Vào nội dung chính
KINH TẾ - MIẾN ĐIỆN

Miến Điện : Ngân hàng ADB cảnh báo nguy cơ bất ổn định do nghèo khó

Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB vào hôm nay 01/07/2012, tỷ lệ nghèo khó rất cao trong các vùng dân tộc ít người ở Miến Điện có nguy cơ dẫn đến bất ổn định. Điều này sẽ tác hại đến công cuộc cải cách của quốc gia này.

Người Rohingya theo đạo Hồi, vượt sông sang Bangladesh tỵ nạn, 11/06/2012
Người Rohingya theo đạo Hồi, vượt sông sang Bangladesh tỵ nạn, 11/06/2012 Reuters/Stringer
Quảng cáo

Theo ADB, tình trạng thất nghiệp, sản xuất nông nghiệp yếu kém đẩy các vùng dân tộc thiểu số lâm vào cảnh thiếu hụt, nghèo khổ. Nghiêm trọng nhất là ở hai bang phía tây : ở bang Chin, gần 3/4 dân chúng lâm vào cảnh này, và một nửa dân cư ở Rakhine. Tại bang Shan ở phiá đông, thì số người nghèo khổ chiếm 1/3.

Trong khi đó tình hình bạo động vẫn thường xuyên bùng lên ở các bang này do tranh chấp, và tâm lý thù nghịch giữa cộng đồng Phật giáo và Hồi giáo ở Rakhine, xung đột vũ trang ở bang Shan với quân đội. Tại đấy, hai bên đã đạt thoả hiệp ngưng bắn, nhưng thỏa thuận này rất mong manh.

Trả lời hãng tin AFP, sau chuyến công du Miến Điện, phó chủ tịch ADB, ông Stephen Groff cho là những cách biệt giàu nghèo ở Miến Điện, có khả năng dẫn đến bất ổn xã hội, bất ổn giữa các cộng đồng, tác hại đến tiềm năng của quốc gia. Vực dậy Miến Điện, theo ông, là một công việc rất gian nan.

Ông Stephen Groff, tuy nhiên, cũng nhìn thấy một số hướng giải quyết. Theo ông, đầu tư vào nông nghiệp, tăng sản xuất, để cho nông dân tiếp xúc được với thị trường mới trong nước và bên ngoài, sẽ đưa được hàng triệu người ra khỏi sự nghèo khó trong trung hạn. Đầu tư vào hạ tầng cơ sở, giao thông, chuyên chở sẽ giúp hàng triệu người thoát khỏi cảnh túng thiếu. Với đầu tư đúng đắn, Miến Điện có đủ sức tăng số người có điện. Hiện nay chỉ có 25 % dân là có điện để sử dụng.

Tuy nhiên, ông Groff cảnh báo, phải cần nhiều thời gian để cải tổ kinh tế có kết quả. Cho dù tăng trưởng của Miến Điện có đạt 5% - 6 % một năm, thì phải mất 30 năm mới hy vọng đạt được mức độ của Thái Lan, tức mất một thế hệ. Trong 10, 15 năm tới đây sẽ không có thay đổi gì nhiều.

Riêng trong phần giúp đỡ Miến Điện, Ngân hàng Phát triển Châu Á, đòi Miến Điện phải trả món nợ 500 triệu đô la nợ ngân hàng, trước khi nhận được khoản tài trợ mới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.