Vào nội dung chính
CAM BỐT

Cam Bốt chuẩn bị hội nghị Asean tại Phnom Penh

Bắt đầu từ tuần này, Phnom Penh sẽ lại là nơi đón tiếp các hội nghị thường niên của ASEAN. Hiện đang nắm chức chủ tịch luân phiên của ASEAN, Cam Bốt chuẩn bị cho những hội nghị này như thế nào và sẽ đóng vai trò ra sao trong hai hồ sơ nóng bỏng nhất hiện nay đối với khu vực: Biển Đông và nhân quyền ? Thông tín viên Phạm Phan tường trình từ Phnom Penh.

Các ngoại trưởng Singapore Shanmugam, Malaysia Anifah Haji Aman, Brunei Lim Jock Seng trong cuộc họp chuẩn bị cho hội nghị Asean tại Phnom Penh (REUTERS)
Các ngoại trưởng Singapore Shanmugam, Malaysia Anifah Haji Aman, Brunei Lim Jock Seng trong cuộc họp chuẩn bị cho hội nghị Asean tại Phnom Penh (REUTERS)
Quảng cáo

07:17

Thông tín viên Phạm Phan, Phnom Penh

Từ ngày 6 đến ngày 13 tháng 7 này tại Phnom Penh diễn ra nhiều hội nghị quan trọng của khối ASEAN, trong đó bao gồm cả hai hội nghị Ngoại Trưởng Thượng Đỉnh Đông Á lần thứ 2 và Diễn Đàn Khu Vực ASEAN lần thứ 19.

Theo bản tin của Tân Hoa Xã hôm nay, ông Touch Naruth, người chỉ huy lực lượng cảnh sát Phnom Penh đã cho triển khai 400 cảnh sát đặc biệt để gìn giữ an ninh cho hội nghị. Tình hình an ninh tại Phnom Penh trong 10 năm qua đã được cải tiến, đặc biệt chưa có bất kỳ vụ âm mưu khủng bố nào. Đây là điều các đại biểu Phương Tây rất quan tâm, đặc biệt lần này có Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến tham dự.

Một cách tổng quát, thủ đô Phnom Penh ngày nay trông gọn gàng với nhiều kiến trúc hiện đại, dĩ nhiên có sự góp phần của cộng đồng quốc tế qua nhiều chương trình viện trợ với hàng tỷ đôla đổ vào quốc gia này. Trong công tác chuẩn bị có một chi tiết đáng chú ý : Địa điểm khai diễn hội nghị là Cung Hòa Bình (Peace Palace), một tòa nhà do Trung Quốc xây tặng, trị giá trên 20 triệu Mỹ Kim.

Các kỹ sư và nhân viên Trung Quốc được điều qua Phnom Penh để làm công trình mất mấy năm này. Tòa nhà này sau khi hoàn thành đã bị Thủ Tướng Hun Sen chỉ trích, do vì có đặt máy ghi âm bên trong để theo dõi bất kỳ cuộc họp nào. Không biết các thiết bị ghi âm lén đã bị tháo gỡ hết chưa sau cảnh báo của ông Hun Sen.

Mặt khác, vào tháng tư năm nay, cũng trong một loạt công tác chuẩn bị cho hội nghị các Bộ Trưởng ASEAN và Diễn Đàn An Ninh Khu Vực diễn ra vào tháng 7 tại Phnom Penh, Ngoại Trưởng Hor Namhong đã bay sang Bắc Hàn trong nỗ lực làm dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Theo lời Tổng Thư Ký khối ASEAN, Ông Surin Pitsuwan, Phnom Penh có mối quan hệ đặc biệt với chế độ Bình Nhưỡng, nên hy vọng có thể mang Bắc Hàn đến tham gia Diễn Đàn An Ninh Khu Vực ASEAN, trong đó bao gồm 10 thành viên ASEAN và 17 ngoại trưởng đại diện cho 17 nước trong khu vực gồm có cả Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật.

Các vấn đề được quan tâm  

Có hai vấn đề chính được mang ra bàn thảo và không có nhiều hy vọng đạt được sự đồng thuận tại Phnom Penh và nước chủ nhà Cam Bốt năm nay bị đặt trong tình thế không dễ chịu. Một là Tuyên Ngôn Nhân Quyền ASEAN, hai là sự tranh chấp chủ quyền lãnh hải tại Biển Đông.

Trong vấn đề thứ nhất, tự thân nó đã bộc lộ nhiều bất đồng. Với 10 quốc gia thành viên và các thể chế chính trị khác nhau, tự do dân chủ cũng có; độc đảng, độc tài cũng có; khiến cho tương lai một bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền chung cho khối là một hiện thực khó đạt đến.

Không thể bỏ qua các nỗ lực của khối ASEAN muốn cho ra đời sớm bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền, mà được coi là thành tựu quan trọng của khối sau bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền của LHQ. Ngay từ khi có sáng kiến này, nhiều cố gắng thảo luận nhằm xóa đi các dị biệt đã được tiến hành. Tháng 11 năm nay tại Phnom Penh sẽ có quyết định chung kết về bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền ASEAN.

Với sự lẫn lộn các thể chế chính trị khác nhau, nếu không muốn nói là mâu thuẫn với nhau, các tân thành viên được kết nạp sau này gồm Lào, Miến Điện, Cam Bốt, Việt Nam khó mà có thể đồng ý với nội dung bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền.

Một vấn đề nóng thứ hai mà từ lúc đầu cho đến nay, dù đang trong vòng thảo luận, cũng đã tỏ cho dấu hiệu thấy rằng khó thể đi đến một quan điểm thống nhất. Đó là vấn đề giải quyết tranh chấp tại Biển Đông. Đông Dương và Đông Nam Á trong thời gian trước thập niên 1990 khi khối Cộng Sản quốc tế chưa sụp đổ thì cũng từng là nơi đối đầu giữa thế giới tự do đứng đầu là Mỹ và một bên là Trung Quốc và Liên Xô.

Nay khu vực này lại nổi lên tranh chấp với sự tăng cường đáng kể tiềm lực quân sự, đặc biệt là hải quân cùng với tham vọng bành trướng lãnh hải của Trung Quốc khiến cho Hoa Kỳ thực thi chiến lược trở lại Châu Á, mà trọng điểm là Biển Đông và khối ASEAN, cũng như thành lập các cơ sở quân sự làm bàn đạp tại các cường quốc ở chung quanh Biển Đông như Úc và Nhật để hình thành một vòng cung kéo dài từ Nhật đến Thái Lan sẵn sàng đáp ứng khi Trung Quốc châm ngòi một cuộc chiến trên Biển Đông.

Cam Bốt trong một vị thế thành viên ASEAN và là đồng minh lâu đời của Việt Nam, nay lại đang nhận được sự viện trợ dồi dào cả quân sự và kinh tế của Bắc Kinh, và họ sẽ chọn một thái độ hành xử như thế nào để lịch sử không tái diễn như từng xảy ra vào cuối thập niên 1970, khi Hà Nội tung quân đánh vào lãnh thổ Cam Bốt để phá vỡ gọng kềm ở hướng Tây mà Bắc Kinh sử dụng Khmer Đỏ làm lực lượng tiến công ?

Thái độ của Cam Bốt về Biển Đông

Vào cuối tháng 5, khi đến Phnom Penh tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 6 (ADMM-6), ông Phùng Quang Thanh, Đại Tướng Bộ Trưởng Quốc Phòng Việt Nam đã có cuộc thảo luận song phương với Đại Tướng Tea Banh Bộ Trưởng Quốc Phòng Cam Bốt. Đây là một trong nhiều cố gắng của Việt Nam để duy trì mối giao hảo tốt với nước láng giềng.

Cũng trong thời gian ngắn trước đó, ông Lương Quang Liệt, Bộ Trưởng Quốc Phòng Trung Quốc cũng đã có cuộc họp với giới lãnh đạo Phnom Penh, đi kèm với món tiền viện trợ nhiều triệu Mỹ Kim. Liệu đây có phải là sự tranh giành ảnh hưởng giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Cam Bốt ?

Theo nhận định của báo The Nation của Thái Lan, có điều thoạt trông qua tưởng như mâu thuẫn, đó là sau hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Phnom Penh tháng 4 vừa qua, thì Việt Nam đã theo lập trường của Cam Bốt là không bàn vấn đề Biển Đông tại hội nghị ASEAN.

Không bàn vấn đề tranh chấp tại Biển Đông tại hội nghị ASEAN là ý kiến xuất phát từ Bắc Kinh. Điều này tất nhiên phải đi ngược lại với quan điểm của Philippines, một thành viên ASEAN rất muốn đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông lên bàn hội nghị khu vực và quốc tế hóa hồ sơ theo luật pháp quốc tế, một điều mà Bắc Kinh không muốn.

Tình hình này cho thấy một khối ASEAN không đồng nhất và yếu thế trước một Bắc Kinh hung hăng và nhiều tham vọng. Cam Bốt, một thành viên ASEAN đứng ở ngã ba đường trước sự tranh chấp ngày càng nóng tại Biển Đông, lại đang bị Bắc Kinh lôi kéo với những khoản viện trợ dồi dào không kèm điều kiện tôn trọng nhân quyền và kiến tạo dân chủ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.