Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Nhiều thành viên đối lập Miến Điện bị thẩm vấn sau biểu tình

Hôm nay 22/05/2012, AFP loan tin nhiều thành viên đảng đối lập Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ đã bị câu lưu để thẩm vấn, sau cuộc biểu tình chống cắt điện tại Mandalay. Tất cả những người bị bắt đều đã được thả.

Lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi (hàng giữa) đang chờ đợi cuộc họp ở Hạ viện tại Naypyitaw ngày 02/05/2012.
Lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi (hàng giữa) đang chờ đợi cuộc họp ở Hạ viện tại Naypyitaw ngày 02/05/2012. REUTERS/Soe Zeya Tun
Quảng cáo

Các nhân chứng tại chỗ cho AFP biết, khoảng 1.500 người đã biểu tình tối qua 21/5 tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai ở Miến Điện, để chống lại việc điện bị cắt liên tục, đến mức đôi khi chỉ còn 4 giờ có điện trong một ngày. Nhiều người đã phê phán chính phủ bán điện cho Trung Quốc, trong khi dân chúng không có điện dùng. Cuộc biểu tình hôm qua là cuộc biểu tình lớn nhất tại Miến Điện, kể từ phong trào phản kháng năm 2007, nổi tiếng với tên gọi « Cuộc cách mạng Áo cà sa ».

Theo ông Ohn Kayiang, nghị sĩ và là người phát ngôn của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ Miến Điện, khoảng hơn mười người của tổ chức này đã bị câu lưu. Ông cũng cho biết thêm, « chính quyền đã đối xử với họ tử tế, và trả tự do cho họ, ngay sau cuộc thẩm vấn ».

Cách đây vài tháng, tân chính phủ Miến Điện đã phê chuẩn một bộ luật hợp thức hóa biểu tình. Văn bản này khuyến cáo người biểu tình phải thông báo cho chính quyền ý định biểu tình 5 ngày trước khi tổ chức, nếu không có thể bị phạt tù. Cuộc biểu tình hôm qua tại Mandalay đã không tuân thủ quy định này.

Trong một thông báo, công bố hôm nay trên nhật báo chính thức « New Light of Myanmar », Bộ trưởng Điện lực Miến Điện đã yêu cầu dân chúng « thông cảm » cho tình trạng thiếu điện hiện nay, và giải thích rằng, việc tiết kiệm điện khiến các khu dân cư bị luân phiên cắt điện. Tuy nhiên, cuộc biểu tình tại Mandalay hôm qua đã không được nhắc đến trong thông báo của Bộ Điện lực.

Theo Bộ trưởng Miến Điện, lý do cụ thể của việc thiếu điện là do vào mùa khô, lượng điện tiêu thụ vượt quá lượng điện sản xuất. Hiện nay một số nhà máy điện đang được xây dựng để bù đắp lượng điện thiếu hụt. Ông cũng cho biết thêm, việc quân nổi dậy Kachin phá hủy các đường dây tải điện cũng làm cho tình hình nghiêm trọng hơn.

Nhìn chung, biểu tình tại Miến Điện hiếm khi xẩy ra, bất chấp không khí cởi mở về chính trị gần đây.

Xin nhắc lại là, phong trào Áo cà sa, do các sư tăng lãnh đạo, đã thu hút gần 100.000 người tham gia, là một thách thức nghiêm trọng nhất đối với tập đoàn quân sự kể từ phong trào 1988. Cả hai phong trào 1988 và 2007 đều bị dìm trong máu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.