Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN

Tham vọng quân sự của Kim Jong Un gây lo ngại

Về thời sự quốc tế, Le Figaro chú ý đến điểm nóng Bắc Triều Tiên qua bài viết « Kim Jong-un, một lãnh đạo độc tài trẻ đang trong giai đoạn bị kiểm soát ». Le Figaro nhấn mạnh, để khẳng định được quyền lực của người kế thừa, « hoàng tử đỏ Bắc Triều Tiên » dường như lựa chọn con đường gia tăng sức mạnh quân sự. Điều này gây nhiều lo ngại đối với Washington, Seoul và Tokyo.

Ông Kim Jong-Un đi thăm các đơn vị quân đội Bắc Triều Tiên (REUTERS)
Ông Kim Jong-Un đi thăm các đơn vị quân đội Bắc Triều Tiên (REUTERS)
Quảng cáo

Bài báo mở đầu với một giai thoại về Kim Jong-un, khi còn là một cậu nhỏ được cưng chiều, sống đơn độc, xa cách xã hội, trong các cung điện sang trọng và bí mật. Một thú vui đặc biệt để xả cơn bực tức của Kim Jong-un là chĩa súng lục bắn lên trần nhà. Giai thoại này được truyền đi khắp giới thượng lưu BTT, vào thời điểm Kim Jong-un mới chỉ là một thiếu niên mũm mĩm, đang du học tại Thụy Sĩ, và rất ngưỡng mộ siêu vận động viên bóng rổ Michael Jordan và diễn viên phim võ thuật Jean-Claude Van Damme.

Tuy nhiên, vào thời điểm mà Kim Jong-un nắm được toàn bộ các chức vụ tối cao của chế độ độc tài BTT và đe dọa trả đũa quân sự Hàn Quốc và Hoa Kỳ, thì giai thoại kể trên không còn gây cười nữa.

Các chiến lược gia Hoa Kỳ và đồng minh lo ngại căng thẳng sẽ trở lại trên bán đảo Triều Tiên. Theo ông Cheong Seong-chang, chuyên gia tại Viện Sejong Institut (Seoul), - một người rất am hiểu về những câu chuyện trong hậu trường của chế độ Bình Nhưỡng, thì mối nguy lớn nhất đối với tương lai của chế độ BTT là đến từ tính khí hiếu chiến của Kim Jong-un, chứ không phải từ Mỹ hay Hàn Quốc. Còn theo ông Victor Cha, cố vấn của cựu tổng thống G. Bush, khó mà đoán biết được các phản ứng của Kim Jong-un.

Mới đây, sau cuộc phóng vệ tinh nhân ngày kỷ niệm 100 sinh nhật Kim Nhật Thành – ông nội Kim Jong-un bị thất bại, cảm thấy bị hạ nhục, tân lãnh đạo trẻ đã hứa hẹn sẽ có các hành động trả đũa.

Hiện nay, Kim Jong-un đứng đầu 1,2 triệu binh sĩ BTT – quân đội đông hàng thứ tư thế giới, với 180 000 lính đặc nhiệm cảm tử, chưa kể kho vũ khí hóa học thuộc hàng lớn nhất hành tinh và lượng nguyên liệu đủ để chế từ 6 đến 9 quả bom nguyên tử.

Từ khi Kim Jong-un lên nắm quyền, hệ thống tuyên truyền của BTT liên tục truyền đi các hình ảnh lãnh đạo trẻ tới thăm các đơn vị quân đội, tiếp xúc với lính tráng, ngồi trên xe tăng hay ngựa chiến. Hình ảnh này gợi lại hoài niệm về một thời hoàng kim của ông nội Kim Nhật Thành, và tạo ra sự khác biệt lớn với người cha, lãnh đạo độc tài Kim Jong-il, vốn giữ khoảng cách với xã hội, đằng sau chiếc kính đen và thú vui thưởng thức các tác phẩm điện ảnh bậc thầy của Hollywood.

Kim Jong-un yêu thích quân sự. Lãnh đạo độc tài BTT mới lên được đào tạo tại Viện hàn lâm quân sự Kim Nhật Thành, được học về pháo binh và chiến tranh mạng.

Trong hiện tại, bạo chúa trẻ BTT vẫn đang nằm trong giai đoạn bị kiểm soát. Trên thực tế các cận vệ của người cha quá cố vẫn điều hành các hoạt động hàng ngày của đất nước. Để vượt qua được các thử thách của giai đoạn chuyển tiếp, nắm lấy toàn bộ quyền lực, theo nhiều nhà phân tích, Kim Jong-un ắt hẳn phải lựa chọn giải pháp gia tăng các đe dọa quân sự. Giữa tăng trưởng kinh tế và gia tăng sức mạnh quân sự, có phần chắc chắn là lãnh đạo độc tài trẻ này sẽ chọn giải pháp quân sự.

Theo một người Bắc Triều Tiên đào thoát sang Hàn Quốc, vẫn giữ quan hệ với các quan chức cao cấp của chế độ Bình Nhưỡng, Kim Jong-un đã ra lệnh cho giới quân sự thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn vào tên lửa từ đây đến ngày 10/10 – ngày kỷ niệm thành lập đảng. Hiện tại, khả năng kỹ thuật của BTT chưa đủ để làm được việc này, nhưng nếu thành công, thì điều này sẽ thay đổi tình thế trong khu vực.

Le Figaro kết luận một cách hài hước, vũ khí mới này sẽ không chỉ đe dọa các trần nhà đá hoa cương của Bình Nhưỡng (như giai thoại về Kim Jong-un thời thiếu niên thích bắn súng lục lên trần nhà), mà cả các căn cứ quân sự Mỹ trên bán đảo Triều Tiên.

« Cuộc nhập môn đầy thử thách » đối với tân tổng thống Pháp tại Châu Âu

Châu Âu với tân tổng thống Pháp là chủ đề rất được Le Figaro chú ý. Trong bài « Lễ nhập môn đầy thử thách với ông Hollande ở Châu Âu », tờ báo cho biết trước cuộc gặp với thủ tướng Đức, tân tổng thống Pháp sẽ có các tiếp xúc với nhiều lãnh đạo các quốc gia và Liên hiệp Châu Âu. Theo ông P. Moscovici, một người thân cận với tân tổng thống, ông Hollande theo rất sát tình hình Hy Lạp. Lãnh đạo đảng cực tả Hy Lạp, về đầu trong cuộc bầu cử Quốc hội, yêu cầu được gặp tổng thống Pháp vừa đắc cử tại Paris, trong hôm nay hoặc ngày mai.

Le Figaro trở lại với quan điểm thúc đẩy tăng trưởng, thay vì chính sách thắt lưng buộc bụng, nội dung chính trong cương lĩnh tranh cử của tổng thống Pháp. Theo tờ báo, chủ trương tăng trưởng trên thực tế không phải do ê kíp tranh cử của ông Hollande sáng tác ra đầu tiên, mà đã được hình thành vào mùa đông năm ngoái, đặc biệt từ các định chế của LHCA ở Bruxelles, khi thấy rằng chính sách kinh tế khắc khổ đã đi quá đà. Hiện nay, theo nhiều lãnh đạo Châu Âu, chủ trương tăng trưởng do tân tổng thống Pháp cổ vũ có thể sẽ được đưa thêm vào thỏa ước của Liên hiệp. Vấn đề này sẽ được bàn tại cuộc họp đặc biệt của LHCA tại Bruxelles vào ngày 23/05.

Le Figaro cũng ghi nhận việc « (Thủ tướng Anh) David Cameron chìa tay về phía tân tổng thống (Pháp) ».

Cũng về quan hệ giữa tân tổng thống Pháp với Châu Âu, Libération có bài « « Hollande, ở ngay bên cạnh Bruxelles », với nhận định là, nhiều lãnh đạo Châu Âu, lo ngại rằng kinh tế sẽ đi vào ngõ cụt, muốn dựa vào nước Pháp để thúc đẩy tăng trưởng. Nhiều lãnh đạo Châu Âu đã tới Paris gặp ông Hollande, ngay cả khi ông chưa chính thức nhậm chức tổng thống.

Theo chủ tịch Ủy ban Châu Âu José Manuel Barosso, tại Châu Âu đang hình thành một đồng thuận mới, kết hợp sự vững chắc của ngân sách với tăng trưởng kinh tế, và đây là một yêu cầu khẩn thiết, sau hai cuộc bầu cử ở Pháp và Hy Lạp. Chủ tịch Ngân hàng Châu Âu Mario Draghi còn khẳng định thêm rằng, cần phải có một hiệp ước tăng trưởng, bên cạnh hiệp ước cân bằng ngân sách.

Một dấu hiệu tích cực từ phía Đức đối với đồng thuận mới đang hình thành : Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble đồng ý việc tăng lương tại Đức, đây là điều có thể coi như biện pháp rất tích cực đối với tăng trưởng Châu Âu.

Nước Đức đang xét lại mô hình kinh tế

Về chủ đề này, Le Monde có bài « Đức muốn xét lại mô hình của mình », với ghi nhận, để giảm bớt những mất quân bình ở châu Âu và thúc đẩy tăng trưởng trở lại, chính phủ Đức ủng hộ việc tăng lương.

Trong mười năm qua, mức lương bổng của Đức tăng chậm hơn rất nhiều so với các nước Pháp, Ý và Tây Ban Nha.

Như vậy theo Le Monde, tuy không thừa nhận công khai việc thay đổi đường lối, với việc chấp nhận tăng lương, Berlin có thể đang định hướng lại chiến lược kinh tế của mình. Phát biểu ủng hộ tăng lương của bộ trưởng Tài chính Đức được đưa ra trong bối cảnh phong trào bãi công đòi tăng lương mạnh mẽ trong ngành luyện kim diễn ra từ đầu tháng đến nay. Hiện tại công đoàn các ngành dịch vụ Verdi đã đạt được thỏa thuận tăng lương tối thiểu lên 3%.

Một thay đổi lớn nữa là, đảng cầm quyền CDU Đức quyết định ủng hộ việc xác định mức lương tối thiểu, theo đòi hỏi của các nghiệp đoàn và đối lập. Theo Le Monde, đây có thể coi là một cuộc cách mạng tại Đức, nơi mà có đến gần 8 triệu người có thu nhập được coi là « thấp », dưới 9,15 €/giờ, bằng 2/3 mức lương bình quân.

Vụ Timochenko : Ukraina muốn Châu Âu nguôi giận

Về nhân quyền, Le Figaro chú ý đến vụ Timochenko gây căng thẳng trong quan hệ giữa LHCA và Ukraina. Ngày hôm qua, nhà đối lập cựu thủ tướng Ukraina đã được chuyển ra khỏi nhà tù, để tới bệnh viện Kharkov, nơi bà sẽ được chữa bệnh, dưới sự theo dõi của một bác sĩ Đức. Một tháng trước giải bóng đá Châu Âu 2012 tại Ukraina, bằng động tác này Kiev hy vọng trấn an các lãnh đạo Châu Âu, đang đe dọa sẽ tẩy chay giải này.

Bên cạnh đó chính quyền Kiev cũng đứng trước áp lực, các lãnh đạo châu Âu không ký thảo thuận liên kết Ukraina – LHCA. Ngày thứ Ba vừa qua, cuộc họp thượng đỉnh Ukraina – Châu Âu dự kiến tổ chức vào cuối tuần đã bị rời lại, một nửa các thành viên Châu Âu không có mặt vì vụ xì căng đan Timochenko.

Ông chủ Facebook đi vòng quanh nước Mỹ thương thuyết với giới đầu tư

Libération chú ý đến các hoạt động của người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg, trước thời điểm công ty này lên sàn chứng khoán, dự kiến vào ngày 18/05, với phóng sự « Facebook đi kiếm tiền ».

Hiện tại mạng Facebook đã thu hút được 900 triệu người sử dụng. Tổng giá trị của công ty dự kiến là từ 86 đến 96 tỷ đô la, với giá cổ phiếu dao động từ 28 đến 35 đô la. Theo một số nhà phân tích kinh tế, giá cổ phiếu của Facebook sẽ còn tăng tới 45 đô la, và tổng giá trị của công ty sẽ tăng lên gấp rưỡi. Tuy nhiên, cũng có các ý kiến dè dặt, cho rằng, mạng Facebook thật là tuyệt vời, nhưng khó lòng mà phát triển hơn được bây giờ.

Kể từ đầu tuần này, thiên tài bé nhỏ 27 tuổi lâu nay vốn kín đáo, đã chấp nhận thay đổi một chút thói quen, đối thoại với các nhà đầu tư trên khắp nước Mỹ, hy vọng hâm nóng bầu không khí xung quanh việc Facebook bán cổ phần, để tăng giá trị của công ty này. Ngày thứ Hai 08/05, Mark Zuekerberg có cuộc gặp với các nhà đầu tư tại New York.

Tại New York, một số nhà đầu tư không thích thú gặp nhà sáng lập Facebook ăn vận có phần cẩu thả, với áo thun mũ trùm, quần jean và đi giầy thể thao, và không hài lòng với việc ông chủ trẻ tuổi dành quá ít thời gian cho các trao đổi. Về phần mình, có vẻ như Zuekerberg bị tự ái, và không xuất hiện trước công chúng trong cuộc gặp ở Boston hôm sau.

Trang nhất các nhật báo Pháp

Về thời sự quốc tế, Les Echos chú ý đến cuộc khủng hoảng mà Hy Lạp đang trải qua, đe dọa nghiêm trọng đến khối các nước sử dụng euro, với bài viết « Châu Âu vẫn nỗ lực giúp Hy Lạp không bị phá sản ».

Các hoạt động và thách thức đối với tổng thống mới đắc cử François Hollande, được nhiều báo chú ý. « Lễ nhập môn đầy thử thách ở châu Âu đối với tân tổng thống » là hàng tựa chính của Le Figaro, với hình ảnh tổng thống đắc cử gặp chủ tịch Hội đồng Châu Âu Herman Van Rompuy, đúng vào thời điểm Hy Lạp đang rơi vào khủng hoảng chính trị. Le Figaro cũng chú ý đến sự thống nhất của các lãnh đạo đảng cánh hữu UMP trong cuộc tranh cử sắp tới, với hàng tựa « Fillon – Copé : cái đích là quốc hội », đúng vào lúc thủ tướng Fillon cùng chính phủ chính thức từ nhiệm vào hôm nay.

« Các quyết định đầu tiên của tổng thống Hollande » là hàng tựa của Le Monde. Trang nhất Libération thì đăng bức hình tân tổng thống Pháp Hollande đang đẩy quả cầu tròn có hình cờ Liên Hiệp Châu Âu trên một con đường dốc đứng, với hàng tựa hóm hỉnh : « Hollande đang tăng trưởng », với nhân định tổng thống tân cử đã xắn tay vào việc để các nước Châu Âu cùng chấp nhận một kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng chung.

Trong khi l’Humanité trở lại cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, với nhận xét : « 70% công nhân bầu cho cánh tả », thì La Croix quan tâm đến cuộc bầu cử Quốc hội tại Algeria diễn ra hôm nay, với dự đoán các cử tri nước này sẽ vắng mặt rất nhiều để tỏ thái độ tẩy chay chính quyền. Nhiều người phổ biến lời kêu gọi tẩy chay bầu cử đã bị bắt giữ.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.