Vào nội dung chính
CAM BỐT - Y TẾ

Cam Bốt: « Bệnh lạ » do virut biến dạng của bệnh tay chân miệng gây nên

Thông cáo của Tổ chức Y tế Thế giới - WHO và bộ Y tế Cam Bốt vừa được công bố hôm nay 09/07/2012 nêu lên khả năng virut EV 71 là nguyên nhân gây « bệnh lạ » làm hơn 50 trẻ em Cam Bốt thiệt mạng trong bốn tháng qua. EV 71 là biến dạng rất nguy hiểm của virut gây bệnh tay chân miệng.

Chờ đợi khám bệnh ở bệnh viện Kantha Bopha, Phnom Penh, 04/07/2012
Chờ đợi khám bệnh ở bệnh viện Kantha Bopha, Phnom Penh, 04/07/2012 Reuters
Quảng cáo

Thông tín viên Phạm Phan từ thủ đô Phnom Penh cho biết thêm chi tiết :

Hơn nửa tháng nay, tại Phnom Penh có nhiều tin đồn và bài báo nói về một chứng bệnh kỳ lạ xuất hiện tại một số vùng quê đã giết chết mấy chục em nhỏ. Vài ngày nay, Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO cũng đã lên tiếng.

Viện Pasteur Cam Bốt đang cho tiến hành điều tra căn nguyên chứng bệnh bí hiểm sau khi tìm thấy trong mẫu máu của 15 bệnh nhân trẻ em khi khám bệnh cho 24 trẻ em mắc bệnh, mẫu máu này có dấu vết của siêu vi khuẩn (virút) EV71 (Enterovirus 71), loại siêu vi gây ra chứng bệnh tay - chân - miệng ở trẻ em.

Cuộc nghiên cứu này được Viện Pasteur tiến hành từ giữa tháng 6, Philippe Buchy, người đứng đầu Khoa Siêu Vi Học tại Viện Pasteur Cam Bốt có văn phòng ở Phnom Penh xác nhận ngày hôm qua Chủ Nhật 8/7/2012.

Loại siêu vi khuẩn EV71 có thể được coi là thủ phạm gây nên cái chết cho hơn 60 trẻ nhỏ trên khắp Cam Bốt từ đầu tháng 4 vừa qua.

Nima Asgari, người đứng đầu nhóm đáp ứng và quan sát các chứng bệnh khởi phát thuộc văn phòng tổ chức WHO ở Phnom Penh nói, thông tin do Viện Pasteur Cam Bốt đưa ra rất có giá trị và nó giúp cho cuộc điều tra về chứng bệnh lạ được xúc tiến ở qui mô rộng lớn hơn.

Văn phòng của tổ chức WHO đang phối hợp với bộ Y Tế Cam Bốt điều tra về chứng bệnh lạ này để giúp ngăn ngừa sự lây lan và sự thiệt hại sinh mạng của trẻ em Cam Bốt. Có nguồn tin cho rằng, với khả năng yếu kém, Cam Bốt có thể là nơi ủ bệnh nguy hiểm.

Nhóm y tế được giao phó công tác điều tra hiện nay đang khảo sát các trường hợp bệnh nhân chết trước khi được khám nghiệm.

Vào ngày 4/7, bộ Y Tế thông báo, họ đang cho tiến hành điều tra gấp và cẩn thận dưới sự giúp đỡ của WHO về nguyên nhân của những cái chết. Ngày 6/7, WHO đưa ra thông báo cuộc điều tra sơ khởi đã xác nhận được 74 trường hợp, phần lớn khảo nghiệm trên các bệnh nhân trẻ em đang nằm chữa trị tại Bệnh Viện Nhi Kantha Bopha ở Phnom Penh.

Ông Beat Richner, người đứng đầu Bệnh Viện Nhi Kantha Bopha nói, cho đến bây giờ đã tìm thấy triệu chứng về phổi là nguyên nhân gây ra cái chết, và cũng có thể có yếu tố ngộ độc khi ăn uống trong đó.

Hiện tại bệnh lạ rất có thể bắt nguồn từ virut EV 71 đã gây ra những thiệt hại như thế nào tại Cam Bốt ?

Trong thời gian qua đã có 66 em bị mắc bệnh và có 64 em qua đời rất nhanh chỉ trong vòng khoảng một ngày khi được đưa vô nhà thương, hầu hết ở độ tuổi từ 2 đến 3 tuổi, có em chỉ hơn 3 tháng tuổi.

Ở bên ngoài Bệnh Viện Nhi Kantha Bopha, cha mẹ của bệnh nhân lo lắng đi ra đi vô để ngóng tin con mình.

Bà Mao Nath, 31 tuổi, người từ tỉnh Kampot cách thủ đô 121 cây số đến Phnom Penh để theo dõi tình trạng bệnh của cháu mình.

Bệnh Viện Nhi Kantha Bopha hàng ngày đã đông đúc bệnh nhân và người thân đến chăm nom nuôi bệnh, nay có thêm trường hợp bệnh lạ thì càng càng đông hơn. Đây là một trung tâm y tế do quốc tế trợ giúp, phần lớn trẻ em miền quê khi mắc bệnh đều phải lên Phnom Penh mới có phương tiện chữa trị.

Bộ Y Tế đã thông báo cho dân được biết, đặc biệt là ở nông thôn, khi thấy con cháu mình có triệu chứng mắc bệnh lạ phải mang đến Bệnh Viện Nhi ở thủ đô ngay lập tức. Đời sống của dân miền quê hiện nay còn chật vật, đi xe về thủ đô không khó, nhưng chi phí đi lại và ăn ở cũng khá tốn kém.

Chỉ trong vòng chưa được 3 tháng mà đã có hơn 60 em chết trong thời gian ngắn khi nhập viện cho thấy đây là con số không nhỏ. Và điều cần biết là chứng bệnh còn đang trong vòng điều tra chưa hiểu rõ nguyên nhân và cũng chưa có liều thuốc chữa trị hữu hiệu. Đây là điều quan tâm đặc biệt cho Cam Bốt. Trong trường hợp, chứng bệnh có khả năng lây nhiễm thì càng nguy hơn. Điều mà giới y tế chuyên môn xác nhận là chứng bệnh lạ hiện đang nằm ngoài phạm vi kiểm soát của ngành y tế quốc gia.

Trong tình cảnh đó thì chính quyền Phnom Penh đã phản ứng ra sao và đã có những khuyến cáo như thế nào đối với dân chúng ? 

Có thể lần này chính quyền thông qua bộ Y Tế đã có phản ứng nhanh trước chứng bệnh lạ, tất nhiên phải có sự hỗ trợ của tổ chức WHO và các chuyên gia y tế của quốc tế hiện làm việc tại Cam Bốt.

Theo nhận định của WHO, chính quyền Cam Bốt chỉ chi phí khoảng 5,8% GDP của quốc gia cho lĩnh vực sức khỏe người dân. Theo con số thống kê vào năm 2010, tuổi thọ trung bình cho đàn ông là 60 và phụ nữ là 65 tuổi.

Còn đối với trẻ em thì điều kiện dinh dưỡng không đồng đều, ở thành phố, con nhà khá giả thì có dinh dưỡng đầy đủ hơn, trong khi ở nông thôn và ngay cả ở thành thị mà là con nhà nghèo thì dinh dưỡng thiếu kém, khiến sức khỏe không được bảo đảm nói chi đến đủ điều kiện phát triển. Còn trong trường hợp cần sự chữa trị một khi mắc bịnh thì khó khăn hơn.

Loại Bệnh Viện Nhi chuyên chữa trị cho trẻ em với các phương hiện đại lại không có nhiều tại Cam Bốt. Các cơ sở y tế tư nhân thì mọc lên nhiều nhưng không bảo đảm tay nghề.

Tỷ lệ chết của ấu nhi Cam Bốt tính vào thời điểm năm 1993 là 115 em trong tổng số 1.000 em. Con số này giảm xuống còn 54 em tính trong tổng số 1.000 vào thời điểm năm 2009.

Còn trẻ em ở độ tuổi dưới 5 tuổi có tử suất là 181 em tính trên tổng số 1.000 em vào thời điểm 1993, tuy nhiên tử suất này đã giảm vào năm 2009 với con số là 115 em trong tổng số 1.000 em.

Theo con số thống kê của tổ chức WHO, tại tỉnh Ratanakiri thuộc vùng Đông Bắc, giáp với tỉnh Gia Lai, Đắc Lắc của Việt Nam thì do ở xa xôi, y tế nghèo nàn nên 22,9% trẻ em chết trước khi được 5 tuổi.

Trong trường hợp trẻ em ở tỉnh này mắc chứng bệnh lạ thì lại càng khó khăn hơn vì đa số dân là dân tộc thiểu số, ở sâu trong rừng núi, nên đi đến Phnom Penh để tìm phương cách chữa trị cho con em mình không phải dễ dàng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.