Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - PHILIPPINES- BIỂN ĐÔNG

Trung Quốc lại triệu mời đại diện ngoại giao Philippines để phản đối

Hôm nay, 18/04/2012, Trung Quốc lại triệu mời một đại diện ngoại giao cao cấp của Philippines tại Bắc Kinh lên bộ Ngoại giao phản đối vụ việc, được cho là tàu cá Trung Quốc bị Manila "quấy rối" khi hoạt động ở vùng bãi đá Scarborough tranh chấp giữa hai bên ở Biển Đông. Đây là lần thứ hai mà đại diện sứ quán Philippines tại Bắc Kinh bị triệu mời về vụ này.

Ngư dân Trung Quốc trên tàu cá ở khu vực bãi đá Scarborough ngày 10/04/2012.
Ngư dân Trung Quốc trên tàu cá ở khu vực bãi đá Scarborough ngày 10/04/2012. Reuters
Quảng cáo

Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân, thứ trưởng Ngoại giao nước này là bà Phó Oánh đã mời Đại biện Sứ quán Philippines ở Bắc Kinh lên vào hôm Chủ nhật vừa qua và hôm nay để chuyển thông điệp phản đối hành động của phía Philippines. Theo ông Lưu Vi Dân, Trung Quốc mong muốn Philippines hiểu rõ « đại cục quan hệ tốt đẹp » giữa hai bên.

Sự kiện Trung Quốc hai lần triệu mời đại diện ngoại giao cao cấp của Philippines lên để phản đối cho thấy thái độ cứng rắn của Bắc Kinh trong tranh chấp vừa bùng lên liên quan đến bãi đá ngầm Scaborough – mà phía Trung Quốc đặt tên là Hoàng Nham - tại vùng Biển Đông, gần đảo Luzon của Philippines nhưng đang bị Trung Quốc đòi chủ quyền.

Vụ việc bùng lên vào tuần trước khi tàu hải giám của Trung Quốc can thiệp ngăn không cho chiến hạm Philippines bắt giữ tàu cá của Trung Quốc trong khu vực. Tình hình lại tiếp tục căng thẳng khi tàu Trung Quốc bị tố cáo là đã sách nhiễu tàu nghiên cứu của Philippines cũng trong vùng này.

Tuy nhiên, Bắc Kinh đã cáo buộc chiến hạm Philippines là đã sách nhiễu ngư dân Trung Quốc trong khu vực vốn thuộc chủ quyền Trung Quốc, đồng thời yêu cầu Manila phải rút tàu nghiên cứu ra khỏi khu vực.

Trung Quốc hiện khẳng định chủ quyền lịch sử của họ trên hầu như toàn bộ Biển Đông, kể cả tại vùng biển sát các nước khác và rất xa lục địa Trung Hoa. Philippines cho rằng họ có quyền chủ quyền trên các vùng biển nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của họ, và quan điểm này phù hợp với luật pháp quốc tế.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.