Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Bắc Kinh hạn chế lối sống xa hoa của các quan chức

Mấy thập niên qua, khi kinh tế Trung Quốc phát triển vượt bậc, tệ quan liêu, tham nhũng cũng ngày càng nghiêm trọng. Đến mức mà người dân vốn quen tính cam chịu của văn hóa Nho Giáo, cũng phải tức nước vỡ bờ, bắt đầu làm quen với biểu tình, đình công, thậm chí tấn công trụ sở chính quyền. Nguy cơ bạo động xã hội ngày một hiển hiện.

Quan chức TQ bị cấm dùng xa xỉ phẩm
Quan chức TQ bị cấm dùng xa xỉ phẩm DR
Quảng cáo

Trong bối cảnh đó, chính phủ Bắc Kinh ra sức chống tiêu cực để lấy lại lòng tin của dân chúng. Nhật báo Les Echos chú đến chủ đề này với bài viết : « Để nêu gương, Bắc Kinh tấn công vào lối sống của các quan lớn ».

Tờ báo nhắc lại việc vừa rồi chính phủ Bắc Kinh đã ra lệnh, trong vòng ba năm tới, công chức cả nước không được ăn vi cá mập. Theo tờ báo, mục tiêu của quyết định này không chỉ là để góp phần bảo tồn loài cá đang có nguy cơ tuyệt chủng, mà quan trọng hơn là muốn chứng tỏ với người dân quyết tâm của chính quyền trung ướng hạn chế lối sống xa hoa của các quan chức cấp cao.

Trên tinh thần đó, chính quyền trung ương Trung Quốc đã ban hành một lọat các biện pháp tương tự khác : cấm quan chức dùng công quỹ tổ chức tiệc tùng ở một số địa phương, đem đấu thầu bán bớt xe công vụ… Tuy nhiên đáng chú ý nhất có lẽ là việc Bắc Kinh kêu gọi quan chức sống giản dị, đồng thời cũng ban hành lệnh cấm quan chức lấy tiền công quỹ mua các loại hàng xa xỉ.

Quan chức bớt xa hoa, ngành xa xỉ phẩm điêu đứng

Tại Trung Quốc, tờ báo nhắc lại, việc quan chức lấy tiền công mua đồ cao cấp là một hiện tượng đang rất phổ biến. Việc biếu xén hàng đắt tiền cũng là chuyện thường ngày. Bộ phận này chiếm một phần khá lớn trên thị trường tiêu thụ hàng cao cấp. Vì thế, việc quan chức bị buộc phải bớt xa hoa một tí cũng đủ làm điêu đứng lĩnh vực kinh doanh xa xí phẩm, nhất là trong giai đoạn kinh tế phát triển chậm lại như hiện nay.

Doanh số của các cơ sở kinh doanh đồ đắt tiền vì vậy bắt đầu giảm. Doanh số bán ra của hãng kim hoàng Chow Tai Fook tại Hồng Kong ba tháng qua chỉ đạt có 16%, trong khi bình quân cho 12 tháng trước đó là 61%. Nhiều hãng kinh doanh hàng cao cấp khác cũng chịu chung số phận. Lượng khách du lịch từ Hoa Lục đến Hồng Kông cũng giảm đi đáng kể.

Trung Quốc : kinh tế đang mất đà tăng trưởng

Nhìn vào nền kinh tế Trung Qu ốc, nhật báo Les Echos có bài cho biết : « Tăng trưởng kinh tế giảm xuống còn 7,6%, nhưng vẫn còn hy vọng tăng tốc ».

Theo số liệu chính thức, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quí 2 năm nay chỉ đạt 7,6%, tức mức thấp nhất kể từ năm 2009. Tất cả các lĩnh vực đều mất đà tăng trưởng, từ xuất khẩu, đầu tư, bất động sản đến tiêu thụ hộ gia đình. Hôm qua, thủ tướng Ôn Gia Bảo dự phóng : « Khó khăn sẽ còn kéo dài ».

Tuy nhiên, Les Echos cho biết, con số 7,6% là phù hợp với dự báo của nhiều nhà kinh tế. Hiện tại thậm chí có dự phóng cho rằng nền kinh tế sẽ nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng. Có nhiều dấu hiệu làm cơ sở: Trong tháng 6 rồi, các lĩnh vực bán lẻ, bất động sản và tín dụng đều có dấu hiệu bắt đầu tăng tốc trở lại.

Tờ báo nhắc lại, Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tăng trưởng cho cả năm 2012 là 7,5%. Như vậy, đến hiện tại với con số 7,6%, chính phủ đã đạt chỉ tiêu. Theo tờ báo, trong sáu tháng cuối năm 2012, kinh tế Trung Quốc sẽ bắt đầu phục hồi đà tăng trưởng.

Việt Nam lo sợ anh bạn láng giềng khổng lồ hơn bao giờ hết

Năm 1922, nhà báo nổi tiếng ngưpừi Pháp Albert Londres đã đến Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam và viết nhiều bài về đời sống của người dân ở đó. Trong loạt bài « Theo dấu Albert Londres », Le Figaro hôm nay đăng bài của một đặc phái viên của tờ báo tại Sài Gòn, nói về cảm nhận của tác giả đối với Việt Nam hiện tại.

Tác giả cho rằng, mấy năm gần đây, Việt Nam đã trở thành thiên đàng của sản xuất gia công, bởi nhiều tập đoàn như Nokia, Samsung, Canon đã đua nhau tìm đến đặt cơ sở sản xuất. Ngay cả các tập đoàn lớn của Trung Qu ốc cũng tìm đến Việt Nam đầu tư để tránh chính sách tăng lương của chính phủ Trung Quốc. Kết quả là tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện đạt 7%.

Tác giả nhắc lại, từ khi thực hiện chính sách mở cửa, Việt Nam đã cố gắng hiện đại hóa, tiếp cận công nghệ mới, nhưng luôn phát triển « dưới bóng của tên khổng lồ Trung Quốc ». Theo tờ báo, khi trước, dù chưa trở thành một nền kinh tế lớn, dù chưa biết đến hàng không mẫu hạm, nhưng Trung Quốc đã là « một cái bóng to đùng » đối với anh bạn láng giềng.

Năm 1979, khi người Trung Quốc vượt ranh giới tấn công Việt Nam, thì người Việt Nam đã cho họ « một trận đòn đích đáng ». Thế nhưng hiện tại, người Việt Nam chưa bao giờ lo ngại về anh bạn láng giềng Trung Quốc đến thế, bởi những tranh chấp lãnh hải giữa hai nước. Mối lo ngại đến mức đã đẩy Việt Nam xích lại gần với cựu thù Hoa Kỳ.

Nói về đời sống văn hóa- xã hội, tác giả cảm nhận rằng, Sài Gòn ngày nay đã không còn như Sài Gòn theo mô tả của nhà báo Albert Londres vào năm 1922. Không còn cảnh xe ngựa lọc cọc chạy trên đường phố mà thay vào đó là tiếng ồn ào của xe gắn máy. Thành phố này cũng bắt đầu xuất hiện những ngôi nhà cao tầng, và vừa rồi là một tòa cao ốc 68 tầng gần sông Sài Gòn, tức nó không còn sắc thái giống Paris nữa, mà dần giống với kiểu cách Singapore.

Tác giả đánh giá, Thủ Thiêm sẽ trở thành Phố Đông của Thượng Hải. Phố Đông là quận vùng ven mới rất tiềm năng của Thượng Hải, nằm trên bờ đông sông Hoàng Phố. Sài Gòn đang được hiện đại hóa nhanh chóng, vì thế, theo tác giả, cân đối giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế cũng là một vấn đề hóc búa.

Mỹ-Nhật : Dân Okinawa muốn Mỹ rút căn cứ quân sự

Về quan hệ Mỹ-Nhật, nhật báo Công Giáo La Croix có bài nhận định mang tên : « Nhật Bản : Sự sống chung đầy tế nhị với quân đội Mỹ ».

Tờ báo đề cập đến căn cứ quân sự Futenma trên hòn đảo Okinawa của Nhật Bản. Hòn đảo này nằm giữa Trung Quốc và Nhật, là một căn cứ phòng thủ quan trọng của Mỹ ở vùng Châu Á Thái Bình Dương từ sau thế chiến thứ hai. Nhiều phụ nữ Nhật đã kết hôn với lính Mỹ đồn trú trên đảo. Nhiều người ủng hộ sự có mặt của quân đội Mỹ, vì ngoài lợi ích quốc phòng còn có lợi ích kinh tế mà sự đồn trú hơn 20 000 quân nhân Mỹ mang lại cho hòn đảo vốn được xem là nghèo nhất Nhật Bản này.

Thế nhưng, làn sóng phản đối sự hiện diện của quân đội Mỹ của cư dân trên đảo ngày càng lớn, bởi đời sống của người dân quá bị phiền hà, thậm chí là bị đe dọa khi phải sống cận kề với quân đội nước ngoài. Hồi năm 1995, đã từng có vụ một bé gái Nhật Bản 12 tuổi bị ba lính Mỹ cưỡng hiếp. Sau vụ đó, Mỹ đã thỏa thuận với Nhật sẽ giảm bớt 21% diện tích đồn trú của quân đội Mỹ. Thế mà, theo tờ báo, Mỹ đã không giữ lời hứa.

Nói về sự phiền hà trong cuộc sống của người dân, tờ báo cho biết, các trường học gần căn cứ của Mỹ năm nào cũng phải tổ chức những buổi huấn luyện kỉ năng di tản đề phòng máy bay của quân đội Mỹ rơi. Năm 2004, đã có một chiếc máy bay Mỹ rơi xuống một trường đại học trên đảo Okinawa. Một vị hiệu trưởng bức xúc : « Đây không phải là môi trường giáo dục ». Bên cạnh nguy hiểm, người dân còn phải sống trong cảnh ồn ào thường trực của máy bay. Bởi vậy, đa phần người dân Okinawa mong muốn đóng cửa căn cứ quân sự Futenma.

Tờ báo nhận định, Okinawa đang sang trang sử mới. Số là tháng Tư rồi, Mỹ và Nhật đã đạt được thỏa thuận, theo đó phân nữa số quân Mỹ trên đảo Okinawa sẽ được triển khai đến đảo Guam, Hawai và Úc. Như vậy, sự phản đối của người Nhật vô tình lại phù hợp với lợi ích chiến lược mới của Mỹ, theo đó, quân đội Mỹ sẽ không chỉ tập trung ở Nhật và Hàn Quốc, mà sẽ được bố trí trên khắp vùng Châu Á Thái Bình Dương. Hơn nữa, sự dịch chuyển này không chỉ nằm trong chiến lược tổng thế đó, mà còn vì Okinawa nằm trong tầm bắn của tên lửa Trung Quốc.

Truyền hình có nguy cơ gây béo phì

Trong lĩnh vực y tế, nhật báo Le Figaro có bài chạy tựa : «Dự đoán sự béo phì của trẻ em dựa trên thời gian chúng xem truyền hình ».

Tờ báo cho biết, theo kết quả của một nhóm nghiên cứu tại Canada, trẻ em xem tivi càng nhiều thì nguy cơ béo phì sẽ càng cao. Nghiên cứu được thực hiện trên 1 314 trẻ em. Qui trình như sau : khi các bé được 2 tuổi rưỡi, nhóm nghiên cứu sẽ đến hỏi bố mẹ chúng về lượng thời gian chúng xem tivi mỗi ngày, đồng thời tiến hành cân và đo các vòng của cơ thể cho bé ; khi bé được 4 tuổi rưỡi, các nhà nghiên cứu trở lại hỏi bố mẹ chúng về lượng thời gian chúng xem tivi, và lại đo và cân cho bé.

Kết quả cho thấy, bé nào xem tivi càng nhiều, thì trọng lượng và thân hình càng mập và nặng hơn các bé ít hoặc không xem. Bên cạnh béo phì, việc xem tivi nhiều còn khiến các bé giảm khả năng thể thao. Như vậy, không chỉ có việc ăn uống là thủ phạm của béo phì ở trẻ em, mà dành thời thanh quá nhiều cho màn ảnh nhỏ cũng có ảnh hưởng đáng kể.

Trong khi đó, một nghiên cứu khác tại Anh cho biết, tinh trạng dư cân không ảnh hưởng gì đến kết quả học tập ở các bé. Nghiên cứu này dựa trên ba tiêu chí : trọng lượng cơ thể, kết quả học tập và yếu tố di truyền. Như vậy, theo các nhà nghiên cứu, nên tập trung vào các nguyên nhân xã hội và kinh tế để giải thích kết quả học tập của các em.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.