Vào nội dung chính
CAM BỐT - MÔI TRƯỜNG

Quốc tế lên án vụ sát hại nhà hoạt động môi trường Cam Bốt Chut Wutty

Ngày 26/4 vừa qua, một nhà hoạt động bảo vệ môi trường, ông Chut Wutty đã bị bắn chết trong rừng tại tỉnh Koh Kong. Nhiều tổ chức quốc tế đã lên án vụ sát hại ông Chut Wutty, môt vụ đã làm nổi rõ tình trạng bao che nạn phá rừng tại Cam Bốt.

Bà Sam Chanthy vợ nhà hoạt động môi trường Chut Wutty trong đám tang ông tại tỉnh Kandal ngfày 28/04/2012.
Bà Sam Chanthy vợ nhà hoạt động môi trường Chut Wutty trong đám tang ông tại tỉnh Kandal ngfày 28/04/2012. REUTERS/Samrang Pring
Quảng cáo

Từ Phnom Penh, thông tín viên Phạm Phan tường trình:

Cái chết gây phẫn nộ dư luận trong nước

Ngày thứ Năm tuần này, công luận Phnom Penh lại chán nản khi hay tin một nhà hoạt động bảo vệ môi trường bị bắn chết trong vùng rừng núi tỉnh Koh Kong. Cái chết này gây phẫn nộ và cũng nói lên sự kém khả năng của hệ thống an ninh tại xứ này.

Chut Wutty, 48 tuổi, đã hoạt động bảo vệ môi trường được 15 năm, tập chú vào vùng rừng núi Cardamon ở tỉnh Koh Kong, Tây Nam Cam Bốt, trước đây ông là một quân nhân. Chut Wutty bị bắn ngay chân và thân người, sau đó đã chết. Vụ nổ súng xảy ra khi một lính quân cảnh tại khu vực đòi lấy thẻ nhớ nằm trong máy chụp hình của ông Wutty nhằm xóa những hình ảnh mà ông đã chụp về nạn phá rừng trong vùng núi Cardamon.

Tuy nhiên, ông Kheng Tito, người phát ngôn của lực lượng quân cảnh Cam Bốt nói rằng đã có tranh cãi giữa ông Wutty và người lính, và không biết nguyên nhân gây ra tranh cãi này. Cũng không biết ai đã bắn trước, bởi vì nhân viên quân cảnh cũng trúng đạn chết. Báo chí địa phương tường thuật người quân cảnh sau khi bắn ông Wutty, đã quay khẩu súng AK.47 bắn vào mình tự sát. Đây là tình tiết khó hiểu và hiếm khi thấy xảy ra trước đây.

Ông Chut Wutty là Giám Đốc tổ chức bảo vệ môi trường vùng rừng núi Cardamon. Đây là nơi được các tổ chức bảo vệ môi trường quốc tế đánh giá là khu vực có nhiều tài nguyên thiên nhiên, rừng núi xanh tốt nằm ven bờ biển đẹp nhất Cam Bốt, có nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm ẩn trú. Đây cũng là nơi Trung Quốc bỏ tiền đầu tư để xây dựng khu giải trí cao cấp bao gồm sòng bài quốc tế.

Chính vì thế công việc của ông Chut Wutty đương đầu với những thách thức không bình thường khi chạm trán với một lực lượng có đặc quyền trong xã hội xứ này.Bà Sam Chanthy, 40 tuổi, vợ của ông Wutty, trong khi trả lời phỏng vấn của báo mạng Phnom Penh Post ngày thứ Sáu đã nói rằng chồng bà đối diện với hiểm nguy khi bỏ vào rừng núi Cardamom gần một tháng trời để điều tra về nạn phá rừng, đốn gỗ quý.

Các phản ứng sau việc sát hại nhà hoạt động

Cái chết của nhà hoạt động bảo vệ môi trường Chut Wutty lại đánh động công luận trong và ngoài Cam Bốt về tình trạng bao che nạn phá rừng. Tổ chức Humman Right Watch vào hôm thứ Sáu đã lên tiếng phản đối mạnh việc sát hại ông Wutty.

Ông Patrick Alley Giám Đốc tổ chức bảo vệ môi trường Global Witness có trụ sở tại Luân Đôn - Anh Quốc nói việc hạ sát ông Wutty đã đặt những người bảo vệ môi trường tại Cam Bốt vào trong tình trạng nguy hiểm khi thi hành bổn phận của họ.

Ông cho rằng ông Wutty là một trong vài người hiếm hoi dám nói thẳng về nạn phá rừng đang gia tăng và tình trạng cướp đất ở Cam Bốt, một tệ nạn đã làm cho dân nghèo đi và phá hại tài nguyên quốc gia. Ông Patrick Alley cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế và chính quyền Cam Bốt phải lên án hành động giết người, phải bắt ngay bọn chủ mưu và mang ra trước công lý xét xử.

Tổ chức Ân xá Quốc tế nói ông Wutty đã bị đe dọa từ trước, khi ông tiến hành hoạt động điều tra tại vùng Cardamom. Ân xá Quốc tế kêu gọi phải điều tra ngay lập tức việc sát hại ông Wutty. Theo tổ chức Global Witness và nhiều tổ chức bảo vệ môi sinh thì tại Cam Bốt trong thời gian qua việc chặt cây đốn gỗ đã được một số cơ quan chính quyền địa phương hay những người có thế lực che chở, và trong vài năm trở lại đây, những cuộc biểu tình phản đối việc cướp đất dân nghèo đã bị đàn áp rất mạnh tay, có nơi người dân bị bắn chết thảm thương.

Một tổ chức Phi chính phủ mang tên Trung tâm Giáo dục Công dân Cam Bốt trong thông báo mới đưa ra đã phát biểu rằng: hành động bắn ông Wutty như là một lời nhắn gởi của thế lực chống lại hoạt động bảo vệ môi trường, đó là: Các ông gây rối, làm cản trở chúng tôi thì phải đền mạng. Và tổ chức Giáo dục Công dân Cam Bốt cũng đã tuyên bố thẳng rằng: Không khuất phục trước cường quyền.

Câu lạc bộ Báo chí Cam Bốt, một tổ chức binh vực cho quyền tự do báo chí lên tiếng kết án việc bắn chết ông Chut Wutty, và đòi hỏi phải mang hung thủ ra trước công lý. Câu lạc bộ Báo chí Cam Bốt cũng kêu gọi chính quyền bảo đảm sự an toàn cho hai nhà báo đang làm cho nhật báo Anh ngữ Cambodia Daily, hai người này cùng đi với ông Wutty để điều tra về nạn tham nhũng trong các vụ phá rừng nghiêm trọng.

Đây đúng là một trận chiến mới trong thời bình, đó là cuộc đấu tranh giữa những người dân muốn bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và tài sản của họ với những kẻ muốn khai thác tài nguyên quốc gia để làm giàu cho bản thân. Một trận chiến phức tạp vì lẫn lộn giữa chính và tà, và đẫm máu.

Tệ trạng phá rừng tại Cam Bốt

Trước đây vài năm, cựu Hoàng Sihanouk đã cảnh báo rằng, không bao lâu nữa, xứ Chùa Tháp sẽ bị biến thành một sa mạc. Đáp lại lời nhắc nhở này là việc phá rừng cứ gia tăng. Theo báo mạng Phnom Penh Post số ra ngày 27/4/2012 thì từ năm 2007 khi tổ chức bảo vệ môi trường Global Witness công bố bản phúc trình chỉ ra sự liên hệ của vài chính trị gia cao cấp với việc đốn gỗ bất hợp pháp thì có nhiều nhà báo đã nhận được lời đe dọa bị giết chết hay bị bạo hành bao gồm cả những cuộc tấn công đốt cháy nhà bởi những kẻ giấu tên giấu mặt.

Báo Phnom Penh Post cũng tường thuật vụ hung thủ dùng rìu chém chết nhà hoạt động bảo vệ môi trường ở huyện Sambo tỉnh Kratie vào tháng 10/2009 do vì nhà hoạt động này đã tiến hành điều tra và sau đó chính quyền đã mở cuộc tấn công trên bình diện lớn nhắm vào các hoạt động đốn gỗ bất hợp pháp. Cũng theo Phnom Penh Post hồi tháng 1/2010, một toán lính chĩa súng bắt giữ 10 nhà báo vì họ đang tìm hiểu để làm phóng sự về nạn khai thác gỗ lậu. Các nhà báo sau đó được thả ra nhưng bị tịch thu máy ảnh.

Tháng 10 năm 2010, một giới chức lâm nghiệp bị chém bằng rìu đến chết, như một hành động trả thù vì ông này đã chỉ huy các cuộc đột kích vào bọn khai thác gỗ bất hợp pháp. Bà Margareta Wahlström, phụ tá Tổng thư ký LHQ trong chuyến đi Cam Bốt 6 ngày mới đây đã nêu lên yêu cầu là chính quyền cần thi hành luật để bảo vệ môi trường mặc dù phần lớn đất đai ở xứ này đã nhường quyền khai thác cho các công ty nước ngoài.

Trung tâm Nhân quyền Cam Bốt cho biết cả quốc gia hiện nay chỉ còn 300.000 mẫu đất để trồng trọt. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.