Vào nội dung chính
ASEAN - PHI HẠT NHÂN

Hiệp ước Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân chưa trấn an được 5 cường quốc nguyên tử

Trong một thông báo giờ chót công bố hôm nay, 09/07/2012, ASEAN cho biết là đã dời việc ký kết ba văn kiện liên quan đến Hiệp ước Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân SEANWFZ qua tháng 11, thay vì trong tuần này như dự trù. Lý do được đưa ra là hầu hết các cường quốc đều chính thức bày tỏ quan điểm dè dặt trước hiệp ước này.

Quảng cáo

Theo giới quan sát, việc dời ngày ký kết các văn kiện phản ánh thất bại của các nước Đông Nam Á trong việc thuyết phục các cường quốc hạt nhân vốn là thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ủng hộ Hiệp ước SEANWFZ.

Theo chương trình dự kiến, lẽ ra trong ba ngày 9, 10 và 12/07, ASEAN sẽ tổ chức lần lượt lễ ký kết ba văn kiện liên quan đến Hiệp ước SEANWFZ bao gồm: Tuyên bố ASEAN về Nghị định thư của Hiệp ước SEANWFZ (ngày 09/07), Bản ghi nhớ giữa ASEAN và Trung Quốc về Hiệp ước SEANWFZ và Nghị định thư của Hiệp ước (ngày 10/07) và Nghị định thư của Hiệp ước SEANWFZ (ngày 12/07).

Thế nhưng, sau Hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN vào hôm nay, ông Kao Kim Hourn, Quốc vụ khanh thuộc bộ Ngoại giao Cam Bốt cho biết là việc ký kết cả ba tài liệu kể trên đều được dời qua tháng 11 tới đây, vì lẽ có 4 trên 5 cường quốc nguyên tử chính thống đã “bảo lưu ý kiến”, tức là bày tỏ thái độ dè dặt.

Trước tình hình đó, theo phát ngôn viên của Cam Bốt : “Ủy ban Hiệp ước Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân SEANWFZ đã quyết định tạm hoãn việc ký kết cho đến khi các thành viên ASEAN làm việc chặt chẽ xong với các thành viên của nhóm P5 để giải quyết các vấn đề khiến họ dè dặt”.

Nhóm quốc gia được gọi dưới ký hiệu P5 - tạm dịch là Ngũ cường – chính là năm cường quốc có vũ khí hạt nhân được quốc tế công nhận, đồng thời là 5 thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc : Anh, Mỹ, Nga, Pháp và Trung Quốc. Theo ông Kao Kim Hourn, 4 thành viên của P5 đã bày tỏ thái độ dè dặt là Pháp, Anh, Nga, và Mỹ.

Quốc vụ khanh thuộc bộ Ngoại giao Cam Bốt cho biết chi tiết : Pháp đã lên tiếng bảo lưu về quyền được tự vệ, Anh thì gợi đến các mối đe dọa và diễn biến mới, Nga nói về các quyền của tàu và phi cơ nước ngoài đi vào khu vực không có vũ khí hạt nhân. Riêng Hoa Kỳ đã bảo lưu ý kiến, nhưng chưa công bố cụ thể các dè dặt của mình.

Quốc vụ khanh Cam Bốt hôm nay không nói gì về quan điểm dè dặt của Trung Quốc, nhưng theo báo Thái Lan The Nation, Ngoại trưởng nước này, ông Surapong Towichukchaikul, vào hôm qua, đã tiết lộ rằng Trung Quốc đã đặc biệt tỏ ý dè dặt là “khu vực không có vũ khí hạt nhân của ASEAN sẽ ảnh hưởng đến chủ quyền của Bắc Kinh trên các vùng lãnh thổ, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa” của họ.

Vấn đề là Hiệp ước SEANWFZ của khối Đông Nam Á sẽ không có nhiều giá trị nếu không được 5 cường quốc nguyên tử đứng đầu thế giới tán đồng, và trong thời gian qua, khối Đông Nam Á đã nỗ lực thuyết phục nhóm Ngũ cường ủng hộ Hiêp ước này.

Nỗ lực này tưởng như đã thành công vì trước lúc Hội nghị, các ngoại trưởng ASEAN mở ra tại Phnom Penh, một số nguồn tin đã cho rằng lần này 5 ngoại trưởng Anh, Nga, Pháp Mỹ và Trung Quốc về dự Diễn đàn An Ninh ARF sẽ đặt bút ký vào Nghị định thư Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có hạt nhân.

Một bản tin của hãng tin Nhật Bản Kyodo phân tích rằng khi ký vào Nghị định thư này, năm thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ “cam kết không sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm vào bất cứ nước thành viên nào của ASEAN và một khi các văn kiện được phê chuẩn, Đông Nam Á sẽ trở thành khu vực phi hạt nhân đầu tiên của châu Á và đây là mục tiêu chiến lược chủ yếu mà ASEAN theo đuổi”.

Lời xác định của đại diện chủ tịch ASEAN cho thấy là triển vọng nói trên vẫn còn xa vời. Cho dù vậy, ASEAN vẫn tỏ ý tin tưởng. Ông Kao Kim Hourn cho biết : « Chúng tôi hy vọng rằng việc ký kết toàn bộ các văn kiện cùng một lúc sẽ được thực hiện vào tháng 11, nhân Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 21 » cũng tại Phom Penh.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.