Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN - BANGLADESH

Tổng thống Miến Điện hoãn đi Bangladesh do xung đột trong nước gia tăng

Theo hãng tin AFP, hôm qua, ngày 01/7/2012, một quan chức ngoại giao của Bangladesh cho biết, tổng thổng Miến Điện Thein Sein đã quyết định hoãn chuyến thăm Bangladesh, do tình hình xung đột sắc tộc tại bang Rakhine đang rất căng thẳng.

Người Rohingya vượt sông Naf để tìm nơi tỵ nạn tại Bangladesh. Trong ảnh, một bé gái người Rohingya tát nước khỏi một chiếc thuyền đánh cá trên sông Naf.
Người Rohingya vượt sông Naf để tìm nơi tỵ nạn tại Bangladesh. Trong ảnh, một bé gái người Rohingya tát nước khỏi một chiếc thuyền đánh cá trên sông Naf. REUTERS/Andrew Biraj
Quảng cáo

Thông tin trên được Ngoại trưởng Bangladesh ông Mijarul Quayes công bố hôm qua trong một cuộc họp báo. Chuyến thăm được dự kiến vào ngày 15 đến 17 tháng Bảy này, nhưng đã bị dời lại đến sau mùa chay Ramadan của người Hồi Giáo bắt đầu vào tuần thứ ba của tháng Bảy. Ông Mijarul cho biết thêm, lịch trình mới của chuyến thăm đang được hai bên bàn bạc.

Theo ông Mijarul, Miến Điện cho biết tổng thống Thein Sein không thể đi công du nước ngoài do tình trạng khẩn cấp đã được thiết lập ở bang Rakhine giáp ranh với Bangladesh. Tổng thống Thein Sein đã phải đích thân đi thị sát tình hình. Ông Thein Sein cảnh báo, xung đột sắc tộc và tôn giáo có nguy cơ làm tiêu tan các thành quả cải cách của hơn một năm nay.

Tại bang Rakhine nằm dọc ranh giới với Bangladesh, gần đây bắt đầu xảy ra hàng loạt các vụ xung đột sắc tộc giữa người Rakhine theo Phật giáo và người Rohingya Hồi giáo. Hơn 80 người đã thiệt mạng, các vụ đốt phá và tấn công trả thù vẫn tiếp tục diễn ra.

Tuần rồi, tướng Anup Kumar Chakma, đại sứ Bangladesh tại Miến Điện, cho AFP biết, dự kiến trong chuyến thăm ngày 15-17 tới, hai bên sẽ thảo luận tìm giải pháp cho người Rohingya chạy nạn, và để giải quyết các bất ổn xãy ra tại ranh giới hai nước. Mấy tuần qua, Bangladesh đã cho trục xuất về nước hàng trăm người Rohingya tỵ nạn từ Miến Điện, bất chấp sức ép của Mỹ và của các tổ chức nhân quyền. Nước này hiện đã gánh đến 300 000 người Rohingya chạy nạn từ Miến Điện.

Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, hiện có khoảng 800 000 người Rohingya sống ở Miến Điện, họ là một trong những tộc người thiểu số bị đối xử bất bình đẳng nhất thế giới. Trên lãnh thổ Miến Điện, người Rohingya Hồi Giáo bị chính phủ Miến Điện và nhiều người dân xem là “những người nhập cư bất hợp pháp”.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.