Vào nội dung chính
THÁI LAN - XÃ HỘI

Thái Lan: Hàng chục ngàn người phe Áo Đỏ biểu tình ở Bangkok

Hôm nay, 24/06/2012, hàng chục ngàn người thuộc phong trào Áo Đỏ - khoảng 30.000, theo cảnh sát Thái Lan, đã biểu tình ở Bangkok, thủ đô Thái Lan, vào lúc các căng thẳng chính trị lại gia tăng từ vài tuần qua.

Phe Áo Đỏ biểu tình tại Bangkok, Thái Lan, 24/06/2012, kêu gọi bảo vệ nền dân chủ.
Phe Áo Đỏ biểu tình tại Bangkok, Thái Lan, 24/06/2012, kêu gọi bảo vệ nền dân chủ. REUTERS
Quảng cáo

Cách nay 80 năm, một cuộc đảo chính đã xẩy ra, chấm dứt chế độ quân chủ tại Thái Lan. Nhân dịp này, những người thuộc phe Áo Đỏ mà đa số ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, đã biểu tình, kêu gọi tư pháp Thái Lan độc lập với chính trị.

Một trong các lãnh đạo của phong trào Áo Đỏ, ông Kokaew Pikulthong, cho AFP biết là cuộc biểu tình nhằm bày tỏ sự lo ngại liên quan đến các mối đe dọa đối với nền dân chủ. Ông nhắc lại rằng từ năm 1932 đến nay, đã có khoảng hai chục cuộc đảo chính hoặc âm mưu đảo chính tại Thái Lan.

Vẫn theo ông Pikulthong, trước đây, quân đội thực hiện đảo chính, còn trong những năm qua, ngành tư pháp làm đảo chính.

Năm 2006, quân đội Thái Lan đã thực hiện một cuộc đảo chính không đổ máu, lật đổ Thủ tướng Thaksin Shinawatra, lúc đó đang đi họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Trong năm 2008, các quyết định của tư pháp Thái Lan đã buộc hai Thủ tướng thân cận với ông Thaksin phải từ chức.

Từ khi ông Thaksin bị lật đổ, Thái Lan liên tục trải qua các biến động chính trị, thể hiện sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội, giữa một bên là đông đảo nông dân, dân nghèo, mặc Áo Đỏ khi đi biểu tình và bên kia là tầng lớp trung lưu, trí thức ở thủ đô Bangkok, thân cận Hoàng gia và khi biểu tình thì mặc Áo Vàng, mầu của Hoàng gia.

Chia rẽ này đã lộ rõ trong cuộc khủng hoảng mùa xuân 2010, với các cuộc biểu tình kéo dài của phe Áo Đỏ. Số người tham gia có lúc lên tới 100.000. Các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh làm hơn 90 người thiệt mạng và 1.900 người bị thương.

Tháng Bẩy 2011, bà Yingluck Shinawatra, em gái ông Thaksin, được bầu làm Thủ tướng. Giữa tháng Sáu vừa qua, một đạo luật về hòa giải dân tộc đã được Quốc hội Thái Lan thông qua, trong đó bao gồm việc ân xá cho những người bị kết án trong các vụ việc được coi là mang tính chính trị.

Phe đối lập tại Nghị viện và phe Áo Vàng, kẻ thù của phe Áo Đỏ, đã xuống đường tuần hành phản đối đạo luật vì cho rằng văn bản này mở đường cho ông Thaksin hồi hương.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.