Vào nội dung chính
PHILIPPINES-TRUNG QUỐC

Philippines ngừng phản đối sau khi tàu Trung Quốc rời khỏi Trường Sa

Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario hôm nay 15/07/2012 tuyên bố sẽ không tiến hành thủ tục phản đối về mặt ngoại giao, sau khi một chiến hạm Trung Quốc đã được kéo lên tại khu vực bãi Trăng Khuyết tại quần đảo Trường Sa, do bị mắc cạn trong bốn ngày qua. 

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario REUTERS
Quảng cáo

Theo Ngoại trưởng Philippines thì vụ chiếc tàu hải quân Trung Quốc bị mắc cạn tuần qua tại bãi Trăng Khuyết thuộc Trường Sa, mà Philippines gọi là Hasa Hasa, có vẻ là một tai nạn. Ông nói : « Chúng tôi không tin rằng sự hiện diện của chiếc tàu này tại vùng đặc quyền kinh tế của chúng tôi là có dụng ý xấu », và cho biết có thể sẽ không kháng nghị về mặt ngoại giao.

Chiến hạm này được cho là đang thực hiện một « cuộc tuần tra thường lệ », khi bị mắc cạn hôm thứ Tư 11/7 tại bãi Trăng Khuyết. Bãi này cách đảo Palawan của Philippines 60 hải lý về phía tây, được Manila cho là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình. Trong khi đó Việt Nam cũng khẳng định chủ quyền tại bãi Trăng Khuyết, được Việt Nam xếp vào cụm đảo Bình Nguyên, thuộc quần đảo Trường Sa.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila loan báo chiếc tàu hải quân trên đã được « trục vớt thành công » trước hừng đông hôm nay. Ngoại trưởng Philippines nói rằng ông đã được thông báo là chiến hạm này đang trên đường quay về Trung Quốc, và ngỏ lời chúc thủy thủ đoàn trở về bình yên.

Trong nỗ lực làm hòa dịu, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin hôm nay nói rằng những người điều khiển chiếc tàu hải quân Trung Quốc có lẽ không nhìn thấy đá ngầm, chứ không có ý định xâm nhập lãnh hải.

Vấn đề chủ quyền tại Trường Sa luôn gây căng thẳng giữa các quốc gia liên quan, và mới đây Philippines cũng như Việt Nam đã lên án thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc. Việc tranh chấp này cũng là điểm nóng trong hội nghị thường niên các Ngoại trưởng ASEAN tổ chức tại Cam Bốt vừa qua, khi Manila tố cáo thái độ hai mặt và sự trấn áp của Bắc Kinh.

Tranh chấp lãnh hải đã làm chia rẽ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, với việc nước chủ nhà Cam Bốt đã bị Bắc Kinh mua chuộc, khiến hội nghị không ra được một thông cáo chung khi kết thúc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.