Vào nội dung chính
THÁI LAN

Thái Lan: Một chủ trang web có thể bị kết án 20 năm tù vì tội khi quân

Hôm nay 29/04/2012, AFP loan tin ngày mai tư pháp Thái Lan sẽ ra phán quyết về vụ xử người phụ trách một trang mạng thông tin, vì bị khép « tội khi quân ». Bị cáo có thể bị phạt tới 20 năm tù. Việc có nên duy trì tội khi quân hay không hiện đang là chủ đề tranh luận tại Thái Lan.  

Một buổi lễ long trọng của Hoàng gia Thái Lan
Một buổi lễ long trọng của Hoàng gia Thái Lan REUTERS/Chaiwat Subprasom
Quảng cáo

Bà Chiranuch Premchaiporn, phụ trách trang mạng Prachatai, bị truy tố vì đã không nhanh chóng rút đi 10 bình luận, bị coi là báng bổ hoàng gia Thái Lan, trên mục thảo luận của trang này, vào năm 2008. Trong phiên xử tháng 9/2011, bà Chiranuch Premchaiporn tuyên bố đã rút ngay lập tức tất cả các bình luận được coi là « khiếm nhã », như chính quyền yêu cầu.

Trả lời AFP tuần này, người phụ trách trang mạng Prachatai cho biết, bà hy vọng sẽ được tha bổng và cho rằng mình vô vội. Bà Chiranuch Premchaiporn từ chối nhận tội như nhiều người khác, để hy vọng được một án tù nhẹ hơn.

Người phụ trách trang mạng Prachatai còn bị truy tố trong một vụ việc tương tự với nguy cơ bị kết án đến 50 năm tù. Theo nhà nghiên cứu David Streckfuss, các bằng chứng cáo buộc bà Chiranuch Premchaiporn không có sức nặng và bên công tố đã không chỉ ra được bị cáo có ý đồ xấu. Nếu bà Chiranuch Premchaiporn bị kết án, thì hình ảnh vốn đã bị xấu đi của Thái Lan – quốc gia đi đầu về dân chủ trong khu vực Đông Nam Á – sẽ càng trở nên xấu hơn. Chuyên gia kể trên cũng dự kiến sẽ có những phản ứng mạnh mẽ trong nước và quốc tế.

Vụ án xử người phụ trách trang mạng Prachatai diễn ra trong bối cảnh từ nhiều tháng nay, chính phủ Thái Lan liên tục ngăn cản hàng nghìn trang web có nội dung bị coi là báng bổ hoàng gia. Ngày thứ Năm 27/04/2012, ông Surachai Danwattananusorn, một cựu lãnh đạo Áo Đỏ, đã bị kết án thêm hai năm rưỡi tù, vì tội báng bổ hoàng gia. Trước đó, người này đã bị kết án bảy năm tù rưỡi vì một tội tương tự.

Tổ chức Phóng viên không biên giới cáo buộc chính phủ Yingluck Shinawatra còn tồi tệ hơn cả chính phủ tiền nhiệm trong việc ngăn chặn thông tin trên mạng. Thái Lan bị tổ chức này đưa vào danh sách các quốc gia cần theo dõi về tự do báo chí, kể từ ngày 12 tháng ba năm 2011.

Xin nhắc lại là, kể từ cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính phủ Thaksin Shinawatra năm 2006, đã diễn ra nhiều vụ truy tố và kết án dựa trên luật khi quân. Tháng 11 năm ngoái, một người đàn ông 61 tuổi đã bị kết án 20 năm tù, chỉ vì bốn tin nhắn SMS, bị coi là phạm thượng. Vụ việc này đã làm bùng lên cuộc tranh luận về luật khi quân, vốn là một chủ đề cấm ky cho đến nay.

Hoa Kỳ và Liên hiệp Châu Âu cũng bày tỏ sự lo ngại về tình trạng này. Giới đại học Thái Lan đã tiến hành một chiến dịch phản đổi để buộc chính quyền sửa đổi các điều luật hiện hành.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.