Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN - QUÂN SỰ

Bắc Triều Tiên có kế hoạch chế tạo tên lửa tầm xa mạnh hơn

Vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm xa mà Bắc Triều Tiên tuyên bố là để đưa vệ tinh lên quỹ đạo, thực ra, nằm trong chương trình nghiên cứu không gian 5 năm của chế độ Bình Nhưỡng.

Tên lửa tầm xa Bắc Triều Tiên trong lễ duyệt binh ngày 15/04/2012
Tên lửa tầm xa Bắc Triều Tiên trong lễ duyệt binh ngày 15/04/2012 REUTERS
Quảng cáo

Theo báo Nhật Bản Choson Sinbo, được coi là thân Bình Nhưỡng, trong số ra ngày hôm nay, 16/04/2012, một quan chức Bắc Triều Tiên, xin dấu tên, có tham gia vào chương trình phóng vệ tinh, cho biết, với danh nghĩa phục vụ « phát triển kinh tế », Bình Nhưỡng, có ý định chế tạo một loại tên lửa tầm xa mạnh hơn và tờ báo khẳng định : « Các nhà khoa học và kỹ sư (Bắc Triều Tiên) sẽ không bao giờ từ bỏ kế hoạch này ».

Thứ Sáu, 13/04, tên lửa phóng vệ tinh của Bắc Triều Tiên đã nổ tung sau có vài phút rời khỏi mặt đất. Dự án này tốn kém khoảng 850 triệu đô la. Theo thẩm định của Liên Hiệp Quốc, số tiền này có thể mua được 2,5 triệu tấn ngô, nuôi sống 6 triệu dân Bắc Triều Tiên đang đói nghèo, trong khoảng 6 năm.

Trong những năm 1990, Bắc Triều Tiên đã trải qua nạn đói khủng khiếp, làm hàng trăm ngàn người chết.

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-Bak cảnh báo Bắc Triều Tiên không nên lao vào cuộc chạy đua chế tạo vũ khí nguyên tử rất tốn kém, trong lúc đất nước này bị thiếu lương thực trầm trọng và thường xuyên. Bắc Triều Tiên cứ tưởng tượng là họ có thể đe dọa thế giới và thúc đẩy đoàn kết nội bộ, nhờ có vũ khí nguyên tử và tên lửa, trong lúc trên thực tế, họ đang dồn đất nước đứng trước nhiều hiểm họa to lớn. Bài học lớn nhất trong lịch sử là Liên Xô đã sụp đổ do chạy đua vũ trang.

Nguyên thủ Hàn Quốc nhấn mạnh : « Phương cách duy nhất để Bắc Triều Tiên có thể tồn tại là từ bỏ vũ khí nguyên tử, hợp tác với cộng đồng quốc tế, theo hướng cải cách và mở cửa ».

Hoa Kỳ và các nước đồng minh ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, tố cáo dự án phóng vệ tinh là một vụ thử tên lửa tầm xa trá hình. Cộng đồng quốc tế lo ngại là sau thất bại trong vụ phóng vệ tinh, Bắc Triều Tiên có thể thực hiện vụ thử hạt nhân thứ ba, với mục đích hoàn thiện công nghệ chế tạo, thu nhỏ đầu đạn nguyên tử, cho phép lắp đặt lên tên lửa đạn đạo tầm xa.

Trong bối cảnh đó, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương Kurt Campbell hy vọng là Hội Đồng Bảo An sẽ có những biện pháp cần thiết để đáp lại sự thách thức của Bắc Triều Tiên.

Đang công du Nhật Bản, hôm nay, tại Tokyo, ông Kurt Campbell nói với các nhà báo : « Về phía Liên Hiệp Quốc, tôi nghĩ rằng sẽ có những tiến triển, trong cuộc họp của Hội Đồng Bảo An, ngày hôm nay ».

Hôm thứ Sáu, 15 thành viên Hội Đồng Bảo An đã « lấy làm tiếc » về việc Bình Nhưỡng phóng tên lửa, nhưng không nêu ra việc trừng phạt Bắc Triều Tiên, bởi vì một số thành viên, trong đó có Nga, đã bác bỏ việc thông qua một nghị quyết theo hướng này.

Sau khi Bình Nhưỡng thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ hai, vào năm 2009, Hội Đồng Bảo An đã thông qua nghị quyết 1874, cấm Bắc Triều Tiên tiến hành các vụ thử nguyên tử và phóng tên lửa đạn đạo.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.