Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN

Thử tên lửa thất bại : Bình Nhưỡng mất mặt với báo chí quốc tế

Về châu Á hôm nay, báo Le Monde trở lại với vụ Bắc Triều Tiên phóng tên lửa thất bại, được thực hiện vào trung tuần tháng 4 vừa qua. Trong bài viết « Bình Nhưỡng dưới ngọn lửa của bệ phóng » , đăng trên mục Lá thư Châu Á, tờ báo tự hỏi việc Bắc Triều Tiên mới đây đã mời hơn 150 phóng viên nước ngoài đến quan sát vụ phóng tên lửa thể hiện « sự hé mở cửa hay là kiểu tuyên truyền được quản lý tốt ».

Dân Hàn Quốc biểu tình chống các vụ bắn tên lửa của Bắc Triều Tiên (REUTERS)
Dân Hàn Quốc biểu tình chống các vụ bắn tên lửa của Bắc Triều Tiên (REUTERS)
Quảng cáo

Đó là một sự kiện chưa từng có trên đất nước khép kín nhất hành tinh và chỉ cấp thị thực rất nhỏ giọt cho phóng viên nước ngoài. Tác giả tự hỏi, phải chăng Cộng hòa dân chủ Nhân dân Triều Tiên đang muốn chứng tỏ thiện chí của mình, vào lúc mà Hoa Kỳ và các đồng minh của họ khẳng định rằng vụ phóng tên lửa mang vệ tinh thật sự ra là một vụ thử tên lửa tầm xa trá hình, vi phạm nghị quyết Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc ? Hay là chính quyền Bình NHưỡng đang thực hiện một chiến dịch tuyên truyền rộng lớn để cho thế giới thấy một gương mặt mới hấp dẫn vào lúc mà Kim Jong-un kế thừa quyền lực ? 

Tác giả cho biết số 150 phóng viên không phải là của bất kỳ tờ báo nào, mà là được chọn lọc kỹ càng. Không có các phóng viên của các tờ báo viết lớn tại Mỹ như New York Times, Washington Post… Về hình ảnh, chính quyền Bắc Triều Tiên ưu tiên cho các kênh truyền hình Mỹ và Anh (BBC và CNN) được quyền phát trực tiếp từ Bình Nhưỡng. Về các hãng thông tấn tác giả thấy rằng đứng hàng đầu là hãng thông tấn Mỹ (Associated Press), tiếp đến là Tân Hoa Xã và hãng Itar-Tass của Nga, và đặc biệt hãng thông tấn Pháp (AFP) được quyền gởi đến 6 người.

Thất bại vụ thử đã làm cơn sốt báo chí hạ nhiệt nhanh chóng. Nhưng đồng thời nó cũng để lại một tác động đầu tiên. Bộ ngoại giao Mỹ đã có phản ứng bất bình trước lời khẳng định của ông James Oberg, cựu chuyên gia NASA (tên viết tắt của Cơ quan quản lý Hàng không và Không gian Hoa Kỳ) và hiện đang có mặt tại Bắc Triều Tiên – phát trực tiếp trên đài CNN cho rằng « Đấy không phải là một vụ thử quân sự ». Ngay tức thì, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã bày tỏ quan ngại rằng « Bắc Triều Tiến sử dụng sự có mặt của giới báo chí nước ngoài là nhằm mục đích tuyên truyền » và rằng « quốc gia này bước vào cuộc chơi bằng cách đồng ý cho loan tin rộng rãi về vụ phóng ».

Mặt khác, thất bại còn gây bất ngờ cho số phóng viên có mặt tại Bình Nhưỡng. Nhiều người trong số họ biết được thông tin này từ các đồng nghiệp tại trụ sở chính và thông tin được lan truyền như là rừng bị cháy. Mọi người đổ xô ồ ạt lên mạng Internet trong phòng báo chí với mức giá 7 euro cho mỗi 30 phút. Chỉ đến hơn 4 giờ sau, hãng thông tấn Bắc Triều Tiên KCNA mới xác nhận ngắn gọn tin tức.

Thế nhưng theo tác giả, ngoạn mục nhất có lẽ là cách chính quyền giải quyết khủng hoảng. Sau khi đã mài giũa kỹ lưỡng, Bình Nhưỡng tuyên bố: « Thất bại là chiếc chìa khóa của thành công trong tương lai.. ». Sau đó, chính quyền Bình Nhưỡng cho lật sang trang để tập trung sự chú ý của giới báo chí nước ngoài vào lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh « Người sáng lập quốc gia » và lễ đăng quang của cháu ông ta.

Việc đi lại của phóng viên bị giám sát chặt chẽ bởi các « hướng dẫn » thông dịch viên của chính phủ và một loạt công tác kiểm tra nghiêm ngặt. Phóng viên nước ngoài chỉ được đến tham quan những nơi do chính phủ đưa đến. Tuy nhiên, tác giả cũng hài hước nhận định rằng đôi khi các thông dich viên cũng gặp khó khăn trong việc giám sát « đám phóng viên » vô kỷ luật.

Ngoài ra, các cuộc phỏng vấn cũng phải thông qua các « hướng dẫn » thông dịch viên. Nhiều người trong số họ đã không giấu diếm vẻ ngạc nhiên khó chịu khi hỏi « Tại sao các ông cứ muốn phỏng vấn những người tầm thường này ? ».

Nhưng có lẽ điều làm cho các phóng viên nước ngoài lần này – kể cả những người rất uyên thâm về Bắc Triều Tiên cũng phải lấy làm ngạc nhiên chính là sự khoan dung tương đối để họ có thể chụp hình hay quay phim. Nhiều tấm ảnh về cuộc sống thường nhật được chụp qua các cửa sổ xe ô-tô hay tàu, hoặc như trên đường phố hay tại các cửa hàng đã không gặp rắc rối nào với lực lượng an ninh.

Cuối cùng tác giả nhận xét sự khoan dung không đồng nghĩa với tự do tiếp cận thông tin nhưng nó cho thấy ít bị hạn chế hơn trước. Một sự hé mở thật sự hay chỉ là một sự tuyên truyền có quản lý ? 

Châu Âu tạm đình chỉ các lệnh trừng phạt Miến Điện

Cũng tại châu Á, Le Monde loan báo cho biết 27 nước thành viên thuộc khối liên hiệp châu Âu đã đạt được một thỏa thuận từng bước dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống Miến Điện. Quyết định này sẽ được công bố chính thức vào ngày thứ hai 23/04 sắp đến tại Luxembourg. 

Ngoại trưởng 27 nước thành viên cuối cùng cũng đã thông qua một thỏa thuận vào hôm thứ năm 19/04 vừa qua, theo đó, tạm đình chỉ các lệnh cấm vận Miến Điện trong vòng một năm. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao cũng khẳng định rằng lệnh cấm vận vũ khí và các dụng cụ đàn áp không nằm trong thỏa thuận này.

Le Monde nhận định trên thực tế bản thỏa thuận này là một sự thỏa hiệp giữa các nước mong muốn dỡ bỏ lệnh trừng phạt ngay từ đầu (đại diện là nước Đức) và những nước như Anh Quốc khuyên nên có một biện pháp từng bước.

Quyết định của Liên hiệp châu Âu đã gây bất ngờ cho khá nhiều chuyên gia về Miến Điện. Những người này cho rằng việc châu Âu chia rẽ trên hồ sơ Myanmar sẽ chỉ cho phép đạt được một thỏa hiệp. Theo đó, châu Âu sẽ đình chỉ một phần lệnh trừng phạt, tập trung chủ yếu vào việc đưa ra các chương trình trợ giúp phát triển trực tiếp thông qua hợp tác với chính quyền Myanmar, tên chính thức của Miến Điện.

Tuy nhiên, bài báo cho rằng chính việc thủ tướng Anh, David Cameron, nhân chuyến đi thăm chính thức Miến Điện và bà Aung San Suu Kyi cùng kêu gọi tạm ngưng các lệnh trừng phạt đã làm thay đổi ván cờ.

Bài báo nhắc lại lệnh trừng phạt của châu Âu lên Miến Điện được đưa ra vào năm 1996, và nhiều lần được củng cố thêm, nhất là vào năm 2007, sau đợt đàn áp « phong trào nổi dậy của các nhà sư ». Lệnh trừng phạt bao gồm việc cấm thị thực nhập cảnh và phong tỏa tài sản của 491 người.

Mặt khác, lệnh trừng phạt của châu Âu quy định cấm trao đổi mậu dịch và đầu tư đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên 800 doanh nghiệp hoạt động trong các lãnh vực lâm nghiệp, kim loại, quặng và kinh doanh đá quý. Lệnh trừng phạt còn bao hàm cả việc hạn chế trợ giúp phát triển.

Liên hiệp châu Âu cho rằng việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt hoàn toàn còn phụ thuộc nhiều vào tiến trình dân chủ hóa như lời cam kết của chính quyền Naypyidaw. Hai hồ sơ mà châu Âu quan tâm nhiều nhất hiện nay chính là số phận của khoảng từ 600 và hơn 1000 « tù nhân có lương tâm » và cuộc chiến sắc tộc. Theo Le Monde, sự đối đầu giữa quân đội « Miến Điện » và nhiều đội quân sắc tộc thiểu số chính là một trong những cản trở cuối cùng cho phép việc gỡ bỏ hoàn toàn lệnh trừng phạt.

Vừa qua, chính quyền Miến Điện đã ký kết nhiều thỏa thuận ngừng bắn với nhiêu nhóm sắc tộc, nhưng đối với phiến quân tộc người Kachin, sống gần với biên giới Trung Quốc thì các vụ đối đầu vẫn tiếp tục diễn ra. 

Syria : phe đối lập muốn quốc tế can thiệp quân sự

Liên quan đến thời sự tại Trung Đông, báo Liberation cho biết « Phe đối lập tại Syria muốn can thiệp quân sự ». Theo tờ báo, quân nổi dậy đề nghị các nước « những người bạn Syria » phải có hành động mà không cần thông qua Hội Đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. 

Bài báo cho biết vào ngày hôm qua, thứ sáu 20/04/2012, hàng ngàn người Syria lại xuống đường biểu tình phản đối chính phủ tại tỉnh Deraa và Homs. Phe đối lập tố cáo chính quyền Damas cho triển khai quân đội rầm rộ, phong tỏa nhiều nhà thờ Hồi giáo, địa điểm tập trung quen thuộc của những người biểu tình.

Trong khi đó, hàng chục quan sát viên quốc tế có mặt tại Syria không dám đến hiện trường vì e sợ rằng « sự có mặt của họ sẽ bị sử dụng » để khuyến khích bạo lực « leo thang ».

Về phần phản ứng của quốc tế, Liberation cho biết, Pháp cho rằng khó có thể thực hiện kế hoạch của ông Annan. Vì vậy, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe nhận thấy cần phải triển khai khoảng 500 quan sát viên mới có thể thúc đẩy tình thế.

Ngược lại, phía Nga vẫn tỏ ra rất dè dặt. Matx-cơ-va khăng khăng cho rằng chính mắt họ trông thấy lệnh ngừng bắn « nhìn chung » đã được tuân thủ, bất chấp có « những vi phạm và khiêu khích » khi muốn ám chỉ đến phe đối lập.

Về phần mình, Hội đồng quốc gia Syria, liên minh đối lập chính đã tố cáo chế độ không rút quân ra khỏi các thành phố và « tiếp tục thách thức các quan sát viên bất chấp sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế về kế hoạch Annan ».

Phe đối lập tại Syria thì nhận định rằng kế hoạch Annan đã thất bại và đề nghị can thiệp vũ trang mà không cần thông qua Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, do luôn bị Trung Quốc và Nga phủ quyết.

Tuy nhiên, nhân buổi họp ngoại trưởng 15 nước thuộc nhóm « những người bạn của Syria », Pháp một lần nữa đã khẳng định sẽ không có chuyện gởi quân và ưu tiên cho giải pháp thành lập các hành lang viện trợ nhân đạo. Bên cạnh đó, Liên hiệp Châu Âu quyết định chuẩn bị ra một lệnh trừng phạt mới chống lại chế độ Damas. Theo đó, nghiêm cấm xuất khẩu các mặt hàng cao cấp và các thiết bị có thể chuyển sang cho mục tiêu đàn áp. 

Na Uy : Breivik không hối tiếc về hành động tàn sát

Còn tại châu Âu, báo Le Figaro quan tâm đến phiên xử Anders Breivik, kẻ sát hại 77 người trên đảo Utoya. Trong bài viết đề tựa « Tại Na Uy, Breivik không hối tiếc cho hành động thảm sát của mình », bài báo cho biết là kẻ sát nhân không muốn bị xem là kẻ tâm thần. 

« Tôi không thuộc diện tâm thần và tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về mặt hình sự » là lời nhận tội của Breivik, kẻ đã sát hại tổng cộng 77 người trong cùng một ngày (22/7/2011).

Le Figaro cho biết, dưới sự theo dõi chặt chẽ của các bậc cha mẹ các nạn nhân, các chuyên gia tâm thần học, thẩm phán và luật sư các bên đã ấn định khung tranh luận xoay quanh vấn đề « sức khỏe tâm thần » của tội phạm.

Nếu căn cứ vào giám định tâm thần học ban đầu, Breivik được cho là không thể nào chịu trách nhiệm về hành vi của mình, khi đó thủ phạm có nguy cơ bị giam giữ trong bệnh viện tâm thần đến mãn đời.

Ngược lại, nếu dựa vào bản giám định mới gần đây, phản bác lại biên bản đầu, thì Breivik có đủ khả năng chịu trách nhiệm hình sự trước pháp luật. Nếu như vậy, thủ phạm chỉ bị kêu án có 21 năm tù, nhưng vẫn có thể bị kéo dài thêm lâu hơn trong trường hợp bị xem là thành phần « nguy hiểm ».

Giữa một trong hai khả năng, Le Figaro cho rằng dĩ nhiên Breivik vẫn thích giải pháp thứ hai hơn. Bởi lẽ, nếu anh ta bị xếp vào hạng « điên rồ » giữa những kẻ điên và phải chìm đắm trong sự im lặng của thuốc men, thì có lẽ nó còn «tồi tệ hơn là cái chết », theo như thừa nhận của Breivik.

Còn nếu anh ta phải đi tù, bị xếp vào hạng « khủng bố » hay « sát nhân » thì chí ít ra vẫn còn cho thấy ý nghĩa của hành động phạm tội của mình.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.