Vào nội dung chính
THÁI LAN

Một loạt vụ nổ bom tại miền Nam Thái Lan, 14 người chết

14 người chết và hơn 500 người bị thương trong một loạt vụ nổ bom ngày 31/03/2012 tại nhiều thành phố ở miền Nam Thái Lan. Đây là đợt tấn công nghiêm trọng và quy mô nhất từ năm 2004. Thủ tướng Thái khẳng định cơ quan an ninh đã xác định được các nhóm bị tình nghi là thủ phạm.

Hiện trường vụ đánh bom tại tỉnh Yala Thái Lan hôm 31/03/2012.
Hiện trường vụ đánh bom tại tỉnh Yala Thái Lan hôm 31/03/2012. REUTERS/Surapan Boonthanom
Quảng cáo

Phát ngôn viên quân đội Thái Lan cho biết vào trưa ngày hôm qua, 31/03/2012 hai vụ nổ liên tiếp đã xảy ra tại trung tâm Yala, thủ phủ của tình cùng tên. 11 nguời thiệt mạng và 110 người bị thương. Chưa đầy một giờ sau đó, khách sạn 5 sao tại thành phố Hat Yai, tỉnh Songkhla là mục tiêu tấn công. Ba người chết trong đó có một du khách Malaysia. Theo tỉnh trưởng Songkhla trong vụ đánh bom thứ ba này đã có 416 người bị thương, chủ yếu là do bị ngạt hơi.

Hat Yai thuộc tỉnh Songkhla là thành phố lớn nhất ở khu vực miền Nam Thái Lan và là một địa điểm du lịch nổi tiếng. Đây là lần đầu tiên tỉnh Songkhla bị tấn công. Còn Yala hiện là một trong ba tỉnh ở miền Nam Thái Lan được đặt trong tình trạng khẩn cấp và thường xuyên là mục tiêu của các nhóm nổi dậy.

Người đứng đầu cảnh sát quốc gia Thái, tướng Priew Damapong cho biết 3 vụ đánh bom tại Yala và Hai Yai có liên quan với nhau và có khả năng là do cùng tác giả gây nên. Còn theo lời thủ tướng Yingluck thì cơ quan an ninh quốc gia đã biết rõ nhóm bị tình nghi thủ phạm của các vụ đánh bom nói trên. Đó là « một nhóm có tầm hoạt động nhỏ » và không có quan hệ với « các nhóm khủng bố nước ngoài ».

Yala, Pattani và Narathiwat là ba tỉnh ở miền Nam Thái Lan nơi đa số dân cư là người Mã Lai theo đạo Hồi. Cho đến đầu thế kỷ XX, khu vực này thuộc chủ quyền Malaysia. Nhiều nhóm nổi dậy luôn đòi ly khai khỏi Thái Lan. Từ tháng 1/2004 phong trào nổi dậy của người Hồi giáo đã bùng lên làm hơn 5000 người thiệt mạng.

Theo giới quan sát, xung đột tại miền Nam Thái Lan mang màu sắc chính trị và tôn giáo. Trích dẫn nguồn tin từ tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, AFP cho biết gần đây, song song với việc mở đối thoại với một số các thành phần nổi dậy thì chính quyền Bangkok cũng đang siết chặt gọng kềm đối với các nhóm này.

Mặt khác, một số các hành vi lạm dụng quyền hành từ phía quân đội Thái đối với người Hồi giáo trong vùng đã khiến cộng đồng người Mã Lai bất bình. Đường lối hoạt động của các nhóm Hồi giáo có khuynh hướng cực đoan hơn. Human Rights Watch không ngần ngại coi một số vụ tấn công của các nhóm nổi dậy ở miền Nam Thái Lan là « tội ác chiến tranh ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.