Vào nội dung chính
NHẬT BẢN - MIẾN ĐIỆN

Nhật Bản sẵn sàng xóa nợ để giành thị phần ở Miến Điện

Hôm nay, 20/04/2012, Tổng thống Thein Sein bắt đầu chuyến viếng thăm đầu tiên của một vị nguyên thủ quốc gia Miến Điện từ 28 năm qua đến Nhật Bản. Ông Thein Sein đến Tokyo chủ yếu để thương lượng việc xóa nợ của Miến Điện đối với Nhật Bản. Về phần Tokyo cũng sẵn sàng xóa một phần nợ cho Miến Điện để có thể giành vị thế ưu tiên, tại một thị trường hiện đang được rất nhiều nước dòm ngó.

Hãng hàng không Nhật Bản ANA sẽ nối lại các chuyến bay thường xuyên đến Miến Điện, lần đầu tiên kể từ 12 năm qua.
Hãng hàng không Nhật Bản ANA sẽ nối lại các chuyến bay thường xuyên đến Miến Điện, lần đầu tiên kể từ 12 năm qua. REUTERS/Yuriko Nakao
Quảng cáo

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, khi gặp nhau ngày mai tại Tokyo, Tổng thống Thein Sein và Thủ tướng Yoshihiko Noda sẽ thảo luận về một « giải pháp toàn diện » cho vấn đề nợ của Miến Điện. Các số liệu do Bộ Ngoại giao Miến Điện cung cấp cho thấy là, tính từ năm 1967 cho đến năm 1987, Tokyo đã cam kết viện trợ cho Miến Điện tổng cộng 4,9 tỷ đôla.

Theo nhật báo Asahi Shimbun số ra tối hôm qua, Nhật Bản sẵn sàng xóa món nợ khoảng 2,8 tỷ đôla cho Miến Điện, tức là khoảng 60% tổng số nợ của nước này. Thủ tướng Noda sẽ thông báo quyết định nói trên trong cuộc hội kiến với Tổng thống Thein Sein ngày mai. Tờ Asahi Shimbun cho biết thêm là sau khi xóa khoản nợ nói trên, Nhật Bản dự trù sẽ cho Miến Điện vay tiền trở lại, lần đầu tiên từ 25 năm qua.

Khi quyết định xóa bớt nợ và cho Miến Điện vay tiền trở lại, Nhật Bản rõ ràng là muốn chiếm giữ một vị trí hàng đầu tại một quốc gia hấp dẫn, với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và nhân công rẻ mạt ( rẻ hơn cả Cam Bốt và Việt Nam ). Theo nhận định của ông Kei Nemoto, giáo sư chuyên về Miến Điện tại trường Đại học Sophia ở Tokyo, các nhà hoạch định chính sách ở Nhật Bản nay thấy rằng đã đến lúc phải tăng cường quan hệ với Miến Điện, nếu không sẽ không thể cạnh tranh với những đối thủ khác, bởi vì Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc cũng đã thắt chặt quan hệ với quốc gia Đông Nam Á này.

Ấy là chưa kể cạnh tranh sẽ đến từ các nước Âu - Mỹ sau khi Liên hiệp châu Âu ngày 23/4 tới đây sẽ chính thức quyết định giảm nhẹ cấm vận đối với Miến Điện và Hoa Kỳ cũng vừa loan báo sẽ giảm bớt những hạn chế về tài chính và mậu dịch trong một số lĩnh vực đối với nước này.

Vốn đã từng chiếm đóng Miến Điện trong thời gian Thế chiến thứ hai, Nhật Bản đã đầu tư khoảng 10 tỷ đôla vào Miến Điện kể từ năm 2008, theo số liệu của Tổ chức Thống kê Trung ương, đặt tại thủ đô Naypidaw. Ngay cả trong thời kỳ Miến Điện bị cô lập trên trường quốc tế, Tokyo vẫn duy trì các mối quan hệ thương mại và đối thoại với chế độ quân phiệt. Quan điểm của Tokyo vẫn là: tỏ thái độ quá cứng rắn đối với chính quyền quân sự sẽ chỉ khiến cho Miến Điện xích gần lại Trung Quốc.

Với những mối quan hệ sẵn có, các công ty Nhật Bản đang chuẩn bị chiếm lĩnh thị trường Miến Điện. Hãng Honda muốn xây một nhà máy sản xuất xe gắn máy ở Miến Điện. Còn về phần công ty NTT Data Corp. chuyên cung cấp các dịch vụ mạng, thì dự trù lập một chi nhánh ở Miến Điện vào tháng 9 tới. Chi nhánh này theo dự kiến đến năm 2017 sẽ sử dụng đến 500 nhân viên.

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, trong thời gian viếng thăm, Tổng thống Thein Sein ngày 22/4 sẽ đến tham quan các nhà máy của tập đoàn điện lực Nhật Bản Tepco, cũng như của công ty J-Power, cho thấy là lãnh đạo Miến Điện quan tâm đến đầu tư của Nhật Bản trong lĩnh vực năng lượng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.