Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN -THÁI LAN

Miến Điện muốn mở lại tuyến đường sắt « Cầu sông Kwai » nối liền Thái Lan

Miến Điện muốn mở lại tuyến đường sắt nối với Thái Lan có từ thời Đệ nhị Thế chiến, nổi tiếng với phim « Cầu sông Kwai », nhằm giúp cho vùng đất nghèo nàn gần biên giới thoát khỏi tình trạng cô lập. Bộ trưởng Hỏa xa Miến Điện hôm nay 20/05/2012 đã thông báo với AFP. 

Các cơ sở hạ tầng của Miến Điện vẫn còn trong tình trạng hoang sơ. Ảnh: Một cầu cảng tạm cho khu công nghiệp Dawei gần biên giới với Thái Lan.
Các cơ sở hạ tầng của Miến Điện vẫn còn trong tình trạng hoang sơ. Ảnh: Một cầu cảng tạm cho khu công nghiệp Dawei gần biên giới với Thái Lan. REUTERS/Khettiya Jittapong
Quảng cáo

Quân Nhật chiếm đóng đã cho xây dựng 424 km « đường sắt tử thần » nối liền Nong Pladuk (phía tây Bangkok) đến Thanbyuzayat, nằm phía nam cảng Moulmein của Miến Điện nhìn ra vịnh Martaban. Trên 100.000 tù binh chiến tranh phe đồng minh và phu lao dịch người châu Á đã thiệt mạng khi xây dựng tuyến đường sắt này.

Bộ trưởng Hỏa xa Aung Min cho biết, một nghiên cứu khả thi trên một đoạn đường dài 105 km tại tỉnh Kanchanaburi sẽ được thực hiện vào tháng 10. Ông nói thêm, Miến Điện sẽ cố gắng tiến hành công trình này sau mùa mưa, với sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế.

Các dự án trùng tu tuyến đường sắt trên đây đã bị xếp xó từ năm 1992, tuy nhiên hiện nay chính quyền mới của Miến Điện kế tục, tập đoàn quân sự từ tháng 3/2011, đã thực hiện nhiều cải cách chính trị và kinh tế quan trọng. Và việc mở lại tuyến đường xe lửa nối với Thái Lan sẽ là một thúc đẩy quan trọng cho khu vực đa số dân cư người thiểu số Karen, nhờ thương mại và du lịch phát triển.

Bang Karen đặc biệt bị ảnh hưởng của các trận đánh giữa quân đội và phe nổi dậy từ năm 1949, khiến hàng chục ngàn người phải bỏ đi nơi khác sinh sống, trong đó có một số sang tị nạn tại Thái Lan. Một thỏa thuận ngưng bắn song phương đã được ký kết vào tháng Giêng.

Tuyến đường sắt cầu sông Kwai tuy được dự kiến xây dựng trong 5 năm, nhưng đã hoàn tất vào ngày 25/12/1943 chỉ sau 16 tháng, và đến năm 1945 thì bị bom của quân đồng minh phá hủy. Tuyến đường xe lửa này được mệnh danh là « tử thần » vì có đến 13.000 tù binh người Anh, Hà Lan và Mỹ đã thiệt mạng tại đây vì bị đối xử tồi tệ, đói khát hay bệnh tật trong quá trình xây dựng, cộng thêm 80.000 đến 100.000 nạn nhân là phu xây dựng người châu Á.

Những cảnh này đã được tả lại trong tiểu thuyết « Cầu sông Kwai » của nhà văn Pháp Pierre Boulle, và sau đó được dựng thành cuốn phim nổi tiếng cùng tên, với sự góp mặt của diễn viên người Anh Alec Guiness.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.