Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Thâm Quyến, bệ phóng đưa đồng nhân dân tệ ra thế giới

Theo phụ trang kinh tế của Le Figaro, Thâm Quyến sẽ là nơi các nhà đầu tư được tự do mua vào hoặc bán ra đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Mục tiêu của Bắc Kinh nhằm « kích thích các luồng vốn đầu tư và trao đổi tài chính giữa Thâm Quyến và Hồng Kông ». Trung Quốc muốn biến Thâm Quyến thành một đầu não tài chính quan trọng tương tự như đảo Manhattan của Hoa Kỳ.

Một nhân viên Ngân hàng Công thương Trung Quốc tại An Huy đang đếm tiền. Ảnh chụp ngày 26/04/2012.
Một nhân viên Ngân hàng Công thương Trung Quốc tại An Huy đang đếm tiền. Ảnh chụp ngày 26/04/2012. REUTERS/Stringer/File
Quảng cáo

Hiện tại có tới hơn 550 tỷ nhân dân tệ, tương đương với hơn 90 tỷ đô la được ủy thác trong các tài khoản ngân hàng ở Hồng Kông. Theo dự phóng của Bắc Kinh đến năm 2015, các tài khoản ngân hàng ở Hồng Kông sẽ được nhân lên gấp ba lần so với hiện tại. Trong lúc đó, Thâm Quyến, nằm cách không xa thị trường tài chính Hồng Kông, hiện đang nắm giữ 45 tỷ đô la.

Từ 2008 Trung Quốc đã bắt đầu ký kết một số thỏa thuận tiền tệ cho phép mua bán trực tiếp bằng đồng nhân dân tệ mà không cần phải qua trung gian của đồng đô la. Kể từ đầu năm 2012 ngày càng có nhiều thân chủ của các ngân hàng Trung Quốc được phép giao dịch bằng nhân dân tệ.

Chính vì thế mà Trung Quốc đang tìm mọi cách để tạo điều kiện thuận cho đồng nhân dân tệ ngày càng đóng một vai trò quan trọng hơn trên các thị trường tài chính quốc tế. Tuy vậy, tiến trình « quốc tế hóa » đơn vị tiền tệ đó phải đi kèm với việc mở cửa thị trường vốn. Trước mắt, Trung Quốc mới chỉ mở 1 % thị trường vốn của mình ra với các đối tác nước ngoài. Để so sánh, tại các nền kinh tế đang trỗi dậy khác, tỷ lệ mở cửa thị trường vốn là từ 10 đến 30 %.

Việc chọn Thâm Quyến là thí điểm cho công trình « quốc tế hóa đồng nhân dân tệ » nằm trong kế hoạch cải tổ tiền tệ sâu rộng của Trung Quốc và theo tiết lộ của Le Figaro kế hoạch đó sẽ phải hoàn tất vào năm 2020. Vấn đề đặt ra sẽ là sự cạnh tranh trực tiếp giữa Thâm Quyến với Thượng Hải : từ nhiều năm qua Thượng Hải đã được coi là « kinh đô tài chính của Trung Quốc và thành phố ven biển này sẽ khó mà nhường lại danh hiệu đó cho Thâm Quyến.

Tiếng nói quyết định của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ

Nhìn sang phần thời sự Hoa Kỳ, Le Figaro dành trọn một trang để nói về vai trò của Tòa án Tối cao sau khi cơ quan này vừa ra phán quyết về tính hợp pháp của luật bảo hiểm y tế do Tổng thống Barack Obama đề xướng. Mọi chú ý đã tập trung vào 9 vị thẩm phán Tòa án Tối cao Hoa Kỳ. Thế nhưng 9 vị thẩm phán đầy quyền lực đó là ai ?

Thông tín viên của Le Figaro từ Washington cho biết đó là 9 vị được chỉ định để ngồi ở cơ quan pháp lý này suốt đời. Bốn trong số đó là những vị thẩm phán thuộc cánh bảo thủ và bốn người còn lại thì có khuynh hướng tự do. Nhân vật thứ 9 là người có tiếng nói quyết định và người đó thường thuộc cánh trung để có thể tạo nên đối thoại giữa hai bên. Nhiệm vụ của Tòa án Tối cao là xem xét về tính hợp hiến của các bộ luật đã được thông qua.

Theo một cuộc thăm dò dư luận gần đây của báo New York Times, hiện chỉ có 44 % người Mỹ còn tin tưởng vào định chế này. Tỷ lệ đó vào thập niên 1980 là 66 % và có tới ba phần tư những người được hỏi cho rằng Tối cao Pháp viện đưa ra những phán quyết dựa trên cơ sở chính trị của các vị thẩm phán. Nói cách khác, nhiều người dân Hoa Kỳ tỏ ra nghi ngờ về tính trung thực của Tòa án Tối cao và họ cho rằng các vị thẩm phán giờ đây cũng chạy theo những quyền lợi chính trị nhiều hơn. Trong khi đó về mặt nguyên tắc, cơ quan pháp lý này phải « đóng một vai trò trọng tài » giữa các đảng phái chính trị.

Ngoài ra, uy tín của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã bị sứt mẻ sau vụ tai tiếng được gọi là « Bush vs Gore » : vào năm 2000 kết quả kiểm phiếu ở bang Florida không phân định được ứng cử viên George Bush hay Al Gore đắc cử tổng thống và cuối cùng thì cũng lại 9 vị thẩm phán ở Tối cao Pháp viện đã có tiếng nói quyết định.

Áp lực tối đa lên Thủ tướng Đức

Trở lại thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu tại Bruxelles để cứu nguy đồng euro : từ khi khủng hoảng tài chính bùng nổ, đây là thượng đỉnh lần thứ 19 để bàn về các giải pháp đưa khối euro thoát khỏi bế tắc. Le Figaro nêu lên câu hỏi : phải chăng bà Angela Merkel đang trong thế bị cô lập hơn bao giờ hết ? Lãnh đạo Pháp, Ý, Tây Ban Nha nỗ lực thuyết phục Thủ tướng Đức nhượng bộ trên « hiệp ước tăng trưởng ».

Theo tờ báo sau một giai đoạn 5 năm số phận của toàn khối euro do hai đầu tàu kinh tế là Pháp và Đức định đoạt, tại thượng đỉnh Bruxelles vừa qua mọi người đều nhận thấy rằng, « các nước ở phía Nam » tức là quanh vùng Địa Trung Hải bắt đầu liên kết với nhau để đòi Berlin nới lỏng các biện pháp khắc khổ. Sự liên kết của Ý và Tây Ban Nha được hậu thuẫn của Pháp.

Le Figaro nhắc lại bối cảnh khủng hoảng châu Âu đã kéo dài : các nhà đầu tư cũng như là hơn 500 triệu dân châu Âu đã quá mệt mỏi khi thấy 18 thượng đỉnh để cứu nguy đồng euro đã liên tục nối đuôi nhau ra đời trong vỏn vẹn 30 tháng mà vẫn không đem lại bất kỳ một thành quả nào cụ thể. Chính vì thế vào đêm hôm qua, tại thượng đỉnh Bruxelles Tổng thống Pháp François Hollande, Thủ tướng Ý Mario Monti và đồng nhiệm Tây Ban Nha, ông Mariono Rajoy đồng thanh đòi Thủ tướng Đức, Angela Merkel nhượng bộ về hiệp ước tăng trưởng.

« Ý và Tây Ban Nha làm đảo lộn chương trình nghị sự của thượng đỉnh châu Âu - cuộc đọ sức giữa bà Merkel với phe chủ trương phát hành trái phiếu của châu Âu để hỗ trợ tăng trưởng » tựa của báo Les Echos.

Ý, cơn ác mộng của đội tuyển bóng đá Đức

Ý và Đức không chỉ đọ sức với nhau trên hồ sơ kinh tế. Trong lĩnh vực thể thao, trên sân cỏ đội tuyển Ý tối hôm qua vừa hạ Đức để vào chung kết giải bóng đá Euro 2012. « Đội tuyển Ý muôn năm » tựa trên tờ Le Figaro : các cầu thủ áo xanh lam của Ý đã tặng đối thủ một bài học. Mario Balotelli đập tan giấc mơ vào chung kết của đội Đức.

Tác giả bài báo nhận định « hàng thế hệ và hàng thập kỷ trôi qua nhưng có một điều vẫn không hề thay đổi đó là nước Đức chưa bao giờ qua mặt được Ý trong ở những trận đấu quyết liệt các giải bóng lớn ». Đội tuyển Đức Mannschaft đã thất bại tám lần liên tiếp trước Squadra Azzurra tại Vácxava với tỷ số 2-1. Một lần nữa đội Đức từ bỏ giấc mơ vô địch châu Âu cho dù Đức được coi là đội tuyển có nhiều triển vọng nhất. *

Lại một lần nữa các cầu thủ Ý là « những tên đao phủ » trên sân cỏ của đội tuyển Đức. Nếu thực hiện được giấc mơ gạt được Tây Ban Nha ra ngoài thì đây sẽ là lần đầu tiên Ý giành được cúp vô địch châu Âu từ năm 1968. Trong lúc Ý và Tây Ban Nha sửa soạn đăng quang thì liên đoàn bóng đá Pháp vẫn lúng túng với một câu hỏi : nên chăng duy trì huấn luyện viên Laurent Blanc ? Libération trả lời : số phận của Blanc sẽ được định đoạt trong chưa đầy 24 giờ nữa.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.