Vào nội dung chính
HẠT NHÂN

Seoul đón tiếp Thượng đỉnh về an ninh hạt nhân trong bối cảnh căng thẳng

Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về an ninh hạt nhân khai mạc hôm nay 26/03/2012 tại thủ đô Hàn Quốc. Lãnh đạo Mỹ, Nga, Trung Quốc đều có mặt trong số 53 nguyên thủ quốc gia và 4 cơ quan quốc tế. Thượng đỉnh được tổ chức trong bối cảnh căng thẳng với Bắc Triều Tiên và Iran mặc dù hai điểm nóng này không được chính thức ghi vào chương trình nghị sự.

An ninh cẩn mật tại Seoul ngày 26/03/2012 nhân Hội nghị Thượng đỉnh Hạt nhân.
An ninh cẩn mật tại Seoul ngày 26/03/2012 nhân Hội nghị Thượng đỉnh Hạt nhân. Reuters
Quảng cáo

Ngày hôm nay , Seoul và vùng lân cận được quân đội và an ninh bảo vệ như một pháo đài để đón tiếp hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân.

Lãnh đạo của 53 quốc gia và 4 tổ chức quốc tế đã có mặt tại thủ đô Hàn Quốc trong số này có Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, Tổng thống Nga Dmitri Medvedev, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Thủ tướng Pháp François Fillon,Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon…

Hội nghị đề ra mục tiêu « vì một thế giới hòa bình và an toàn hơn » trong lúc Iran và Bắc Triều Tiên tiếp tục theo đuổi tham vọng hạt nhân gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế.

Sáng nay, Seoul tuyên bố là sẽ bắn hạ hỏa tiển mà Bình Nhưỡng thông báo là sẽ đưa một vệ tinh lên không gian vào giữa tháng 4 tới đây nếu hỏa tiển này bay lạc vào không phận Hàn Quốc.

Từ Seoul, thông tín viên Fréderic Ojardias tường thuật :

'' Hơn 50 nhà lãnh đạo quốc tế sẽ thảo luận về an ninh hạt nhân, nói khác đi là cùng hợp tác chống khủng bố và tìm phương cách bảo vệ chặt chẽ nhiên liệu và cơ sở hạt nhân dân sự.

Mối đe dọa có thật. Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế AIEA đã thống kê 31 vụ đánh cắp hoặc bị thất thoát vật liệu hạt nhân trong năm 2011.

Không ít người tự hỏi không biết hội nghị thượng đỉnh có mang lại kết quả cụ thể nào không. Nhưng Tổng thống Mỹ Barack Obama thẩm định là từ sau hội nghị lần trước vào năm 2010 tại Washington đến nay, nhiều tiến bộ đã được ghi nhân.

Tổng thống Mỹ nhận định : « Tổng cộng, hàng ngàn ký lô vật liệu hạt nhân đã bị mang ra khỏi các cơ sở hạt nhân thiếu an toàn trên thế giới. Nhưng nhờ vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, chưa bao giờ khủng bố lại gặp khó khăn như hiện nay trong (mưu toan) trang bị vũ khí hạt nhân. Với tư cách là tổng thống, tôi đã sửa đổi vai trò hạt nhân của Hoa Kỳ bằng cách giảm đi trọng lượng của vũ khí hạt nhân trong chiến lược an ninh quốc gia ».

Tại bán đảo Triều Tiên, tình hình căng thẳng hơn lên từ khi Bình Nhưỡng thông báo sẽ phóng vệ tinh bằng tên lửa tầm xa. Bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan Jin vào hôm nay tuyên bố là quân đội sẽ phá hủy tên lửa này trên không trung nếu nó bay ngang lãnh thổ miền nam.

Ngay Trung Quốc, lần đầu tiên đã có thái độ khác với thông lệ. Bắc Kinh cam kết sẽ thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ ý định này.

Dự án phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên cũng như tham vọng hạt nhân của Iran do vậy sẽ được thảo luạn sâu rộng trong hàng loạt các cuộc hội kiến song phương được dự trù bên lề thượng đỉnh hạt nhân.''

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.