Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - THỂ THAO

Bóng đá Trung Quốc : từ ghế dự bị cho đến chỗ bị cáo

Trận đấu có gian lận, trọng tài bị mua chuộc, cá độ phi pháp … Đó là những tệ nạn đang làm bại hoại nền bóng đá Trung Quốc. Liên quan đến chủ đề này, nhật báo Libération số ra hôm nay có bài viết đề tựa « Trung Quốc : từ ghế dự bị cho đến ghế bị cáo ».

Ông Tạ Á Long, nguyên chủ tịch Liên đoàn bóng đá Trung Quốc bị đem ra xét xử ngày 24/04/2012 (Reuters)
Ông Tạ Á Long, nguyên chủ tịch Liên đoàn bóng đá Trung Quốc bị đem ra xét xử ngày 24/04/2012 (Reuters)
Quảng cáo

Ngay khi tiếng còi báo hiệu kết thúc trận đấu giữa hai câu lạc bộ bóng đá Tứ Xuyên và Hải Lợi Phong của Thanh Đảo cất lên, ông Đô Quân Khí (Du Yunqi) chủ nhân đội Thanh Đảo bất thình lình nổi cáu. Không phải vì vụ hậu vệ đội nhà tự đá thủng lưới nhà, mà vì viên cầu thủ này đã hụt cú sút lưới nhà. Ông ta la lối cầu thủ của mình « Tao đã đặt cược rất nhiều tiền ! Trận này lẽ ra phải là 4 quả chứ không phải là 3, đồ ngu ! ».

Sau vụ này, ông Đô Quân Khí bị kết án 7 năm tù vì tội tham nhũng và cá độ trái phép. Thế nhưng, theo thổ lộ của ông thì những trận đấu nào mà không có gian lận thì quả là chuyện hiếm hoi. « Bóng đá Trung Quốc thối tha đến tận tủy », là nhận xét của ông Nhậm Kiệt, chủ tịch một Hiệp hội Trung Quốc chống các độ trái phép (ACLPC). Ông cho biết « hầu hết các trận đấu đều bị gian lận, trọng tài bị mua chuộc và điều này ai cũng biết rõ cả ».

Theo Libération, bất chấp những thành công về kỷ luật trong thế vận hội, Trung Quốc chưa bao giờ xuất sắc trong môn thể thao vua này. Chỉ có một lần duy nhất là đội tuyển quốc gia lọt được vào vòng chung kết cúp bóng đá thế giới năm 2002, được đồng tổ chức tại Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ngày nay, đội tuyển quốc gia Trung Quốc xếp hàng thứ 84 trên thế giới, chỉ đứng trước Mozambique. Và hôm 12 tháng 11 năm rồi, đội bóng này đã rớt xuống đến đáy sau khi để thua Iraq với tỷ số 1-0 để giành vé đi dự World Cup 2014 tổ chức tại Brazil.

Theo một điều tra thăm dò được tiến hành, thì 87% số cổ động viên được hỏi đều tuyên bố nên « giải tán » đội tuyển và nên giành khoản ngân sách này cho một tổ chức từ thiện để cung cấp các bữa ăn miễn phí cho các học sinh nghèo khó.

Trước sự hoành hành của nạn tham nhũng, năm 2009, chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã quyết định cho quét sạch các tệ nạn xấu trong bóng đá. Tuy nhiên, theo Libération, cách thức thực hiện chiến dịch cũng gây nhiều bất ngờ. Ông Tạ Á Long, cựu chủ tịch Liên đoàn bóng đá Trung Quốc bị kết tội về nhiều trận đấu gian lận, đã bất ngờ gây ngạc nhiên trong phiên xử ngày 24/04/2012 năm rồi.

Trước phiên tòa, ông khai rằng đã bị cảnh sát tra tấn nhằm buộc ông phải ký vào biên bản nhận tội. Ông cho biết trong suốt thời gian thẩm vấn, ông đã bị đánh, cấm đi ngủ, bị chích điện. Vợ ông cũng bị giữ trong trại giam để làm con tin cho đến khi nào ông chịu ký tên vào bản thú tội.

Bắc Kinh xem chiến dịch « quét sạch » bạo lực này như là một bước cần thiết để cho một ngày nào đó Trung Quốc được ăn mừng chiến thắng World Cup. Tuy nhiên, theo nhận xét của một số chuyên gia thì để có thể đạt được ước nguyện này, Bắc Kinh cần phải thay đổi hệ thống nền bóng đá theo kiểu Xô- viết cũ hiện nay của mình.

Những thách thức chờ đợi tân tổng thống Pháp

Sau thắng lợi của ông François Hollande trong đợt bầu cử tổng thống Pháp vừa kết thúc hôm chủ nhật 06/5 vừa qua, báo chí Pháp số ra hôm nay bắt đầu quan tâm đến những gì vị tổng thống mới đắc cử sẽ phải thực hiện trong thời gian sắp tới.

« Đã bắt tay vào việc ! » là tít lớn trên trang nhất tờ báo thiên tả Libération. Trong khi chờ đợi ngày nhậm chức chính thức, dự kiến diễn ra vào ngày 15/5 sắp đến, ông Hollande đã tạm thời biến trụ sở chính của đảng Xã hội thành điện « Elysée bis » để làm việc và tiếp khách.

Trên trang nhất tờ Le Monde, với một bức ảnh lớn chiếm gần nửa trang báo, trên nền cờ tổ quốc « xanh, trắng, đỏ » và lá cờ liên hiệp Châu Âu, hình ông François Hollande cùng với người bạn đời Valérie Trierweiler đang vẫy chào những người ủng hộ ông trong đêm chiến thắng 06/5, tờ báo chạy tít « Cám ơn, dân tộc Pháp ». Thế nhưng, niềm vui chiến thắng đó không thể kéo dài thêm lâu hơn được do đảng của ông còn sẽ phải đối mặt với một « vòng ba mới » - đó chính là bầu cử quốc hội, sẽ được tổ chức vào khoảng trung tuần tháng 6 tới.

Tuy nhiên, hầu hết các báo Pháp đều cùng nhìn nhận rằng lịch trình làm việc của tổng thống mới đắc cử được cho là sẽ rất nặng nề. Ngoài việc phải nhanh chóng vực dậy nền kinh tế đất nước, nhiều hồ sơ quốc tế quan trọng khác đang chờ đợi ông ngay sau ngày nhậm chức chính thức 15/5 này.

Trong đó, đàm phán lại với Angela Merkel, thủ tướng Đức về « Hiệp định Ngân sách » là một trong những hồ sơ quan trọng nhất ông cần phải bắt tay ngay. Theo tờ báo thiên hữu Le Figaro, giữa Hollande và Merkel, đã có « những bất đồng đầu tiên», đấy cũng là tựa đề tít lớn trên trang nhất. Theo Le Figaro, thì bà Merkel vẫn kiên quyết từ chối mọi đàm phán lại về hiệp ước ngân sách châu Âu và mọi lộ trình « tăng trưởng bằng thâm thủng ngân sách ». 

Ngay sau khi chiến thắng của ông François Hollande được công bố, thủ tướng Đức Angela Merkel đã gọi điện ngay trong đêm chủ nhật để chúc mừng tổng thống đắc cử. Và ngay ngày hôm sau, thứ hai, 07/05/2012, bà Merkel tuyên bố muốn được « đón tiếp niềm nở ông Hollande » tại Berlin.

Le Figaro nhận định, bế tắc có vẻ không thể nào tránh khỏi được. Quan hệ Pháp – Đức đang trong giai đoạn mù mờ phức tạp, do có liên quan đến các ràng buộc chính trị bên trong, khó có thể nào hòa hợp giữa đôi bờ sông Rhin.

Những bất đồng về hồ sơ kỷ luật ngân sách

Có thể nói, cho đến giờ phút này, bà Merkel vẫn ủng hộ vị tổng thống mãn nhiệm hết mình. Theo Le Figaro, các thân cận của bà Merkel hy vọng rằng ông Hollande sẽ tiếp tục theo gương mô hình kinh tế - xã hội của Đức để « có thể tạo ra cú nhảy vọt cần thiết trước các khó khăn của nền kinh tế Pháp ».

Bà Merkel cũng tỏ cho thấy sẽ không nhượng bộ ông Hollande trên hồ sơ Hiệp định kỷ luật về ngân sách. Berlin cảm thấy khó chịu trước việc các nhóm cố vấn của ông Hollande luôn khẳng định thiện chí tái đàm phán lại Hiệp định thuế bình ổn, đồng thời thêm vào đó một nội dung khác về tăng trưởng.

Bà Merkel cảnh báo trước rằng hiệp định sẽ không thể nào đàm phán lại được do đã được 25 nước bàn thảo và ký kết . Mặc khác, hiệp định có lẽ sẽ được Quốc hội Đức phê chuẩn vào trước khi kết thúc kỳ họp Nghị viện vào tháng 6 này. Hơn nữa, Hy Lạp và Bồ Đào Nha cũng đã phê chuẩn xong.

Đức hy vọng rằng sắp tới đây Áo và Ý cũng sẽ thông qua hiệp định này để tạo ra một động lực không thể nào đảo ngược lại được. Berlin cũng tuyên bố sẵn sàng đàm phán riêng với tổng thống Pháp vừa đắc cử về một Hiệp định về tăng trưởng mới, với điều kiện không đào sâu thêm thâm hụt ngân sách. Như vậy, có nghĩa là trong thời gian đầu, ông Hollande buộc phải chấp nhận hiệp ước về thuế y như đã ký kết.

Về mặt cơ bản, giữa ông Hollande và bà Merkel cũng có nhiều điểm khác biệt rõ rệt. Một mặt, thủ tướng Đức cũng đồng tình với ông Hollande về việc tăng nguồn vốn của ngân hàng đầu tư châu Âu và đưa những quỹ cấu trúc châu Âu chưa được sử dụng cho các dự án lớn, hay việc thiết lập một loại thuế đánh lên các hoạt động giao dịch tài chính, một hồ sơ mà bà Merkel gặp phải sự đối kháng từ phe tự do - đối tác liên minh cầm quyền.

Mặt khác, bà cũng phản đối kịch liệt đề nghị thành lập eurobonds - trái phiếu chung cho Liên hiệp châu Âu theo yêu cầu của ông Hollande. Cuối cùng, bà cũng chỉ trích nhóm làm việc cũng ông Hollande đã không lật ngửa hết con bài khi không ngừng đưa thêm các đòi hỏi của mình trên danh sách.

Tuy nhiên, bài báo cũng nhận thấy rằng giữa thủ tướng Đức và tổng thống Pháp đắc cử cũng có những điểm chung : sự giản dị, từng là những người ngoài cuộc và là người mang đến làn gió xã hội – dân chủ ngay trong lòng đảng chính trị của mình. Bài báo nhận định rằng nếu Hollande và Merkel hiểu nhau được thì mọi thứ đều có thể được hết. 

Putin lại trở về điện Kremlin tráng lệ

« Putin lại trở về điện Kremlin tráng lệ » và « Putin và Medvedev trao đổi vai trò cho nhau » lần lượt là tựa đề các bài viết đăng trên Le Figaro và Libération. Hôm qua, tổng thống Nga Vladimir Putin đã chính thức tuyên thệ nhậm chức. Đây cũng là lần tuyên thệ nhậm chức thứ ba của ông Putin và cũng có thể sẽ có lần thứ tư theo như nhận định của cả hai tờ báo. 

Theo cả hai tờ báo thì lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống của ông Putin diễn ra với sự có mặt của hơn 3000 vị khách mời quốc tế tại điện Kremlin bị cô lập trong một thành phố ma (Le Figaro).

Buổi lễ diễn ra vừa tráng lệ cũng vừa long trọng. Nào là dàn nhạc giao hưởng, dàn hợp xướng, thảm đỏ, chạm trổ khắc vàng và đèn chùm sáng chói, cờ xí, cận vệ tổng thống, loạt pháo tràng… Nhưng Libération và Le Figaro cùng ghi nhận điểm khác biệt là chỉ có vài hình ảnh cho thấy ít đám đông dân chúng đến mừng người anh hùng của đất nước.

Buổi truyền hình trực tiếp sự kiện cho thấy vài hình ảnh nhìn từ trên cao một thành phố vắng vẻ đến kỳ lạ. Theo cả hai tờ báo, nghi lễ diễn ra trong bầu không khí khá căng thẳng. Trước đó một ngày, tức chủ nhật 06/05/2012, hàng trăm người đã tụ tập lại để phản đối Putin, trước khi bị cảnh sát dùng bạo lực giải tán. 

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.