Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Bạo động tôn giáo ở Miến Điện : chính quyền tăng cường an ninh

Cảnh sát và quân đội được điều đến bang Rakhine, miền Tây Miến Điện để tăng cường an ninh. Ít nhất 7 người thiệt mạng và 17 nguời bị thương do bạo động giữa cộng đồng Hồi giáo và Phật giáo trong những ngày qua. Cộng đồng thiểu số Rohingya theo đạo Hồi bị chính quyền tố cáo gây xung đột.

Miến Điện tăng cường lực lượng an ninh, đề phòng bạo động giữa hai cộng đồng Hồi giáo và Phật giáo (Reuters)
Miến Điện tăng cường lực lượng an ninh, đề phòng bạo động giữa hai cộng đồng Hồi giáo và Phật giáo (Reuters)
Quảng cáo

Chính quyền Miến Điện vào hôm nay 09/06/2012 thông báo tăng cường an ninh tại bang Rakhine, sát biên giới với Bangladesh. Trước đó một quan chức thuộc phủ tổng thống cho hay người thuộc sắc tộc thiểu số Rohingya đã sát hại bốn người theo đạo Phật. Nhiều gia đình đã phải trốn đi lánh nạn.

Vẫn theo nguồn tin trên, người Rohingya còn đốt phá nhiều ngôi làng gần Maungdaw, một thành phố nơi người Rohingya chiếm đa số. Maungdaw thuộc miền Bắc bang Rakhine. 

Đài truyền hình nhà nước Miến Điện đưa ra con số 500 ngôi nhà bị đốt phá nhưng tình tình đã trở lại « bình thường vào sáng nay. Chính quyền đã kiểm soát được tình thế để bảo vệ thường dân ». Miến Điện đã ban hành lệnh giới nghiêm và tăng cường sự hiện diện của quân đội, cũng như cảnh sát. 

Một đại biểu Quốc hội Miến Điện đại diện cho cộng đồng thiểu số Rohingya, Abu Tahy lên tiếng tố cáo chính quyền địa phương đã gây hấn trước và đã nã súng vào người Rohingya trong xung đột ngày 08/06/2012, làm 5 người Rohingya thiệt mạng, nhiều ngôi nhà bị đốt phá. 

Cộng đồng người thiểu số Rohingya tới nay vẫn không được Miến Điện chính thức công nhận. Một trong những gương mặt hàng đầu của phong trào sinh viên Miến Điện đấu tranh vì dân chủ Thế hệ 1988, Ko Ko Gyi từng tuyên bố : « người Rohingya không phải là một trong những sắc tộc thuộc về Miến Điện ». 

Hiện có khoảng 750 000 người Rohingya sinh sống tại quốc gia này nhưng họ không được coi là những công dân Miến Điện và sống tập trung tại miền Bắc bang Rakhine. Hàng chục ngàn người khác thì sống trong các trại tỵ nạn ở Bangladesh. Theo Liên Hiệp Quốc thì đây là một trong những sắc tộc thiểu số bị đàn áp nhất trên thế giới. 

AFP nhắc lại căng thẳng tôn giáo tại miền Nam bang Rakhine đã đột ngột dấy lên thêm một nấc kể từ hôm Chủ nhật 03/06/2012 sau khi 10 người Hồi giáo bị một đám đông là những người Phật giáo tấn công, gây tử vong. Các nạn nhân bị tình nghi là thủ phạm vụ bắt cóc và hãm hiếp một cô gái theo đạo Phật. 

Hoa Kỳ tỏ ra rất quan ngại về tình hình ở miền tây Miến Điện và kêu gọi chính quyền Naypyidaw nhanh chóng tiến hành công cuộc hòa giải giữa các sắc tộc thiểu số. Về phần tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch kêu gọi chính quyền Miến Điện điều tra thấu đáo, tránh để những « lời đồn đãi châm ngòi cho các cuộc bạo động » tại quốc gia Đông Nam Á này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.