Vào nội dung chính
PHÁP - TRUNG QUỐC

Patrick-Henri Devillers, người kiến trúc sư lặng lẽ bị cuốn vào tâm bão Trung Quốc

Bị bắt giam bên lề cuộc điều tra về vụ xì-căng-đan bí ẩn mang tính chính trị lẫn hình sự ở Trung Quốc, gây nên các phức tạp về ngoại giao, nhưng tại Phnom Penh, kiến trúc sư người Pháp Patrick-Henri Devillers được biết đến với hình ảnh một con người yêu nghệ thuật, tính tình đơn giản và chiếc xe đạp chạy bằng điện.

Ngôi nhà của kiến trúc sư Pháp Patrick-Henri Devillers tại Phnom Penh. Ảnh chụp ngày 21/06/2012.
Ngôi nhà của kiến trúc sư Pháp Patrick-Henri Devillers tại Phnom Penh. Ảnh chụp ngày 21/06/2012. REUTERS/Samrang Pring
Quảng cáo

Kiến trúc sư 52 tuổi đã bị câu lưu tại Cam Bốt theo yêu cầu dẫn độ của Bắc Kinh, trong khi Paris đòi hỏi phải làm sáng tỏ vụ việc và đưa ra các bằng chứng.

Cho đến nay, chưa có lý do hợp pháp nào được đưa ra về việc bắt giữ ông. Chỉ có vấn đề là các quan hệ của ông với Bạc Hy Lai, cán bộ đảng cao cấp của Trung Quốc, và vợ ông ta là Cốc Khai Lai. Ông Bạc đang bị điều tra về tội tham nhũng, còn bà Cốc, một luật sư tên tuổi, bị nghi ngờ là đã sát hại một doanh nhân có quan hệ làm ăn với bà ta.

Tuy nhiên bạn bè và láng giềng của ông Devillers tại Cam Bốt khó thể giải thích được tại sao con người nhã nhặn, có học thức này lại có thể dính líu vào một xì-căng-đan như thế.

Kiến trúc sư này dường như có làm việc với ông Bạc Hy Lai vào thập niên 90. Ông kể lại với tờ Le Monde hồi tháng Năm : « Rất năng động, ông ấy có được năng lượng khó tin », và dưới mắt ông Bạc thì « Tôi là một loại nghệ sĩ ».

Sau khi ly dị với người vợ Trung Quốc đã có một con trai với ông, Devillers đã sang Cam Bốt sinh sống cách đây 5 năm. Ông trở thành một thành viên kín tiếng nhưng được cộng đồng người phương Tây làm việc tại đây đánh giá cao, với đam mê văn chương của ông, và việc ông di chuyển bằng xe đạp điện.

« Tôi đã rời Trung Quốc y như lúc tôi đến đó, chẳng có gì trong tay cả » - Devillers từng tâm sự với Le Monde như vậy.

Ở Cam Bốt, ông mở một văn phòng kiến trúc sư, và thường xuyên qua lại giữa thành phố biển Kep và căn nhà ông ở Phnom Penh, mà theo một người hàng xóm, thì ông đã gia hạn hợp đồng thuê thêm 10 năm.

Ông Pierre-Yves Clais, bạn đồng hương của Devillers nói với AFP : « Ông ấy hài lòng khi sinh sống ở Cam Bốt, ông thanh thản hơn tại đây…cho đến lúc này ». Ông cho biết, Devillers đã có hai con với một phụ nữ Cam Bốt, và nói thêm là ông « rất kín đáo, rất trí thức, rất lịch sự ».

Trong những ngày gần đây, Devillers lại càng kín tiếng hơn. Một người quen biết ông nói : « Có lẽ ông thu mình lại như vậy vì đoán được giông tố sẽ đến. Tôi thực sự nghi ngờ tính chính đáng của cơn giông này. Tôi thấy Patrick là một người tế nhị, lãng mạn như nhà thơ, rất sáng tạo, nhưng nay lại thành tù nhân trong một vụ bê bối ở Trung Quốc do ông quá nhiệt thành ».

Còn theo ông Clais, thì kiến trúc sư thông thạo tiếng Hoa này luôn nhắc đến những năm tháng sống tại Trung Quốc, nhưng lại « thấy ngại ngùng khi bỗng trở nên nổi tiếng » sau khi các nhà báo tìm ra được dấu vết của ông ở Phnom Penh. Tuy ông đã trả lời phỏng vấn một số tờ báo, ông lại gởi cho tờ New York Times một lá thư khó hiểu, nhắc lại triết lý vô vi của Lão giáo.

Thông tin về việc Devillers bị bắt giam hôm 13/6 đã làm cho những người thân của ông sững sờ. Cha của ông, Michel Devillers khẳng định với tờ Daily Telegraph là có nói chuyện với Patrick-Henri Devillers cách đây mười ngày, ông tỏ ra hoàn toàn bình thản, nên không hề nghĩ đến chuyện có thể bị bắt giữ. Còn ông Clais, người đã được « nhà nghệ sĩ và kiến trúc sư tuyệt vời » tư vấn về một dự án khách sạn, công nhận : « Tất cả mọi người đều hết sức ngạc nhiên ! ».

Sự nghiệp của Bạc Hy Lai, cựu Bí thư Thành ủy một thành phố khổng lồ là Trùng Khánh, đã bị gãy gánh vì loạt xì-căng-đan. Ông Bạc bị ngưng các chức vụ trong Bộ Chính trị và Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Nhưng không một ai ở Phnom Penh có thể tưởng tượng được việc Bạc Hy Lai bị thất sủng lại có thể kéo theo người kiến trúc sư Pháp vào chốn ngục tù. Ông Clais kết luận : « Tôi không biết ông ấy trước đó, nhưng sẽ rất ngạc nhiên nếu ở Trung Quốc ông lại là một con người khác ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.