Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - CHÍNH TRỊ

Một tình tiết mới trong vụ án Bạc Hy Lai tại Trung Quốc

Đề tài trên trang nhất các báo Pháp hôm nay khá đa dạng : tranh cử tổng thống Pháp (báo Liberation, Le Figaro) ; chuyến công du của Đức Giáo Hoàng Benedicto 16 tại Cuba (La Croix), áp lực trong việc làm (l’Humanité) hay đề tài sức khỏe (Le Monde). Liên quan đến thời sự quốc tế, nhân vật số một tỉnh Trùng Khánh, ông Bạc Hy Lai, lại một lần nữa gây sự chú ý cho hai tờ báo Pháp Le Monde và Le Figaro với một tình tiết mới vừa xuất hiện.

Bạc Hy Lai và Neil Heywood
Bạc Hy Lai và Neil Heywood DR
Quảng cáo

Cả hai tờ báo cùng cho biết, vừa qua Luân Đôn yêu cầu chính quyền Bắc Kinh phải điều tra về cái chết của một nhà tư vấn người Anh, ông Neil Heywood, một nhân vật thân cận của ông Bạc Hy Lai. 

Với bài viết đề tựa « Cái chết kỳ lạ của một công dân người Anh tại Trùng Khánh », Le Figaro nhận định rằng « tại Trung Quốc cũng như tại phương Tây, sự thất sủng của một người nào đó có kéo theo hàng loạt tiết lộ và cáo buộc ».

Trong khi đó, báo Le Monde lại cho rằng « đây là tình tiết sau cùng của tập truyện nhiều kỳ Bạc Hy Lai ». Một tình tiết hiện đang lôi cuốn các cư dân mạng Trung Quốc về sự thất sủng của ông Bạc Hy Lai.

Theo thuật lại của hai tờ báo, vừa qua, chính phủ Luân Đôn đã yêu cầu Bắc Kinh phải cho điều tra về cái chết của một công dân Anh, tên Neil Heywood. Ông này đã được phát hiện chết trong phòng khách sạn của ông ta tại Trùng Khánh. Các quan chức địa phương giải thích rằng Neil Heywood chết do dùng quá nhiều rượu.

Theo cả hai tờ báo, điều đáng nói là lời giải thích đã gây ngạc nhiên cho gia đình nạn nhân, vì họ khẳng định rằng ông Heywood không biết uống rượu. Sau đó, thi thể nạn nhân đã được nhanh chóng đem đi thiêu mà không hề được giảo nghiệm.

Le Monde và Le Figaro cho biết Neil Heywood là người am tường tiếng Hoa và kết hôn với một phụ nữ Trung Quốc tại vùng Đại Liên, cứ địa cũ của Bạc Hy Lai. Ông ta từng là nhà tư vấn về thị trường Trung Quốc cho các doanh nghiệp lớn của nước ngoài. Chính ông này đã đóng vai trò môi giới giúp cho Bạc Qua Qua, con trai của Bạc Hy Lai ghi danh được vào hai trường đại học nổi tiếng của Anh quốc.

Theo hai tờ báo, các nguồn tin đang lưu hành trên Internet hiện nay cho rằng có lẽ ông Neil Heywood đã bị đầu độc. Và ông này đang có tranh chấp về tài chính với bà Cốc Khai Lai, vợ của Bạc Hy Lai. Như vậy, đây có lẽ chính là thông tin mà ông Vương Lập Quân, cánh tay phải của Bạc Hy Lai đã cung cấp cho lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên.

Le Figaro cho rằng, từ nhiều ngày qua tại Trung Quốc có tin đồn cho rằng ông Vương Lập Quân chạy trốn vì ông ta cảm thấy bị đe dọa. Trước đó, Vương Lập Quân đã báo cho Bạc Hy Lai biết những người thân cận của ông ta đang bị điều tra về cái chết bí ẩn của Neil Heywood do nghi ngờ là bị đầu độc và khuyên ông ta không nên can dự vào trường hợp nhạy cảm này. 

Báo Le Monde còn liên hệ vụ án Bạc Hy Lai với một nhân vật đầy quyền lực khác trong Ban thường vụ Bộ chính trị là ông Chu Vĩnh Khang, người phụ trách về vấn đề an ninh. Có lẽ ông Chu đã hoài công vô ích nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của Bạc Hy Lai.

Nhận xét về vụ tai tiếng chính trị lần này tại Bắc Kinh, một giáo sư khoa học chính trị thuộc một trường đại học tại Bắc Kinh cho rằng « Trung tâm quyền lực bây giờ là Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo ».

Ngay trước khi kết thúc phiên họp thường niên của Quốc hội, ông Hồ Cẩm Đào đã đưa ra lời kêu gọi tuân thủ kỷ luật trước quân đội, báo hiệu cho thấy việc nắm lại quyền lực của nhóm cai trị trước sự kháng cự của ông Bạc Hy Lai và các đồng minh của ông ta. 

Giáo Hội muốn là tác nhân chính của chuyển đổi dân chủ tại Cuba

Về đề tài tôn giáo, các báo Pháp hôm nay đều quan tâm đến chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng Benedicto 16 tại Cuba. Theo các báo, từ Santiago, Ngài kêu gọi các giáo dân cùng nhau xây dựng một « xã hội rộng mở và tân tiến ». 

« Giáo hoàng đẩy các con cờ của mình trên lãnh thổ Cuba » là tựa đề bài viết trên báo l’Humanité. Bài báo nhận định, chuyến tông du Cuba của Ngài mang đậm màu sắc chính trị hơn là một chuyến đi bình thường. Đề tài xã hội sẽ là trọng tâm của các thảo luận giữa chính quyền Cuba và Giáo hội tại Cung Cách Mạng, ở La Habana.

Trong bài viết « Tại Cuba, Giáo hoàng Benedicto 16 cổ vũ cho một xã hội xứng đáng hơn của con người », nhật báo Công giáo La Croix lại cho rằng « chuyến đi của Ngài chứa đựng âm hưởng tinh thần nhiều hơn là chính trị ». Nhưng La Croix cũng cho biết rằng các mối quan hệ đặc biệt giữa Giáo hội và Nhà nước Cuba cũng sẽ được đề cập đến. Mối quan hệ này là biểu tượng của một đối tác chính trị đặc quyền, năng động của xã hội Cuba, kể từ sau chuyến viếng thăm của Đức giáo hoàng Gioan Phao Lồ đệ nhị cách đây 14 năm. 

Trong khi đó, báo Le Monde lại có bài nhận định khá sâu sắc đề tựa « Giáo hội muốn là tác nhân chính của sự chuyển đổi dân chủ tại Cuba ».Theo bài báo, kể từ sau đạt được thỏa thuận của chính quyền Cuba, dẫn đến việc trả tự do cho nhiều tù nhân chính trị, « Giáo hội hy vọng tận dụng được việc thay đổi thái độ của chính phủ đối với gGáo hội để củng cố thêm sự hiện diện của mình trong đời sống dân chúng và tầm ảnh hưởng lên xã hội Cuba trong tương lai ». 

Nhìn chung các báo đều cho biết trọng tâm các cuộc nói chuyện giữa Giáo hội và nhà nước Cuba xoay quanh các vấn đề chính như trả tự do cho các tù nhân chính trị, giảm nhẹ lệnh cấm vận của Mỹ lên Cuba, mở rộng một số quyền hạn cho Giáo hội trong một số lãnh vực như giáo dục hay y tế. 

Aspirine, một tia hy vọng mới để chống ung thư

Trong lãnh vực y tế, báo Le Monde hôm nay cho đăng tải một kết quả nghiên cứu qua tựa “Aspirine, hy vọng mới để chống ung thư”. Theo bài viết, loại thuốc này có thể làm giảm nguy cơ di căn và tử vong, nhưng bài báo cũng cho biết việc hướng dẫn điều trị phổ quát còn quá sớm. 

Theo một kết quả nghiên cứu khoa học được công bố trên tuần san y học Anh “The Lancet”, do nhóm nghiên cứu của giáo sư Peter Rothwell, đại học Oxford thực hiện, “nếu dùng aspirine hằng ngày sẽ làm giảm tỷ lệ tử vong và nguy cơ di căn”.

Le Monde đặt câu hỏi “như vậy liệu chúng ta sẽ phải dùng aspirine mỗi ngày để phòng bệnh ung thư hay không?” 

Le Monde cho biết, kết luận đưa ra là kết quả của ba công trình nghiên cứu mới nhất. Theo đó, mục tiêu ban đầu của công trình là đánh giá những lợi ích của việc dùng aspirine mỗi ngày lên tim mạch.

Trước đó, vào tháng 12 năm 2010, giáo sư Rothwell và các đồng nghiệp cũng đã cho thấy với việc điều trị bằng aspirine mỗi ngày với một liều lượng thấp (75mg) cũng làm giảm đến khoảng 20% nguy cơ tử vong do bệnh ung thư. Và tỷ lệ này sẽ tăng lên từ 30 đến 40% sau 5 năm điều trị.

Vì vậy, với kết quả của ba nghiên cứu mới này, nhóm nghiên cứu của giáo sư khẳng định tỷ lệ tử vong và nguy cơ bị u ác tính giảm hẳn. Nghiên cứu cũng chứng tỏ cho thấy nguy cơ khối u di căn cũng giảm mạnh. Đặc biệt, lợi ích của thuốc còn được thể hiện rõ trên những khối u ác tính, khối u thường xuất hiện nhiều nhất.

Nhưng báo Le Monde cũng cho biết, trong một bài bình luận kèm theo kết quả công bố trên tuần san The Lancet, hai bác sĩ thuộc trường đại học Havard hoan nghênh kết quả nghiên cứu, đánh giá là “không thể nào chối cãi được”, đồng thời cũng nhấn mạnh đến nguy cơ xuất huyết kèm theo, do tác động làm loãng máu của aspirine.

Trên thực tế, nhóm nghiên cứu của giáo sư Peter Rothwell cũng công nhận rằng nguy cơ xuất huyết tăng cao ở giai đoạn đầu thử nghiệm, dù rằng nguy cơ này giảm dần với thời gian và biến mất hoàn toàn sau ba năm điều trị. 

Tuy nhiên, theo các nhà khoa học tại Pháp, thì nghiên cứu cần phải được khai triển hơn nữa ở tầm mức rộng lớn hơn về đối tượng và độ tuổi dùng thuốc để dự phòng hay tránh di căn. Họ cho rằng các nhà khoa học phải mở rộng nghiên cứu đi theo hai hướng : “Thứ nhất, là phải làm sáng tỏ cơ chế phân tử giải thích tác động của aspirine lên các tế bào ung thư và các giai đoạn khởi đầu của sự phát triển ung thư. Thứ hai, phải chế tạo ra các loại aspirine cấy ghép, mà nó có thể bảo tồn được đặc lợi trong việc dự phòng bệnh ung thư, nhưng không để lại tác dụng phụ”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.