Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - CHÂU Á

Châu Âu : không còn là mô hình lý tưởng đối với châu Á

Trước đây mô hình Liên Hiệp Châu Âu từng là một nguồn cảm hứng cho các quốc gia trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Giờ đây, với cuộc khủng hoảng đồng euro, châu Âu không còn là mô hình lý tưởng cho các nước trong khối này nữa. Liên quan đến chủ đề này, trên phụ trang Địa – Chính trị của báo Le Monde, có bài nhận định đề tựa « Châu Âu không còn làm cho người châu Á mơ tưởng nữa ».

Hội nghị cấp cao kinh tế Asean -EU khai mạc tại Phnom Penh ngày 1/4/2012.
Hội nghị cấp cao kinh tế Asean -EU khai mạc tại Phnom Penh ngày 1/4/2012. REUTERS/Samrang Pring
Quảng cáo

Vào năm 1999, người châu Âu thừa nhận rằng họ đã sống qua một thời kỳ vàng son. Việc đưa vào sử dụng đồng euro – đồng tiền chung duy nhất, đã tôn vinh những năm tháng xây dựng châu Âu và có vẻ như xác nhận sự xác đáng về quan điểm của họ.

Trong khi đó, tại châu Á, qua đợt khủng hoảng tài chính năm 1997, lãnh đạo các nước trong khu vực cho rằng đã rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác phối hợp và hợp tác giữa các nước với nhau.

Lấy cảm hứng từ mô hình châu Âu, lãnh đạo các nước khối ASEAN đã hội họp lại vào năm 2002, với mục tiêu là đề xuất hình thành một cộng đồng kinh tế chung cho cả khối trước năm 2015. Các quốc gia trong khối ASEAN nghĩ rằng cần phải củng cố quan hệ hợp tác, nhất là trong lãnh vực tài chính, nhằm đối phó với kiểu khủng hoảng này.

Thế nhưng, mười năm sau, một lần nữa, người châu Á lại rút ra một bài học mới từ đợt khủng hoảng đồng euro tại châu Âu. Đó là : hội nhập, nhưng không dựa theo mô hình của châu Âu.

Tổng thống Indonesia đánh giá rằng khủng hoảng tại châu Âu là một lời cảnh báo cho các nhà lãnh đạo châu Á, những người mong muốn hình thành một đồng tiền chung. Bởi vì, với kiểu ràng buộc này và trong trường hợp có những chấn động, các quốc gia trong khối không thể giảm giá đồng tiền để có thể thúc đẩy xuất khẩu và thoát khỏi các tình thế khủng hoảng.

Theo quan sát của bà Françoise Nicolas, giám đốc Trung tâm châu Á, tại Học viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), tại châu Á, nỗ lực hội nhập được thúc đẩy nhiều nhất về kinh tế cũng như chính trị chính là khối ASEAN. Một thị trường thật sự rộng lớn, gồm 10 nước thành viên nhưng có đến gần 600 triệu dân.

Bà François Nicolas cho rằng tham vọng và kế hoạch thực hiện của khối ASEAN sẽ rất khiêm tốn. Nghĩa là trong trước mắt sẽ không có chuyện thành lập một thị trường chung. Theo bà, « thành công chính của khối ASEAN là đã dự báo trước được xung đột và đảm bảo bầu không khí ôn hòa. Và như vậy đã góp phần không nhỏ trong sự phát triển kinh tế của mười nước thành viên ».

Asean : Một thị trường lớn thực thụ

Các quốc gia này đã thiết lập một khu vực trao đổi mậu dịch tự do, giảm hàng rào thuế quan, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, tự do hóa các loại dịch vụ và đầu tư.

Vào tháng sáu vừa qua, chương trình ASEAN Trading Link đã được đưa ra. Chương trình này đang xích lại gần với các sàn chứng khoán Singapore và Malaysia, và sắp tới đây là Thái Lan vào tháng tám này. Như vậy, các sàn chứng khoán này đại diện cho khoảng 70% tổng số vốn của toàn khu vực, với trị giá lên đến 2000 tỷ đô-la. Mục tiêu là nhằm phát triển mối liên thông trên toàn thị trường cổ phiếu của khu vực.

Ông Tajuddin Atan, chủ tịch sàn chứng khoán Malaysia cũng cho rằng sự hội nhập của ASEAN không nhất thiết phải đi theo mô hình châu Âu. « Mục tiêu hàng đầu là làm sao huy động được nguồn vốn tiết kiệm quan trọng trong khu vực để hướng chúng vào đầu tư ».

Dù vẫn còn có nhiều trở ngại phải vượt qua, nhưng điểm khích lệ nhất cho triển vọng của khối ASEAN chính là các tác nhân kinh tế. Ông Nazir Razak, một trong các quan chức thuộc nhóm ngân hàng Malaysia nhấn mạnh đến nhu cầu phát triển các hoạt động kinh tế trong lòng khối, vì các hoạt động này vẫn còn tương đối yếu, trong khi mà tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc đang chậm lại và châu Âu vẫn còn đang vật vã đối phó với khủng hoảng nợ.

Theo ông Razak, « thách thức hiện nay chính là bắt đầu hành động như là một vùng duy nhất, là thúc đẩy sự tiến triển chính sách phối hợp theo một khung chung nhằm quản lý và làm tăng trưởng kinh tế của vùng ».

Hồng Kông kỷ niệm 15 năm về với Trung Quốc trong bầu không khí ảm đạm

Đến với vùng Đông Á, nhiều báo Pháp quan tâm đến lễ kỷ niệm 15 năm Hồng Kông được trao trả về với Trung Quốc. Theo nhận định của các tờ báo, lần này tuy rằng lễ kỷ niệm được tổ chức rất long trọng nhưng trong bầu không khí ảm đạm. Người Hồng Kông nghi ngờ cho số phận nền dân chủ mong manh của mình.

Cuối tuần rồi, Hồng Kông long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 15 năm được trao trả lại cho Trung Quốc, với sự hiện diện của chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Thế nhưng, theo Le Figaro, các lễ diễu binh và các chương trình văn hóa diễn ra tại khu trung tâm tài chính châu Á vẫn không làm cho người Hồng Kông cảm thấy hồ hởi.

Đối với báo Le Monde, « Chuyến đi thăm Hồng Kông cuối cùng của ông Hồ Cẩm Đào trong bầu không khí nặng như chì ». Không một chút không khí hoan hỉ nào trên các đường phố cũng như trên báo chí của cựu thuộc địa Anh quốc này.

Mối đe dọa cơn bão Doksuri tối thứ sáu vừa qua, được cho là sẽ đi ngang qua Hồng Kông, nhưng cuối cùng đã chuyển hướng, cũng không làm dịu được bầu không khí nặng như chì của chuyến đến thăm Hồng Kông của ông Hồ Cẩm Đào dưới sự giám sát chặt chẽ.

Theo Le Monde, chưa bao giờ cảm giác chống người Trung Hoa lục địa lại mạnh mẽ và công khai như vậy trên báo chí và Internet Hồng Kông đến thế. Tờ báo công nhận rằng, trên bình diện kinh tế, một điều không thể phủ nhận được là Hồng Kông hưởng lợi nhiều khi trở lại với Trung Quốc. Chính tại trung tâm tài chính này mà các doanh nghiệp lớn Trung Quốc chọn làm điểm lên sàn chứng khoán. Đây cũng làm điểm trung chuyển quan trọng cho ngành xuất khẩu, cũng như là nhập khẩu Trung Hoa lục địa.

Thế nhưng, 15 năm trở về với Trung Quốc chỉ làm mạnh thêm tất cả các lãnh vực kinh tế lớn. Trong khi đó, khoảng cách giàu và nghèo ngày càng có sự cách biệt lớn. Thu nhập hành tháng của số 10% người nghèo của « đặc khu hành chính » - tên được đặt cho Hồng Kông sau khi được trao trả về cho Trung Quốc vào ngày 01/7/1997 đã giảm đi đáng kể, trong khi mà thu nhập hàng tháng của số 10% người giàu lại tăng mạnh.

Libération thì cho rằng « 15 năm sau khi được trao trả, bóng tối Thiên An Môn vẫn bao trùm lên Hồng Kông ». Lễ diễu binh của các binh sĩ cũng như hàng xe thiết giáp – một quang cảnh chỉ làm gợi nhắc lại kỷ niệm buồn của 7 triệu dân tại « đặc khu hành chính » này. Trong ký ức của người Hồng Kông, họ luôn nhớ lại hình ảnh những chiếc xe thiết giáp mà chế độ lúc bấy giờ đã sử dụng để trấn áp làn sóng sinh viên tại Thiên An Môn năm 1989.

Tờ báo cho biết, để tổ chức lễ kỷ niệm, chính quyền Bắc Kinh đề nghị các nghệ sĩ trong nước hát bài ca yêu nước và đẫm lệ : « Hãy tin tưởng vào giấc mơ của mình ». Libération mỉa mai hỏi : « Ai đã đánh cắp ước mơ của chúng ta ? ». Đối với các tác giả của bài hát, Đảng Cộng sản Trung Quốc « đang tẩy não » người dân ở đây, bởi vì « tương lai của họ rất mù mịt ».

Cả hai tờ báo Pháp đều cảm nhận được mối lo âu của người Hồng Kông cho tương lai nền dân chủ trên hòn đảo này. Dù rằng, ông Hồ Cẩm Đào vẫn nhiều lần khẳng định rằng muốn duy trì « chế độ tự trị », rằng ông sẽ tìm hiểu và lắng nghe nguyện vọng của người dân Hồng Kông.

Một cảm nhận được tờ Le Figaro đồng chia sẻ. Theo tờ báo, nhiều tín hiệu gần đây cho thấy nền dân chủ tại « đặc khu hành chính » này có dấu hiệu lung lay. Từ cái chết mờ ám của nhà đấu tranh cho dân chủ Lý Vượng Dương, cho đến việc tờ South China Morning – tờ báo bằng tiếng Anh của Hồng Kông, vốn nổi tiếng về tự do ngôn luận – đã giảm thiểu kích cỡ bài viết về vụ việc hay như việc ông Lương Chấn Anh, một thân cận của Bắc Kinh được bầu làm lãnh đạo « đặc khu » đã làm tăng thêm mối nghi ngờ của người dân trên đảo cho rằng Bắc Kinh đang tìm cách giới hạn một cách có hệ thống quyền tự do ngôn luận trên hòn đảo này .

Bắc Triều Tiên : giữa phát triển kinh tế và trấn áp

Cũng tại vùng Đông Á, nhật báo công giáo La Croix nhìn sang Bắc Triều Tiên qua bài viết đề tựa « Bắc Triều Tiên, giữa sự phát triển kinh tế và trấn áp ».

Kể từ sau cái chết của nhà lãnh đạo tối cao Kim Chính Nhật (Kim Jong-il) hôm 19 tháng 12 năm rồi và từ khi Kim Chính Ân (Kim Jong-un) lên nắm quyền, Bình Nhưỡng vẫn không thay đổi đường lối đối nội cũng như đối ngoại.

Về mặt an ninh, chế độ mới tiếp tục gia tăng ảnh hưởng của mình như xiết chặt an ninh cửa khẩu nhằm chống các vụ đào thoát.

Tuy nhiên, bất chấp việc chính quyền vẫn tìm mọi cách khóa chặt các cổng thông tin, người dân Bắc Triều Tiên ngày càng tiếp cận được nhiều nguồn thông tin bên ngoài và nhiều sản phẩm văn hóa, phim ảnh Hàn Quốc, nhờ nhập lậu qua ngả Trung Quốc.

Về tình hình chính trị trong nước, chính quyền mới vẫn phải gia tăng nỗ lực củng cố địa vị của nhà lãnh đạo mới, mà cách đây hai năm công chúng vẫn chưa được biết đến.

Về mặt đối ngoại, chính quyền Bình Nhưỡng tiếp tục thêu dệt lòng hận thù đối với Seoul và tổng thống đương nhiệm Lee Myung-bak. Theo một nhận định của một nhân chứng với La Croix, « Khi Bắc Triều Tiên tố cáo Hàn Quốc sử dụng hình ảnh ông Kim Jong-il làm bia đỡ đạn, người dân tại đây tuyên bố sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng đi giết ''con chó Lee Muyng –bak''. Thật là nghiêm trọng. Ghét một kẻ thù bên ngoài, điều đó làm quên đi các vấn đề bên trong và khiến cho việc chuyển giao trở thành vấn đề phụ ».

Về mặt kinh tế, tác giả bài viết ghi nhận rằng nhiều tín hiệu cải thiện kinh tế đang diễn ra tại Bình Nhưỡng. Khu chợ Tongil được mở rộng, và tràn ngập hoa quả, thịt cá cũng như các sản phẩm điện tử Trung Quốc. Xuất hiện nhiều tòa nhà cao chừng 50 tầng, lấp lánh ánh đèn nê-ông. Trên các đường phố thủ đô, ngày càng có nhiều xe ô-tô. Và hơn một triệu người trên tổng số 28 triệu dân đã có điện thoại cầm tay. Hay như tại các cửa hàng lớn của thủ đô, người ta bắt đầu thấy bán các loại màn hình tinh thể lỏng và các loại xa xỉ phẩm, bất chấp các lệnh trừng phạt của quốc tế. Thế nhưng, theo bài viết, nếu nhưng cuộc sống của những người được hưởng đặc quyền đặc lợi ngày càng tốt hơn, thì hố ngăn với những người nghèo khó ngày càng đào sâu. Nhất là tại các vùng phi công nghiệp hay nông thôn hẻo lánh, tình trạng suy dinh dưỡng là triền miên. Theo đánh giá của Chương trình dinh dưỡng Thế giới của Liên Hiệp Quốc vào năm 2011, khoảng ¼ dân số cần sự trợ giúp.

Theo La Croix, phải nhìn sự phát triển kinh tế dưới một góc độ tương đối. Chỉ riêng trong quý I năm nay, hơn 40% trao đổi mậu dịch được thực hiện với Trung Quốc, với một con số kỷ lục 775 triệu euro.

Thêm vào đó là sự trỗi dậy của các loại thị trường hợp pháp và bất hợp pháp. Ông Andrei Lankov, giáo sư trường Đại học Kook-min, Seoul khẳng định : « 75% thu nhập của một gia đình Bắc Triều Tiên đến từ thị trường đen. Chính phủ không thể nào áp dụng luật, bởi vì chính bản thân công an chuyên trách cũng lợi dụng vào các thị trường đó ».

Ông John, một nhân chứng xác nhận với La Croix rằng : « mối quan hệ giữa người Bắc Hàn và đồng tiền đã thay đổi. Họ biết rằng nhiều người phất lên là nhờ vào buôn bán và họ cũng muốn làm kinh doanh. […] Người Bắc Triều Tiên dường như không trông đợi chuyện chế độ sẽ cứng rắn hơn, mà họ mong đợi một sự mở cửa […]. Họ đã sẵn sàng, vì chỉ cần có một mở cửa nhỏ nhất về kinh tế, là tất cả sẽ đi rất là nhanh chóng… Họ sẽ lao vào như một con thiêu thân, giống như khi họ từng vồ lấy những chiếc điện thoại cầm tay ».

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.