Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Aung San Suu Kyi dành chuyến xuất ngoại đầu tiên cho Thái Lan

Ngày 24/05/2012, AFP loan tin, lãnh đạo đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi sẽ đến Bangkok, Thái Lan, để tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á vào cuối tháng này. Tiếp theo đó bà Aung San Suu Kyi sẽ có chuyến công du lịch sử tới châu Âu.  

Bà Aung San Suu Kyi đến dự lễ khai trương văn phòng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ Miến Điện, ở Thar Kay Ta, Rangoon, 23/05/2012
Bà Aung San Suu Kyi đến dự lễ khai trương văn phòng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ Miến Điện, ở Thar Kay Ta, Rangoon, 23/05/2012 REUTERS/Minz
Quảng cáo

Theo ông Nyan Win, người phát ngôn của đảng đối lập Miến Điện – Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, bà Aung San Suu Kyi sẽ tới Thái Lan vào ngày 28/05/2012, để chuẩn bị tham gia vào Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á, diễn ra trong hai ngày 30/05 và 01/06. Hiện giờ chính quyền Thái Lan không khẳng định thông tin này.

Nếu bà Aung San Suu Kyi đi Bangkok, thì đây sẽ là chuyến xuất ngoại đầu tiên của nhà đối lập kể từ 24 năm nay, tức là khi bà trở về nước năm 1988. Bị quản thúc tại gia lần đầu tiên vào năm 1989, giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi đã phải chịu tổng cộng15 năm mất tự do, đến tận cuối năm 2010. Cho đến nay, bà Aung San Suu Kyi chưa bao giờ dám rời khỏi đất nước, vì lo ngại tập đoàn quân sự không cho phép bà trở về. Bà phải ở lại Rangoon, ngay cả khi chồng bà qua đời vì ung thư tại Anh vào năm 1999.

Tuy nhiên, cuộc cải tổ do tổng thổng Thein Sein thực hiện, kể từ khi ông lên nắm quyền vào tháng 03/2011, đã làm thay đổi đời sống chính trị tại Miến Điện. Tháng 3/2012, lần đầu tiên bà Aung San Suu Kyi được cấp hộ chiếu trở lại.

Ngày 14/06/2012, nhà đối lập dự kiến sẽ có bài phát biểu tại Genève trước Tổ chức Lao động Quốc tế. Sau đó, bà Aung San Suu Kyi sẽ tới Oslo để đọc bài diễn văn, mà đáng nhẽ bà đã phải đọc cách đây 21 năm, khi được trao tặng giải Nobel Hòa bình. Cuối cùng, lãnh đạo đối lập sẽ tới Luân Đôn, nơi bà đã từng học tập, và sống với chồng và các con.

Hôm qua 23/05/2012, Hạ viện Anh cho biết, bà Aung San Suu Kyi sẽ phát biểu trước Lưỡng viện Quốc hội Anh vào ngày 21/06/2012.

Các nhà phân tích cho rằng, chuyến công du này cho thấy nhà đối lập tin tưởng vào chế độ hiện nay. Bà sẽ sử dụng cơ hội xuất ngoại này, để giải thích về thái độ của bà về các trừng phạt quốc tế đối với chế độ Naypyidaw. Lãnh đạo đối lập chủ trương bãi bỏ từng bước lệnh cấm vận, nhằm giữ phương tiện gây áp lực đối với bộ phận chống cải tổ, trong chính quyền Miến Điện và đặc biệt là trong quân đội.

Amnesty International cáo buộc quân đội Miến Điện phạm tội ác chống nhân loại

Cũng liên quan đến Miến Điện, ngày 23/05/2012, tổ chức bảo vệ nhân quyền Amnesty International đã cáo buộc quân đội Miến Điện hành quyết dân thường, thuộc các sắc tộc thiểu số. Tại bang Kachin, bên cạnh việc bắn giết bừa bãi, quân đội Miến Điện còn bị lên án bắt người dân lao động khổ sai, phá hủy tài sản và lương thực thực phẩm. Tại bang Shan, nhiều dân thường bị tra tấn và bắt giữ không qua xét xử.

Amnesty International còn tố cáo binh sĩ Miến Điện cưỡng hiếp các phụ nữ thiểu số tại hai bang nói trên, ngăn chặn hàng cứu trợ cho những người tỵ nạn vì chiến tranh.

Trong thời gian gần đây, chính quyền Miến Điện đã có các thỏa thuận ngừng bắn với một số lực lượng nổi dậy thuộc các sắc tộc thiểu số. Riêng đối với quân nổi dậy tại bang Kachin, cho đến nay, các đàm phán vẫn chưa có kết quả.

Mới đây, tổng thống Thein Sein đã loại bỏ một số thành viên, được coi là quá bảo thủ, trong phái đoàn đàm phán với quân nổi dậy Kachin. Đây là một cử chỉ, được nhiều nhà phân tích đánh giá là thể hiện thiện chí thật sự của người đứng đầu chính quyền Miến Điện trong việc lập lại hòa bình.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.