Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Miến Điện: Bầu cử mở đường cho bà Aung San Suu Kyi vào Nghị viện

Ngày hôm nay, 01/04/2012, các phòng phiếu tại Miến Điện mở cửa để các cử tri tham gia cuộc bỏ phiếu. Đây là chỉ là một cuộc bầu cử bổ sung, nhưng lại mang tính lịch sử và có tính trắc nghiệm đối với thực tâm cải tổ chính trị của giới lãnh đạo Miến Điện.

Nhà đối lập Aung San Suu Kyi thăm địa điểm bầu cử Kawhmu, nơi bà ra ứng cử vào Quốc hội Miến điện , trong ngày bỏ phiếu 1/4/2012.
Nhà đối lập Aung San Suu Kyi thăm địa điểm bầu cử Kawhmu, nơi bà ra ứng cử vào Quốc hội Miến điện , trong ngày bỏ phiếu 1/4/2012. REUTERS/Damir Sagolj
Quảng cáo

Theo AFP, các phòng phiếu tại cố đô Rangoon mở cửa từ 6h sáng và sẽ đóng cửa vào lúc 16h, giờ địa phương. Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, phe đối lập chính tại Miến Điện, có ứng viên tham gia tranh cử 44 trong tổng số 45 ghế trống, trong đó có 37 ghế tại Hạ viện, 6 ghế tại Thượng viện và 2 ghế tại các Hội đồng dân cử cấp vùng.

Lãnh đạo đối lập, bà Aung San Suu Kyi ra tranh cử tại Kawhmu, một đơn vị bầu cử ở nông thôn, gần Rangoon. Là ứng viên có uy tín lớn, bà Aung San Suu Kyi chắc chắn sẽ thắng cử và tham gia Nghị viện Miến Điện.

Theo giới quan sát, chính phủ « dân sự » Miến Điện, với thành phần là các cựu tướng lãnh quân đội, kể cả tổng thống Thein Sein, cố gắng chứng minh, qua cuộc bầu cử này, các cải cách chính trị tại Miến Điện là thành thực, làm cơ sở cho việc quốc tế bãi bỏ lệnh cấm vận. Chính vì vậy, bản thân chính phủ Miến Điện cũng có lợi ích khi bà Aung San Suu Kyi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử ngày hôm nay.

Mặc dù tố cáo những hành động vi phạm luật phát, gây áp lực, xẩy ra trong chiến dịch vận động tranh cử, bà Aung San Suu Kyi vẫn nhấn mạnh sự cần thiết đối với phe đối lập phải tham gia Nghị viện để có thể thúc đẩy các cải cách, dân chủ hóa, từ bên trong.

Sau nhiều năm bị cấm đoán, từ vài tuần qua, người dân Miến Điện đã công khai bày tỏ sự ủng hộ phe đối lập và đặc biệt là đối với bà Aung San Suu Kyi. Tuy nhiên, trong những giờ bỏ phiếu đầu tiên hôm nay, phe đối lập đã tố cáo là có nhiều điểm bất hợp lệ trong cuộc bầu cử.

Ông Nyan Win, đại diện Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ cho AFP biết là đảng này sẽ có đơn kiện về việc phiếu bầu có gắn xi bên cạnh tên của Liên đoàn. Nếu vết xi bị bóc đi thì phiếu bầu coi như bất hợp lệ.

Thông tín viên RFI Rémy Favre cho biết bầu không khí hôm nay tại một phòng bỏ phiếu ở Rangoon.

6h sáng, tại Rangoon, thành phố lớn nhất Miến Điện, các phòng bỏ phiếu không có đông người. Còn quá sớm. Trên đường đi chợ, một vài phụ nữ tạt vào phòng bỏ phiếu. Vào giữa buổi sáng, có nhiều cử tri hơn trong phòng bỏ phiếu ở Rangoon, họ tụ tập trước các bảng niêm yết danh sách cử tri. Một phụ nữ không tìm thấy tên của mình và như vậy, bà không được quyền bỏ phiếu.

Bà khẳng định là 7 gia đình khác ở cùng khu phố, trong đó có một người hàng xóm cũng ở trong tình trạng tương tự, không được quyền đi bầu. Các nhân viên trong phòng bỏ phiếu nói với bà quay lại chiều nay, nhưng bà không biết liệu có được tham gia bầu cử hay không.

Trong phòng bỏ phiếu, không có những khoang ngăn cách, kín đáo, cho cử tri khi lựa chọn phiếu bầu. Chỉ có một cái bàn, được vây quanh bởi các tấm che cao đến ngực. Nếu cử tri cúi về phía trước thì người bên ngoài không nhìn thấy họ. Tuy nhiên, nhiều cử tri cho biết là họ không cảm thấy khó chịu chút nào và nói thẳng là họ bỏ phiếu cho phe đối lập.

Aung San Suu Kyi, từ tù nhân chính trị trở thành Nghị sĩ

Vào cuối năm 2010, bà Aung San Suu Kyi, gương mặt tiêu biểu của phe đối lập, sau khi được trả tự do, có vẻ như đã bị gạt ra bên lề xã hội. Giờ đây, các cuộc cải cách tại Miến Điện đã biến bà thành một tác nhân chính trị chính. 

Kể từ khi bước vào chiến dịch vận động tranh cử, giải Nobel Hòa Bình, năm nay đã 66 tuổi, thu hút nhiều đám đông cuồng nhiệt với cái nhìn khát khao niềm hy vọng vô bến bờ.

Một nhà sư tại Kawhmu, nơi bà Aung San Suu Kyi ra tranh cử, đã nói: «Chúng tôi nghĩ rằng bà hơn bất kỳ ai khác, để có thể thay đổi mọi thứ ».

Không ai có thể hình dung đến một kịch bản như thế vào tháng 11 năm 2010, khi mà hình dáng mảnh khảnh và kiêu kỳ của bà, biểu tượng cho hơn 20 năm kháng cự lại tập đoàn quân sự, xuất hiện vào lúc hoàng hôn, phía sau các chấn song cửa ngôi nhà cũ kỹ của bà ở Rangoon.

15 năm bị quản thúc tại gia, trong đó có 7 năm liên tiếp, đôi khi cũng đủ để so sánh bà với Nelson Mandela, người đã lên nắm quyền sau 27 năm bị giam cầm tại các trại tù ở Nam Phi.

Thế nhưng, nhờ vào việc tập đoàn quân sự tự giải thể vào tháng 3 năm 2011 và nhờ vào việc nhiều cựu tướng lãnh ủng hộ cải cách lên cầm quyền mà đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà lại được phép hoạt động trở lại và ra tranh cử 44 trên tổng số 45 đơn vị vào ngày 01/04/2012.

Theo nhận xét của một số chuyên gia, thì hầu như chắc chắn là bà sẽ trúng cử, trừ phi có gian lận lớn. Tuy nhiên, theo họ khả năng này rất ít. Nếu như các nhà lãnh đạo phương Tây xem đây như là một « Mùa Xuân Miến Điện », thì đối với nhiều chuyên gia, chính bà Aung San Suu Kyi sẽ người quyết định thời điểm hợp lý để dỡ bỏ lệnh trừng phạt.

Vào năm 1990, đảng Liên đoàn quốc gia vì Dân chủ của bà đã đạt được 392 trên tổng số 485 ghế tại Quốc hội. Nhưng các tướng lãnh đã từ chối không chấp nhận thất bại. Từ đó, người phụ nữ mà nhân dân Miến Điện mệnh danh là « Quý Bà » cũng bị tước đoạt tự do.

Tháng 9 năm 2007, bà đã ra khỏi căn nhà cũ nát để chào đón các nhà sư xuống đường biểu tình, phản đối đàn áp trong nước mắt. Tháng 11 năm 2010, bà tái xuất hiện, khuôn mặt rạng ngời và tự do, nhưng bà không thể hành động.

Cho đến khi bà được tổng thống Thein Sein mời đến thủ đô Naypyidaw để tọa đàm, kể từ đó mọi thứ bắt đầu thay đổi. Nhận xét về chuyến đi thủ đô của bà, giám đốc điều hành tờ Tiếng nói dân chủ Miến Điện, một tờ báo lưu vong có trụ sở tại Thái Lan cho rằng « Điều này có lợi cho hình ảnh của chế độ. Aung San Suu Kyi có thể thuyết phục được cộng đồng quốc tế (…) rằng chế độ đang thực hiện cải cách ».

Sinh ngày 19 tháng 06 năm 1945, bà Aung San Suu Kyi từng là học sinh của một trong những trường danh giá nhất tại Rangoon trước khi sang học tại Ấn Độ, nơi mẹ bà làm đại sứ. Sau đó, bà lên đường tiếp tục học tại trường đại học danh tiếng Oxford của Anh. Tại đây, bà đã gặp gỡ và kết hôn với một giáo sư người Anh là Michael Aris và họ có hai người con.

Tháng Tư năm 1998, bà buộc phải trở về Miến Điện để chăm sóc mẹ và từ đó không bao giờ rời xa đất nước. Hồi hương vào đúng thời điểm cả nước nổi dậy, bà đã đọc bài diễn văn đầu tiên vào tháng 8 cùng năm trước công chúng, làm rúng động trái tim của người Miến Điện bởi một sức mạnh và phẩm cách mà không ai có thể phủ nhận được.

Thế rồi đàn áp xảy ra làm thiệt mạng gần 3000 người. Nhưng một gương mặt tiêu biểu xuất hiện.

Được phương Tây ủng hộ, bà đã quyết định ở lại Miến Điện vào năm 1999. Trong khi đó, chồng bà qua đời vì căn bệnh ung thư tại Anh quốc trong nỗi canh cánh lo sợ sẽ không bao giờ được gặp lại bà.

Ông Trevor Wilson, cựu đại sứ Úc tại Miến Điện nhận định: "Nếu trúng cử, bà sẽ phải thay đổi mọi thứ ở bên trong. Bà có khả năng thúc đẩy tiến trình cải cách mở rộng hơn nữa như chưa từng có ở Miến Điện”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.