Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - KHÔNG GIAN

Phi hành gia Trung Quốc trực tiếp ráp nối thành công 2 phi thuyền trên quỹ đạo

Hôm nay 24/06/2012, theo Reuters, các phi hành gia Trung Quốc đã trực tiếp ráp nối thành công tàu vũ trụ Thần Châu 9 với mô đun Thiên Cung 1. Đây là một bước tiến quan trọng của ngành không gian Trung Quốc.

Ba phi hành gia Trung Quốc trước khi lên tàu Thần Châu, ngày 16/06/2012
Ba phi hành gia Trung Quốc trước khi lên tàu Thần Châu, ngày 16/06/2012 REUTERS
Quảng cáo

Tàu vũ trụ Thần Châu 9 mang theo ba phi hành gia, trong đó có bà Lưu Dương (Liu Yang), phụ nữ Trung Quốc đầu tiên bay vào không gian. Hôm nay, tàu Thần Châu 9 tách ra khỏi mô đun Thiên Cung 1 trong vòng hai phút, với khoảng cách 400 mét, để rồi được các nhà du hành trực tiếp ghép nối trở lại với nhau.

Đây là lần đầu tiên, tàu vũ trụ có người của Trung Quốc được ráp nối với một mô đun trên quỹ đạo, mà không thông qua hệ thống điều khiển tự động.

Như vậy, sau cuộc lắp ghép đầu tiên giữa tàu Thần Châu 9 với Thiên Cung 1 - phòng thực nghiệm trên không gian, vào ngày 18/06, ngành không gian Trung Quốc lại có thêm một thành công mới. Hơn 7 tháng trước, Trung Quốc đã thành công trong việc ráp nối Thiên Cung 1 không có người ở với Thần Châu 9.

Theo người phát ngôn của chương trình không gian Trung Quốc, « việc làm chủ công nghệ ráp nối là một giai đoạn quyết định, để đạt được các mục tiêu trong giai đoạn thứ hai của chương trình phát triển ngành không gian Trung Quốc. Thành công này tạo một cơ sở vững chắc cho việc xây dựng một trạm không gian trên quỹ đạo ».

Việc làm chủ được các kỹ thuật ráp nối trên không đã được Hoa Kỳ và Nga thực hiện trong những năm 1960, và là một giai đoạn quan trọng trên con đường chinh phục vũ trụ. Mục tiêu của chương trình không gian Trung Quốc là tạo lập một trạm vũ trụ có người ở trong nhiều tháng theo mô hình trạm quỹ đạo MIR của Nga hay ISS của châu Âu.

Theo AFP, thực hiện việc ráp nối bằng tay là nhiệm vụ do chính các phi hành gia của Thần Châu 9 thực hiện, trong sứ mạng kéo dài 13 ngày của nhóm này. Việc ráp nối không qua hệ điều khiến tự đông là cần thiết, trong trường hợp hệ thống tự động bị hỏng. Thực hiện được việc này rất khó, khi hai phi thuyền quay xung quanh Trái đất với tốc độ 28.000 km/giờ và có thể phá hủy lẫn nhau trong trường hợp va chạm. Nhóm phi hành gia Trung Quốc thực hiện nhiệm vụ này đã tiến hành tập thử đến 1.500 lần trên mặt đất.

Tàu lặn Trung Quốc lần đầu tiên xuống sâu 7.000 mét dưới đại dương

Hôm nay, chủ nhật 24/06/2012, một tàu lặn Trung Quốc lần đầu tiên xuống được đến độ sâu hơn 7.000 mét, phá kỷ lục của quốc gia này.

Theo Tân Hoa Xã, tàu lặn mang tên Giao Long, đã xuống được tới độ sâu 7.015 mét tại rãnh Mariannes ở phía tây Thái Bình Dương.

Vào tháng 7 năm 2011, cũng chiếc tàu này đã đạt tới độ sâu 5.188 mét. Trong tháng Sáu, tàu Giao Long đã thực hiện nhiều đợt thám hiểm độ sâu.

Trả lời kênh truyền hình quốc gia Trung Quốc, từ chiếc tàu thủy, nơi điều khiển cuộc thám hiểm, người phụ trách cuộc thăm dò cho biết, chất lượng của tàu lặn ổn định.

Theo các chuyên gia, Trung Quốc muốn sử dụng tàu lặn để tiến hành thu thập các dữ liệu về sự sống và nghiên cứu cấu trúc địa chất dưới đáy biển, hay thăm dò các tài nguyên khoáng sản.

Xin nhắc lại là, cũng về thám hiểm độ sâu đại dương, tháng Ba vừa rồi, đạo diễn Mỹ James Cameron, tác giả phim Titanic, đã xuống được đến độ sâu 10.898 mét.

Kỷ lục thế giới được lập vào năm 1960 : Một chiếc tàu của hải quân Mỹ do viên sĩ quan Don Walsh điều khiển đã xuống đáy của rãnh Mariannes, sâu 10.916 mét.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.