Vào nội dung chính
QUAN HỆ ẤN - TRUNG

Trung Quốc mời Nhật, Hàn Quốc cùng lập đài thiên văn ở vùng tranh chấp với Ấn Độ

Báo chí Ấn Độ vào hôm qua, 15/04/2012 tiết lộ : Trung Quốc đang mời gọi Hàn Quốc và Nhật Bản cùng tham gia vào việc thiết lập một đài quan sát thiên văn tại Aksai Chin, một khu vực hẻo lánh nằm ở vùng tận cùng phía Tây Bắc cao nguyên Tây Tạng, sát biên giới với Ấn Độ và Pakistan. Theo phía Ấn Độ, đây là một thủ đoạn mới của Bắc Kinh nhằm hợp pháp hóa một vùng lãnh thổ của Ấn Độ mà họ đã chiếm đóng sau cuộc chiến tranh năm 1962.

Vị trí vùng Aksai Chin
Vị trí vùng Aksai Chin Wikipedia
Quảng cáo

Theo nhật báo Ấn Độ Times of India, một nhà khoa học Trung Quốc vào hôm qua cho biết là Hiệp hội Hạt nhân của các Đài Thiên văn Đông Á bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, vừa đề nghị chọn Aksai Chin là một trong hai địa điểm xây dựng một đài quan sát thiên văn chung. Hiệp hội này cũng kêu gọi Seoul và Tokyo góp phần thành lập cơ sở khoa học đó. 

Theo Tân Hoa Xã, hiệp hội này đã khảo sát nhiều địa điểm khác trên cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng và cao nguyên Pamirs tại vùng tự trị Tân Cương, nhưng đã thiên về địa điểm Aksai Chin (Tây Tạng), được Trung Quốc đặt tên là Sư Tuyền Hà (Shiquanhe), và đài thiên văn mới có thể được thiết lập ngay trong năm nay.

Theo ông Diêu Vĩnh Cường, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Học viện Quốc gia các Đài thiên văn Trung Quốc, đài quan sát mới đó sẽ cho phép các nhà khoa học Trung Quốc, Hàn Quốc, và Nhật Bản thiết kế những kính viễn vọng cực mạnh và cùng nhau thực hiện các chương trình nghiên cứu hỗn hợp.

Vấn đề đặt ra là Aksai Chin lại là một vùng lãnh thổ do Ấn Độ kiếm soát trước đây, nằm trong khu vực tên là Jammu và Kashmir, đã bị Trung Quốc chiếm đóng sau cuộc chiến tranh biên giới năm 1962. New Delhi cho đến giờ vẫn liên tục khẳng định chủ quyền của mình trên các vùng đất bị Bắc Kinh chiếm giữ. 

Theo các chuyên gia Ấn Độ, đề nghị của Trung Quốc liên quan đến đài quan sát là một mưu toan nhằm phức tạp hóa cuộc tranh chấp chủ quyền trên vùng Aksai Chin bằng cách viện cớ khoa học để lôi kéo Nhật Bản và Hàn Quốc vào cuộc.

Động thái đó, nếu thành công, sẽ tăng thêm tính chính đáng cho đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh, và gây thêm khó khăn cho New Delhi trong việc xác lập chủ quyền của mình đối với khu vực tranh chấp này.

Trong cùng một thời điểm, Trung Quốc cũng tấn công Ấn Độ trong hồ sơ Biển Đông, khi tiếp tục yêu cầu Ấn Độ từ bỏ các hợp đồng thăm dò dầu khí ngoài khơi miền Trung Việt Nam. Đòi hỏi của Bắc Kinh một lần nữa đã bị Ngoại trưởng Ấn Độ bác bỏ nhân một cuộc tiếp xúc mới đây cùng với ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.