Vào nội dung chính
BIỂN ĐÔNG

ASEAN lấy Luật Biển Liên Hiệp Quốc làm cơ sở Quy tắc ứng xử trên Biển Đông

Nhân Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45 kết thúc hôm qua 09/07/2012 tại Phom Penh, 10 quốc gia Đông Nam Á đã đồng ý với nhau về các quy tắc ứng xử tại Biển Đông. Nội dung văn kiện này không được công bố, nhưng căn cứ vào một bản dự thảo mà hãng tin Pháp AFP có trong tay vào hôm nay 10/07, các nước Đông Nam Á đã thể hiện ý muốn lấy Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 UNCLOS làm cơ sở để giải quyết các tranh chấp.

Ngoại trưởng Dương Khiết Trì (trái) phát biểu tại hội nghị ASEAN cộng 3 tại Phnom Penh (REUTERS)
Ngoại trưởng Dương Khiết Trì (trái) phát biểu tại hội nghị ASEAN cộng 3 tại Phnom Penh (REUTERS)
Quảng cáo

Theo AFP, dự thảo văn kiện này đã phác họa quan điểm của ASEAN, kêu gọi tất cả các bên « Cam kết giải quyết tranh chấp lãnh thổ… tại Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả UNCLOS ».

UNCLOS là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, một hiệp ước quốc tế quy định giới hạn các vùng biển tiếp giáp mà một quốc gia có thể xem là lãnh hải hoặc vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Trung Quốc đã ký kết Công ước UNCLOS, nhưng theo giới chuyên gia, các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trên hầu như toàn bộ vùng Biển Đông - nơi có các tuyến đường biển quan trọng và được cho là dồi dào giàu mỏ và khí đốt – đều không phù hợp với các quy định của Luật Biển quốc tế.

Đài Loan và 4 thành viên ASEAN Việt Nam, Philippines, Brunei và Malaysia cũng có các đòi hỏi chủ quyền trên toàn bộ hay một phần của Biển Đông. Trong thời gian gần đây, căng thẳng đã đặc biệt nổi lên giữa Bắc Kinh với Hà Nội và Manila về chủ quyền trên một số vùng biển.

Dự thảo bộ quy tắc ứng xử của ASEAN kêu gọi tất cả các bên giải quyết các tranh chấp, nhưng « không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực », đồng thời « cam kết tôn trọng quyền tự do hàng hải và bay qua không phận ».

ASEAN còn đề nghị tất cả các bên cố gắng giải quyết các tranh chấp, trước tiên trong khuôn khổ của Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (TAC), một hiệp ước của ASEAN vốn cũng cấm dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp.

Nếu không được, các bên có thể viện đến « cơ chế giải quyết tranh chấp được luật pháp quốc tế trong đó UNCLOS ». Dự thảo cũng kêu gọi tiến hành các hoạt động hợp tác để xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau.

Trên đây tuy nhiên chỉ là những điều đã được thông nhất trong nội bộ khối Đông Nam Á. Để có giá trị, văn kiện này cũng phải được Trung Quốc đồng ý. Sau khi thỏa thuận được trong nội bộ, ASEAN cần phải đàm phán với Trung Quốc. Trong cuộc họp báo cuối ngày hôm qua, phát ngôn viên của Hội nghị ASEAN xác nhận là các nước Đông Nam Á sẽ xúc tiến ngay việc thảo luận với phía Trung Quốc về văn kiện này.

Về phần Trung Quốc, hôm qua nước này cũng cho biết sẵn sàng thảo luận về các quy tắc của ASEAN “khi điều kiện chín muồi”. Tuy vậy, phía Trung Quốc xác định rằng các quy tắc ứng xử không thể được dùng làm cơ sở giải quyết tranh chấp chủ quyền. Tuyên bố này được cho là phản ánh lập trường xuyên suốt của Bắc Kinh là chỉ giải quyết tranh chấp theo con đường song phương.

Theo giáo sư Pavin Chachavalpongpun, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Đại học Kyoto, các thành viên ASEAN đang chống lại ý muốn giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ song phương với Trung Quốc. Chuyên gia này giải thích : « Các nước Đông Nam Á tự thấy rằng họ sẽ không có đủ trọng lượng khi đàm phán với một Trung Quốc lớn mạnh hơn ».

Việc lấy Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển làm cơ sở cho các quy tắc ứng xử trên Biển Đông của ASEAN chính là nằm trong xu hướng đó.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.