trong quá trình bỏ phiếu, đe dọa và các thành viên của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ bị tấn công ».

Phát biểu này hàm ý nói đến những cáo buộc gần đây của Liên đoàn, theo đó, phe đối lập vận động tranh cử trong « những điều kiện không công bằng », danh sách cử tri sai lệch, có nhiều bất hợp lệ về nguồn tài chính tranh cử … Theo phát ngôn viên của Liên đoàn thì một số đơn khiếu nại, tố giác đã được chú ý tới, nhưng do ít thời gian, tất cả các danh sách cử tri không được xem xét lại.

Liên Hiệp Châu Âu chưa có bình luận chính thức. Một nhà ngoại giao châu Âu khẳng định với AFP là đã nhận được lời mời của Miến Điện, nhưng tỏ ý tiếc là thời gian quá gấp, khó có thể tổ chức gửi quan sát viên từ bên ngoài vào.

Cuộc bầu cử bán phần đầu tháng Tư nhằm bổ sung 48 ghế trống, trong đó có 40 ghế ở Hạ viện. Đảng Đoàn kết và Phát triển Liên hiệp - USDP, do giới tướng lãnh lập ra lúc cầm quyền, năm 2010, không lo ngại bị mất đa số tại Nghị viện. Bởi vì, theo luật bầu cử và Hiến pháp do chính chế độ quân sự độc tài soạn thảo và ban hành trước đây, thì quân đội nghiễm nhiên có 25% tổng số nghị sĩ. Vả lại, trong cuộc bầu cử hồi tháng 11/2010, đảng USDP tuyên bố có đa số áp đảo, 80%, tại Nghị viện Miến Điện.

Tuy vậy, cuộc bầu cử bổ sung đầu tháng Tư lại đóng vai trò chủ chốt trong việc thuyết phục phương Tây rằng những người cầm quyền hiện nay tại Miến Điện là những nhà cải cách thực sự.

Tuần trước, Hoa Kỳ tỏ ra thận trọng. Ông Dereck Mitchell, đặc phái viên phụ trách hồ sơ Miến Điện của tổng thống Barack Obama, cho biết là các phân tích, đánh giá của Washington về cuộc bầu cử bổ sung sẽ dựa nhiều vào các ý kiến của phe đối lập, hơn là của các quan sát viên.

Trong khi đó, một số chuyên gia lại có thái độ lạc quan hơn, coi lời mời quan sát viên quốc tế là một bước tiến đáng kể. Ông Aung Naing Oo, thuộc viện Phát triển Vahu, trụ sở tại Thái Lan, nhận định : « Chính phủ Miến Điện muốn chứng tỏ họ làm hết sức mình để cuộc bầu cử được tự do và công bằng. Dường như điều này đã đáp ứng một cách tích cực các lo ngại của phương Tây ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.