Vào nội dung chính
HOA KỲ - PHILIPPINES - TRUNG QUỐC

Tổng thống Philippines khuyến cáo Trung Quốc nên trung thực

Tổng thống Philippines Benigno Aquino hôm nay 05/07/2012 đã bác bỏ thông tin là ông đã yêu cầu Hoa Kỳ cho máy bay giám sát Biển Đông. Theo ông, Philippines có đủ năng lực để làm việc này. Bên cạnh đó, ông cũng khuyến cáo chính quyền Trung Quốc nên « cân nhắc lại những gì mình nói so với sự thật ».

Tổng thống Philippines Bengino Aquino. Ảnh chụp ngày 02/07/2012.
Tổng thống Philippines Bengino Aquino. Ảnh chụp ngày 02/07/2012. REUTERS
Quảng cáo

Tổng thống Aquino nói với các nhà báo là bản thân Philippines cũng có các tàu và máy bay để quan sát vùng bãi cạn Scarborough đang bị Trung Quốc tranh chấp; và trong khi trả lời phỏng vấn một hãng thông tấn nước ngoài hôm thứ Hai 2/7, ông chỉ nói là “có thể” sẽ nhờ đến sự hỗ trợ của không quân Mỹ khi cần thiết. 

Ngay sau khi báo chí đưa tin trên, Bắc Kinh đã cảnh báo Manila không nên khiêu khích. Nhân dân Nhật báo đả kích Philippines gây thêm căng thẳng, còn tờ Global Times hôm thứ Ba 3/7 nói rằng Philippines và Việt Nam “xứng đáng bị trừng phạt”. Tờ báo này viết: “Philippines và Việt Nam đã ngoan cố quấy nhiễu Trung Quốc. Hai nước này không nằm trong tham vọng chính trị quốc tế của Trung Quốc, nhưng cũng không thể để họ tự do quấy rối”. 

Trong tuyên bố hôm nay, ông Aquino nhắc nhở là giữa Philippines và Hoa Kỳ có hiệp ước phòng thủ chung, và trong trường hợp không đủ khả năng thì Manila có thể yêu cầu Washington trợ giúp. 

Tổng thống Aquino nêu rõ là Philippines đã rút hết tàu của mình ra khỏi Scarborough cách đây ba tuần, nhưng các tàu Trung Quốc thì vẫn ở lại khu vực này. Ông nói: “Nếu các tàu của họ cũng quay trở về Trung Quốc thì vấn đề đâu còn tồn tại nữa, vậy thì ai đang kéo dài hồ sơ này?”. Tổng thống Philippines cho rằng phía Trung Quốc đã tuyên bố quá nhiều thứ, và nhấn mạnh: “Có lẽ họ cần cân nhắc lại những gì đã nói so với sự thật”. 

Còn hôm qua, phát ngôn viên của Tổng thống là Edwin Lacierda đã phát biểu bằng tiếng Hoa, yêu cầu Trung Quốc “nên ăn nói cẩn thận hơn”. Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Thượng viện Philippines, vốn là cựu Tổng tham mưu trưởng quân đội, Rodolfo Biazon khi nhắc đến việc máy bay Mỹ giám sát, đã cho rằng việc trao đổi thông tin giữa các nước đồng minh, kể cả thông tin tình báo là chuyện bình thường. 

Ông Biazon đề nghị nên đưa trở lại bãi Scarborough các tàu tuần duyên và kiểm ngư Philippines, kể cả tàu hải quân nếu cần. Ông bác bỏ việc chấp nhận một đối tác Trung Quốc trong dự án thăm dò dầu khí tại đảo đá ngầm Recto Bank, nói rằng “mời vào nhà mình một định chế đang đòi chủ quyền cả căn nhà của mình thì thật là điên”. 

Manila hôm nay cũng cho biết đã chính thức phản đối việc Bắc Kinh thành lập một đơn vị hành chính mới đặt tên là “Tam Sa” bao trùm các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa tại vùng Biển Đông đang bị tranh chấp. 

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines, ông Raul Hernandez nói rằng việc này vi phạm đến đòi hỏi chủ quyền của Philippines tại bãi cạn Scarborough và một phần quần đảo Trường Sa, cũng như một số khu vực khác tại Biển Đông. Ông nói với các nhà báo là Bộ Ngoại giao Philippines đang chờ đợi trả lời của chính quyền Trung Quốc về kháng thư trên.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.