Vào nội dung chính
NHẬT BẢN

Nhật Bản : nước nhiễm phóng xạ lại rò rỉ từ nhà máy Fukushima

Hôm nay, 05/04/2012, Tập đoàn Điện lực Tokyo, TEPCO, cơ quan khai thác nhà máy điện hạt nhân Fukushima thông báo, khoảng 12 tấn nước bị nhiễm phóng xạ đã rò rỉ từ khu vực nhà máy này và một phần nước có thể trôi ra biển.

Các công nhân làm việc bên trong nhà máy Fukushima.
Các công nhân làm việc bên trong nhà máy Fukushima. REUTERS/Tokyo Electric Power Co/Handout
Quảng cáo

Việc rò rỉ được phát hiện sáng nay trên một đường ống dẫn giữa khu vực nhà máy với một cơ sở xử lý nước bị nhiễm phóng xạ.

Theo quy trình thông thường, nước được bơm vào để làm nguội các lò phản ứng, do vậy có mức độ nhiễm xạ rất cao. Khối lượng nước này sau đó được thu gom lại, đưa qua bộ phận khử phóng xạ, và được bơm ngược trở lại hệ thống làm nguội.

Phát ngôn viên của TEPCO cho AFP biết, nước rò rỉ ở chỗ nối các ống dẫn và một phần nước nhiễm phóng xạ có thể chảy thoát ra bên ngoài khu vực nhà máy và chảy xuống biển.

Hiện nay, chỗ rò rỉ đã được sửa chữa và TEPCO đang cố gắng xác định chính xác khối lượng nước nhiễm phóng xạ trôi ra biển.

Sự cố tương tự cũng đã xẩy ra vào tháng trước. Khoảng 120 tấn nước nhiễm phóng xạ bị thoát ra ngoài, trong đó có 80 lít chảy xuống biển.

Trận động đất kéo theo sóng thần hồi tháng Ba năm 2011 đã làm hư hỏng nặng nề khu vực nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Tháng 12 năm ngoái, chính phủ Nhật Bản yêu cầu TEPCO cho ngừng hoạt động tất cả các lò phản ứng của nhà máy.

Theo giới chuyên gia, để rút các thanh nhiên liệu ra khỏi lò phản ứng, phải mất ít nhất là 10 năm và việc tháo dỡ lò sẽ kéo dài trong khoảng từ 30 đến 40 năm.

Cho đến nay, hàng trăm ngàn người dân sống xung quanh khu vực nhà máy Fukushima đã phải rời bỏ nhà cửa, đi chỗ khác, vì không khí, đất và nước trong khu vực có nguy cơ bị nhiễm phóng xạ cao.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.