Vào nội dung chính
CAM BỐT - LIÊN HIỆP CHÂU ÂU

Giới bảo vệ nông dân Cam Bốt kêu gọi tẩy chay đường Cam Bốt bán tại Châu Âu

Đại diện một số hiệp hội bảo vệ nhân quyền tại Cam Bốt ngày 04/07/2012, đã lên tiếng yêu cầu người tiêu thụ tại Liên Hiệp Châu Âu đừng mua đường nhập khẩu từ Cam Bốt. Tập hợp trong phong trào Cambodian Clean Sugar Campaign – tạm dịch là Chiến dịch vận động cho một miếng đường Cam Bốt trong sạch – các tổ chức này tố cáo việc giới sản xuất đường tại Cam Bốt cướp đất của nông dân, lập khu trồng mía để làm đường, đẩy hàng ngàn người vào cảnh cùng cực.

Trên một nông trường trồng mía ở tỉnh Kandal, ngày 15/05/2011.
Trên một nông trường trồng mía ở tỉnh Kandal, ngày 15/05/2011. Reuters
Quảng cáo

07:20

Thông tín viên Phạm Phan tại Phnom Penh

Mai Vân

Từ Phnom Penh, thông tín viên Phạm Phan giải thích thêm về nguyên do dẫn tới phong trào kêu gọi tẩy chay đường Cam Bốt, và vì sao lại liên quan tới Liên Hiệp Châu Âu :

Phạm Phan : Nông dân nghèo ở Cam Bốt lại đương đầu với một tai họa mới khi Liên Hiệp Châu Âu tăng cường hoạt động thương mại với Cam Bốt qua sáng kiến bỏ định mức nhập cảng, giúp những nước nghèo bán vào thị trường Liên Hiệp Châu Âu một số sản phẩm không bị đánh thuế, trong đó có đường được làm ra từ cây mía.

Eang Vuthy, người đang hoạt động cho tổ chức nhân quyền địa phương mang tên Công Bình Cho Người Cam Bốt, nói rằng chính vì sáng kiến của Liên Hiệp Châu Âu mà giờ đây các đồn điền trồng mía đường gia tăng đáng kể tại Cam Bốt, đi kèm với một hậu quả đau xót là có hàng ngàn gia đình nông dân bị cướp đất và rơi vào cảnh sống khó khăn chưa từng có.

Sáng kiến của Liên Hiệp Châu Âu giúp Cam Bốt phát triển sản xuất, tạo thêm công ăn việc làm thực chất có mang lại lợi ích gì cho đại đa số người dân ? Theo các nhà hoạt động nhân quyền địa phương đã đi đến tận nơi để tìm hiểu căn cơ như tại tỉnh Koh Kong ở miền Tây Nam Cam Bốt, thì sáng kiến này trước nhất là giúp cho người giàu được cơ hội làm giàu thêm.

Vì sao ? Sau khi biết được sáng kiến giúp đỡ của Liên Hiệp Châu Âu, hoạt động cướp đất đã gia tăng, tương tự như khi Trung Quốc đổ tiền vào đầu tư các khu độ thị mới ở Phnom Penh, thì dân nghèo bị đám quyền thế dựa vào chính quyền đuổi khỏi nhà rồi lấy đất bán cho các công ty Trung Quốc.

Các công ty do người nước ngoài làm chủ hay của người Cam Bốt tranh thủ việc có sáng kiến của Liên Hiệp Châu Âu đã nhảy vào làm ăn như chiếm đất làm đồn điền trồng mía đường. Cho đến thời điểm này đã có hơn 3.000 gia đình nông dân bị cướp đất mà không có được đền bù công bằng. Do vì đất của các nông dân này có độ màu thích hợp cho việc trồng mía làm ra đường xuất cảng qua Châu Âu.

Koh Kong là một trong 3 tỉnh ở Cam Bốt có nhiều đất ruộng hay rẫy trồng mía từ lâu năm. Năm 2011, Cam Bốt xuất cảng qua Liên Hiệp Châu Âu 20.000 tấn đường, gấp đôi số đường xuất cảng năm 2010.

RFI : Anh có nói là đã có hàng ngàn gia đình nông dân Cam Bốt bị cướp đất và rơi vào cảnh sống khó khăn chưa từng có. Cụ thể sự vụ này như thế nào ?

Phạm Phan : Bà Yi Chhav, 68 tuổi, một trong số những người từng làm chủ các rẫy mía ngay tại quê nhà Koh Kong, và nay trở thành một trong những nạn nhân bị cướp đất và rồi trở thành công nhân trồng mía cho các công ty.

Bà than thở với các nhà báo và đại diện các tổ chức nhân quyền địa phương như Licadho rằng: Bà không còn sự chọn lựa nào khác nữa là phải đi làm mướn cho các công ty trồng mía đường để kiếm được 1,5 euro một ngày để kiếm cơm qua ngày.

Bà Yi Chhav nay lâm vào cảnh cơ cực đến độ không thể cho con cháu đi học được nữa vì sinh kế gia đình rất khó khăn. Bà cũng cho biết khi làm công nhân đồn điền trồng mía, bà bị chủ nhân đối xử như nô lệ.

Trong khi đó giới chủ nhân kỹ nghệ (công nghiệp) đường mía và chính quyền thì nói đúng theo cương vị của họ, tức là nhà nước và giới chủ đã đền bù tương xứng cho những nông dân bị mất đất.

Tuy nhiên theo một đại diện của tổ chức đang mở cuộc vận động “làm cho đường Cam Bốt không bị dính máu” thì nhiều vùng đất trồng hoa màu của nông dân đã bị đốt cháy và nhà của họ bị bà hỏa thiêu rụi để dọn đường cho các công ty trồng mía chiếm đất thành lập đồn điền rộng lớn hơn.

RFI : Chiến dịch vận động của giới bảo vệ nhân quyền tại Cam Bốt sẽ được thực hiện như thế nào ?

Phạm Phan : Đứng trước thảm cảnh và tai ương đổ lên đầu dân nghèo, những người hoạt động nhân quyền và đấu tranh cho quyền lợi dân nghèo tại Cam Bốt đã nhanh chân bước vào cuộc chiến giành lại công lý cho người dân chiếm đa số trong xã hội nhưng lại bị thiểu số nắm quyền và giàu có áp bức.

David Pred, một người đang hoạt động trong phong trào “làm cho mía đường ở Cam Bốt không bị dính máu” cho biết rằng, tổ chức này đang vận động kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu sớm nhìn ra vấn đề bất công khi thi hành sáng kiến giúp Cam Bốt.

Cạnh đó, tổ chức này cũng kêu gọi những người tiêu thụ đường ở Châu Âu không nên mua đường đã bị dính máu được nhập cảng từ Cam Bốt.

Máu ở đây theo những người hoạt động binh vực cho quyền lợi dân nghèo, thì đó là mồ hôi, nước mắt, và ngay cả máu của dân nghèo đã đổ xuống mảnh đất mà họ bị kẻ quyền thế cưỡng đoạt bất công để trồng hàng chục ngàn mẫu mía bán cho Liên Hiệp Châu Âu.

Liên hiệp các tổ chức nhân quyền và đại diện các gia đình bị cướp đất trong tuần này tổ chức một chiến dịch vận động kêu gọi các chủ cửa hàng gây sức ép lên Tập Đoàn Mía Đường Tate and Lyle hãy ngưng ngay việc mua đường của các đồn điền trồng mía và công ty sản xuất đường ở Cam Bốt.

Những người vận động cho lời kêu gọi này đã cho trình chiếu những đoạn phim mô tả cảnh dân nghèo đang đau lòng đứng trước đám cháy thiêu rụi nhà và vườn mía, hoa màu, cây ăn trái của họ.

RFI : Liên Hiệp Châu Âu và chính quyền Phnom Penh đã phản ứng như thế nào trước phong trào này ?

Phạm Phan : Ông Jean-Francois Cautain, Đại Sứ Liên Hiệp Châu Âu tại Cam Bốt cho biết Liên Hiệp Châu Âu đang xem xét các khiếu nại của nông dân nghèo khi chính quyền đưa cho họ tài liệu liên quan đến sự kiện này. Vấn đề nông dân và đồn điền trồng mía đang được tìm hiểu để tránh được những bất công trong các hợp đồng nhường đất.

Ông Ek Tha, người phát ngôn của chính quyền thì nói cách làm của chính quyền khi thành lập các đồn điền trồng mía là đúng hướng, không có sai phạm gì cả, tuy nhiên chính quyền đang cho điều tra về các đơn từ thưa kiện có bất công từ sự điều hành của các công ty trồng mía đường.

Còn ông Ly Yong Phat, một doanh gia giàu có tại Cam Bốt đồng thời cũng là viên Thượng Nghị Sĩ thuộc đảng Nhân Dân cầm quyền, ông Ly hiện đang kinh doanh đồn điền trồng mía nổi tiếng, nói là các công ty trồng mía sản xuất đường không cần phải đền bù cho dân nghèo, do vì họ có đất là theo hợp đồng của chính quyền chứ không có cướp của dân nghèo, theo ông đây là đất của nhà nước.

Nói như thế thì trăm tội đổ lên đầu dân nghèo, bị mất đất lại không được đền bù công bằng lại còn bị cho là đã sống bất hợp pháp trên mảnh đất do nhà nước làm chủ từ mấy thập niên trước.

Vấn đề xem ra kẻ thua cuộc cũng là nông dân nghèo mà thôi !!!

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.