Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN - CHÍNH TRỊ

Miến Điện : Một cuộc cải cách mong manh

Tuần báo Le Courrier International đặc biệt chú ý đến tình hình Miến Điện trước cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung diễn ra ngày hôm nay 01/04/2012, với hàng tựa trên trang nhất « Miến Điện : Niềm hy vọng », trên nền hình ảnh gương mặt của lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi – giải Nobel hòa bình, ứng cử viên Quốc hội kỳ này.

Những người ủng hộ bà Aung San Suu Kyi đang chờ kết quả bầu cử bổ sung trước trụ sở Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ tại Rangoon hôm 1/4/2012.
Những người ủng hộ bà Aung San Suu Kyi đang chờ kết quả bầu cử bổ sung trước trụ sở Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ tại Rangoon hôm 1/4/2012. REUTERS/Soe Zeya Tun
Quảng cáo

Hồ sơ về Miến Điện trên Le Courrier International mang tên gọi « Một sự mở cửa mong manh », với nhận định : Aung San Suu Kyi - gương mặt đại diện cho nền dân chủ Miến Điện - chắc chắn sẽ vào Quốc hội, trong khung cảnh cuộc cải tổ bất ngờ do tổng thống Thein Sein khởi động, tuy nhiên sau nửa thế kỷ dưới sự thống trị của chế độ độc tài quân sự, dân chúng mới chỉ được nếm chút hương vị tự do, những thách thức là khổng lồ và quân đội vẫn còn nắm quyền điều hành đất nước.

Hồ sơ về Miến Điện của Le Courrier International bao gồm nhiều trích đoạn từ các bài bình luận và nhận định của báo chí Thái Lan, Hoa Kỳ hay Hồng Kông, về các thay đổi đang diễn ra, như bài « Aung San Suu Kyi – người mang niềm hy vọng » từ tờ Global Post (Boston), « Những người nghèo có nguy cơ mất hết » từ The Irrawaddy (Bangkok) hay « Hòa bình đi tới trên vùng đất đầy bom mìn » từ Asia Times Online (Hồng Kông, Bangkok), … Bài « Cơ quan kiểm duyệt sẽ thu kéo » từ Global Post (Boston) nói đến tình trạng kiểm duyệt được nới lỏng và khả năng Quốc hội Miến Điện sẽ thông qua luật tự do hóa báo chí từ đây đến cuối năm. Đặc biệt đáng chú là bài « Thein Sein, nhà cải cách thầm lặng » trích từ tờ The Irrawaddy.

Thein Sein, nhà cải cách thầm lặng

Tổng thống Thein Sein – người khởi động quá trình mở cửa tại Miến Điện – vẫn còn là một con người bí ẩn, kể từ khi chính quyền « dân sự » bắt đầu các thay đổi theo hướng dân chủ hóa. Tờ The Irrawaddy thử vén lên bức màn bí mật qua bài viết này.

Điểm đầu tiên được ghi nhận : Tổng thống Miến Điện là người duy nhất trong số các tướng lĩnh nước này, có được tính cách điềm đạm và nhẫn nại, đúng theo truyền thống của đạo Phật – tôn giáo của đa số người Miến. Điều thứ hai là, bản thân ông và những người thân cận với ông chưa bao giờ bị cáo buộc tham nhũng. Một số người còn cho rằng, ông Thein Sein là một người quá chính trực để có thể làm được chính trị trong một thế giới vô đạo đức.

Một điều nữa làm nên sự khác biệt của ông Thein Sein là nỗ lực tìm kiếm sự đồng thuận. Vào thời điểm cơn bão Nargis tàn phá Miến Điện năm 2008, trong khi tập đoàn quân sự nỗ lực ngăn cản cứu trợ quốc tế đến các vùng bị thiên tai, thì tổng thống Miến Điện tương lai, là viên tướng cao cấp nhất, đến tại chỗ để gặp gỡ các nạn nhân. Hành động này đã mang lại cho ông một uy tín lớn trong quá trình cải cách sau đó.

Vào năm 2009, ông Thein Sein đã trở thành người đại diện cho chính quyền quân sự, trình bày trước Đại hội đồng LHQ dự án về một « lộ trình dân chủ hóa có trật tự » tại Miến Điện. Nhân vật này đã được thủ lĩnh của tập đoàn quân sự - thống tướng Than Shwe - chọn vào vị trí tổng thống thay vì một viên tướng khác, bởi vừa không có tai tiếng tham nhũng, cũng như quá khứ vi phạm nhân quyền.

Câu hỏi mà tờ báo Thái Lan đặt ra là, bên cạnh hình ảnh gây thiện cảm và những tiến bộ không phủ nhận được gần đây, liệu tổng thống Thein Sein có thực sự điều hành đất nước và tại sao các cải cách quan trọng nhất lại bị trì hoãn ?

Không ít người cho rằng, cựu thủ lĩnh tập đoàn quân sự Than Shwe vẫn tiếp tục duy trì ảnh hưởng đằng sau các quyết định chính của tổng thống Thein Sein. Những người hoài nghi nhất tiếp tục nghĩ rằng, các cải tổ hiện nay của chính quyền « dân sự » chỉ là một thứ hỏa mù để giúp cho Miến Điện được chấp nhận vào chiếc ghế chủ tịch luân phiên của khối Asean, được Phương Tây dỡ bỏ trừng phạt, …

Có điều chắc chắn là bản thân tổng thống Miến Điện không nắm được toàn bộ quyền lực. Một bộ phận quân đội vẫn tiếp tục cuộc chiến chống lại quân nổi dậy thuộc sắc tộc thiểu số Kachin, bất chấp lệnh hưu chiến của tống thống. Bên cạnh đó, việc ngưng hợp đồng xây đập Myitsone với Trung Quốc và các nỗ lực lập lại cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc khiến ông Thein Sein có thể mất đi sự ủng hộ từ Bắc Kinh.

Tuy nhiên, theo các nguồn tin từ những người thân cận với tổng thống Miến Điện, hiện tại ông Thein Sein vẫn làm chủ được tình thế, bất chấp thái độ ngập ngừng của các cựu tướng lãnh. Một giai thoại được truyền đi rằng, có tin Phó tổng thống Tin Aung Myint Oo – một nhân vật nhiều thế lực – định làm đảo chính. Tổng thống Thein Sein cắt lại bài viết trên báo về chủ đề này, chuyển đến Phó tổng thống, với một vài dòng ghi chú …

Tờ báo Thái Lan kết luận, chính quyền của ông Thein Sein vẫn là một ẩn số. Sau cả một đời trung thành với chế độ quân sự độc đoán, giờ đây ông Thein Sein đang dẫn dắt một chính quyền dân sự trên con đường dân chủ hóa. Trong con mắt của đa số ở Miến Điện, tổng thống Thein Sein vừa là người đại diện quan trọng nhất cho một hy vọng cải cách chính trị, đồng thời lại là người gắn bó với một nhóm cầm quyền, vẫn kiên quyết duy trì quyền lực tuyệt đối của mình tại quốc gia này.

Tự thiêu : vũ khí đấu tranh của người Tây Tạng chống lại chính quyền Bắc Kinh

Về một chuyển biển gai góc khác ở Châu Á - cuộc đấu tranh của người Tây Tạng tại Trung Quốc -, tuần báo Le Nouvel Observateur có bài : « Tây Tạng : Vũ khí của sự hy sinh ». Tuần báo nhận định : Vì tự do, vì quyền được học tiếng nói và thực hành tôn giáo của mình, đã có 30 người tự thiêu. Đối với chính quyền Trung Quốc, những người tự thiêu là « kẻ khủng bố ».

Sự kiện đầu tiên được Le Nouvel Observateur giới thiệu là cảnh đám tang ông Sonam, người Tây Tạng thứ 30 tự thiêu để phản đối chính quyền Trung Quốc. Khác với những người đi trước, ông Sonam không phải là nhà tu hành, mà chỉ là một nông dân thất học. Ngày 17/03, sau khi làm lễ trước chân dung Đạt Lai Lạt Ma, ông Sonam đã uống xăng, rồi tẩm xăng vào người, tự thiêu trước thềm tu viện Rongwo, để lại tiếng thét : Đức Đạt Lai Lạt Ma phải được về Tây Tạng. Để không cho công an ngăn cản, ông đã cuốn vải bông và giây thép gai quanh mình. Người dùng điện thoại cầm tay quay được cảnh ông Sonam bốc cháy, kể lại, ông Sonam vẫn còn giơ nắm tay lên, giống như tất cả những người tự thiêu khác, khi toàn thân đã chìm trong lửa. Trước đó ba ngày, nhà sư Jamyang Palden, bạn của Sonam, cũng đã tự thiêu.

8.000 người dân thị xã Rebkong tiễn đưa người nông dân Tây Tạng thất học Sonam. Đây là một cuộc tập hợp đông người chưa từng thấy tại thị xã có 80.000 dân, nằm trong vùng tự trị của người Tây Tạng thuộc tỉnh Thanh Hải.

Hiện tại, chưa có ai giải thích được lý do vì sao ông Sonam đã chọn hành động phản kháng quyết liệt như vậy. Đối với chính quyền Bắc Kinh, những người tự thiêu chỉ là « kẻ khủng bố », bị nước ngoài giật dây, dù là hành động của họ không gây thiệt hại cho ai cả. Tại các vùng Tây Tạng ở tỉnh Tứ Xuyên, các thân nhân của những người tự thiêu bị chính quyền đối xử như các tội phạm. Tại huyện A Bá, nơi xảy ra một nửa số vụ tự thiêu, mỗi vụ tự thiêu dẫn đến các vụ bắt bớ đàn áp, và từ đó lại có thêm các vụ tự thiêu mới. Vòng xoáy đen tối cứ thể mà tiếp diễn.

Đối diện với làn sóng tự thiêu, Bắc Kinh tiến hành bao vây toàn bộ các khu vực của người Tây Tạng cả trên thực địa, cũng như về truyền thông. Tuy nhiên, không gì có thể ngăn lại được làn sóng hy sinh thân mình của cộng đồng Tây Tạng. Một nhà văn người Tây Tạng sống ở Tây Ninh, thủ phủ tỉnh Thanh Hải, cho biết, ông tin rằng phong trào sẽ tiếp tục lan rộng đến các tầng lớp khác, kể cả giáo viên, công chức,… Bởi, theo ông, đây là hình thức phản kháng duy nhất mà người Tây Tạng có thể thực hiện trong hiện tại. Các biện pháp khác như biểu tình, viết lách, tranh luận, … đều không thể. Hiện có đến 70 nghệ sĩ, trí thức Tây Tạng bị bỏ tù.

Cũng theo nhà văn này, nhiều người Tây Tạng nói có thể có đến 2.000 người tự thiêu để đánh động công luận quốc tế. 2.000 là số người hy sinh bằng tự thiêu trong phong trào đấu tranh bất bạo động của Gandhi chống lại thực dân Anh. Cũng giống như nhiều người Tây Tạng khác, ông tỏ ra rất lạc quan. Bởi đã có thời, ông mất hết hy vọng, nhưng rồi có cuộc nổi dậy 2008, tiếp đó là phong trào hiện nay. Nhà văn Tây Tạng tin rằng người Tây Tạng sẽ chiến thắng.

AP : cơ quan truyền thông phương Tây đầu tiên được quyền tác nghiệp tại Bắc Triều Tiên

Nhìn sang quốc gia độc tài và khép kín nhất thế giới ở Châu Á, Le Courrier International có bài : « Viết tin từ Bắc Triều Tiên », bài viết trích từ tờ Foreign Policy. Việc AP mở văn phòng tại Bình Nhưỡng, trong bối cảnh Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh về mặt lý thuyết, là một chuyện hết sức lạ lùng, khiến có người ví điều đó như là Al-Qaida được quyền cử phóng viên tới Mỹ làm phóng sự. Tuy nhiên câu hỏi chủ yếu đặt ra ở đây là, liệu cơ sở truyền thông phương Tây vừa được phép hoạt động từ tháng 1/2012 tại Bình Nhưỡng có điều kiện làm việc một cách độc lập ?

Bài báo cho biết, quản lý văn phòng của hãng thông tấn AP tại Bình Nhưỡng trong hiện tại là hai nhà báo có uy tín, Jean H. Lee - phụ trách văn phòng Triều Tiên của AP - và David Guttenfelder, trưởng nhóm nhiếp ảnh thuộc chi nhánh Châu Á của AP. Cả hai người này đều rất ít được phép rời khỏi khách sạn nơi họ ở. Hai nhân viên thường trực của văn phòng AP tại Bình Nhưỡng đều là người Bắc Triều Tiên. Dù đây là hai người có đào tạo qua nghề báo, nhưng theo đánh giá của một chuyên gia về chế độ độc tài Bình Nhưỡng, gần như hoàn toàn chắc chắn là hai nhân viên kể trên là công an chìm hoặc tình báo của Bắc Hàn.

Nhiều người lo ngại rằng, uy tín của hãng thông tấn AP có thể bị ảnh hưởng, nếu các tin bài mà chi nhánh tại Bình Nhưỡng làm ra không khác gì mấy, so với KCNA - hãng thông tấn chính thức của Bắc Triều Tiên. Vào đầu tháng Ba vừa rồi, cơ quan truyền thông Hoa Kỳ đã phỏng vấn trực tiếp một số người dân Bắc Hàn, về chủ đề thỏa ước hạt nhân mà Bình Nhưỡng mới đạt được với Washington. Như vậy, bài báo kết luận, cho dù các phát biểu của những người trả lời phỏng vấn không khác gì lắm so với quan điểm chính thức của chế độ Bình Nhưỡng, thì chỉ nội việc một số người dân Bắc Triều Tiên được quyền nói chuyện chính trị với các nhà báo phương Tây, đã là một tín hiệu khích lệ.

Tranh luận khoa học : Biến đổi cơ thể con người để đối phó với Biến đổi Khí hậu

Để kết thúc mục điểm tuần báo, chúng tôi xin giới thiệu với quý thính giả về cuộc tranh luận khoa học xung quanh chủ đề : Liệu làm biến đổi cơ thể con người có phải là một biện pháp có hiệu quả để làm chậm lại quá trình Biến đổi Khí hậu (BĐKH) ?

Quan điểm trên được tung ra trong một bài báo trên tạp chí Ethics, Policy & Environment đầu tháng Ba. Tác giả chính của bài viết, ông Matthew Liao – giảng dậy triết học và đạo đức sinh học tại đại học New York, đã đưa ra đề nghị lấy việc thay đổi cấu tạo cơ thể con người làm một giải pháp nhằm chống lại BĐKH. Ông là Matthew Liao là chuyên gia ngành khoa học mới, Human enhancement/Médecine méliorative (tạm dịch là y học cải tiến).

Theo các tác giả bài báo, các biện pháp làm chậm lại quá trình BĐKH trên trái đất hiện nay, như thị trường khí phát thải, ... là không đủ. Bên cạnh đó, một trong những nguồn phát thải chính là gia súc nuôi thì lại không được chú ý đến. Lượng khí của gia súc nuôi chiếm đến 18% lượng khí thải theo điều tra của FAO (tức là vượt lượng khí thải do các phương tiện giao thông gây ra), thậm chí con số này là 51 % theo một nghiên cứu khác.

Từ đó nhóm nghiên cứu cho rằng, hạn chế tiêu thụ thịt gia súc là một biện pháp chính để chống lại BĐKH. Mà để hạn chế ăn thịt, một trong các  kỹ thuật cần làm là thay đổi cấu tạo cơ thể, khiến con người không tiếp nạp được thịt gia súc. Trong số các kỹ thuật được đưa ra còn có việc làm cơ thể con người nhỏ bé lại để tiêu thụ ít hơn, hay biến đổi mắt người thành mắt giống như mèo để có thể nhìn xuyên bóng tối, và như vậy tiết kiệm được điện chiếu sáng.

Các đề nghị này thoạt tiên được như là những lời nói đùa. Nhưng sau đó, bùng lên hàng loạt ý kiến phản đổi dữ dội, cả từ phía những người bảo vệ môi trường, cũng như những người nghi ngờ hoạt động con người ảnh hưởng đến BĐKH, cho rằng đây là các biện pháp này mang tính phát xít, mặc dầu các tác giả đã nhấn mạnh đến việc đây là các biện pháp hoàn toàn tự nguyện.

Tờ The Guardian nhận xét : dù lo ngại các đề nghị này có thể được sử dụng vào việc chống lại các biện pháp bảo vệ môi trường, nhưng không nên sợ đưa các quan điểm như vậy ra tranh luận. Cho dù kết quả cuối cùng có thể là : các quan điểm kể trên hoàn toàn bị bác bỏ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.