Vào nội dung chính
CAM BỐT - THÁI LAN

Cam Bốt -Thái Lan tạm rút quân khỏi khu đền cổ Preah Vihear

Một năm sau phán quyết của Tòa án công lý Quốc tế đòi Phnom Penh và Bangkok rút quân khỏi khu vực đền cổ Preah Vihear, thủ tướng Cam Bốt và Thái Lan ngày 13/07/2012 tại Siem Reap đã ký thỏa thuận rút quân khỏi khu vực có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.

Sĩ quan chỉ huy lính biên phòng Thái Lan ở vùng biên giới Cam Bốt (AFP). Ảnh chụp tháng 4/2011
Sĩ quan chỉ huy lính biên phòng Thái Lan ở vùng biên giới Cam Bốt (AFP). Ảnh chụp tháng 4/2011
Quảng cáo

07:40

Thông tín viên Phạm Phan từ Phnom Penh

Bên cạnh hai thủ tướng Yingluck và Hun Sen Đại diện cho hai bên trong buổi ký kết còn có hai giới chức quân sự cao cấp, đó là Bộ Trưởng Quốc Phòng Thái, ông Sukumpol Suwanatat, và Bộ Trưởng Quốc Phòng Cam Bốt, Đại Tướng Tea Banh. Theo một số nội dung trong bản thỏa thuận mà giới báo chí được biết, cả hai phía đã đồng ý và thông báo sự tái phối trí các đơn vị quân sự trong Vùng Phi Quân Sự chung quanh đền Preah Vihear đã được Tòa Án Quốc Tế xác định.

Sau buổi ký kết, Thủ Tướng Hun Sen xuất hiện trước cuộc họp báo và cho biết : Việc tái phối trí là hành động cần thiết để tăng cường quan hệ hai quốc gia. Đây là thiện chí của hai bên. Các binh sĩ được rút đi sẽ được thay thế bằng các đơn vị cảnh sát. Liên hệ đến sự kiện này, Ngoại Trưởng Cam Bốt Hor Namhong nói, trước mắt, phía Cam Bốt sẽ rút khoảng 486 quân sĩ khỏi Vùng Phi Quân Sự, tuân thủ với lịnh của Tòa Án Quốc Tế đề ra ngày 18/07/2011.

Hai quốc gia láng giềng Thái và Cam Bốt đã có các cuộc đối đầu quân sự gây ra thương vong không ít cho hai bên, kể cả phía dân thường sống gần biên giới, do sự tranh chấp vùng đất nhỏ ở gần đền Preah Vihear sau khi tổ chức UNESCO của Liên Hiệp Quốc quyết định đưa đền Preah Vihear vào danh sách di sản văn hóa thế giới vào ngày 07/07/2008.

Vùng đất nhỏ 4,6 cây số vuông ở gần đền được phía Thái cho là của quốc gia họ. Trong khi đó, lực lượng chính trị quốc gia cực đoan ở Thái thì lại nói cả ngôi đền cổ Preah Vihear cũng là của người Thái bất chấp ngay cả phán quyết năm 1962 của Tòa Công Lý. Trong thỏa thuận ký ngày 13/07/2012, việc tái phối trí lực lượng quân sự hai bên không có sự tham gia của phái đoàn quan sát viên của Indonesia mà phía Indonesia có đưa ra sáng kiến trước đây nhằm làm trung gian hòa giải cho hai bên. Đứng từ vị thế Cam Bốt, một quốc gia nhỏ hơn Thái thì việc ký kết này là một thành công giúp cho chính quyền không phải hao tốn ngân sách và phải đặt quân đội trong tình trạng đối đầu thường trực cũng như giải tỏa bớt căng thẳng trong công luận.

Quan điểm của Thái Lan

Ngay sau việc ký kết không đầy hai ngày thì tại Băng Cốc thủ đô Thái Lan, báo mạng Bangkok Post đã đăng một bài liên hệ đến sự kiện này.

Theo Bangkok Post tường thuật thì Bộ Trưởng Quốc Phòng Thái Lan ông Sukumpol không nói rõ Thái sẽ rút bao nhiêu binh sĩ ra khỏi Vùng Phi Quân Sự rộng 17,3 cây số vuông do Tòa Công Lý quy định. Tờ báo này cũng nhắc lại việc hồi năm rồi, phía Cam Bốt trong thời gian có xảy ra các cuộc đụng đầu quân sự đã chuyển kiến nghị thỉnh cầu Tòa Công Lý giải thích lại phán quyết năm 1962 liên quan đến chủ quyền vùng đất nhỏ rộng 4,6 cây số vuông ở gần đền cổ Preah Vihear nhưng Tòa Công Lý đã không đáp ứng thỉnh cầu này và yêu cầu quân hai bên phải rút ngay lập tức ra khỏi Vùng Phi Quân Sự để chấm dứt đối đầu quân sự đổ máu.

Dự kiến thì ngày 18/07/2012, Bộ Trưởng Quốc Phòng Thái Lan sẽ đến tỉnh Si Sa Ket đích thân quan sát cuộc tái phối trí binh sĩ Thái, còn bên phía Cam Bốt thì ông Tea Banh đến khu vực đền Preah Vihear chứng kiến cuộc hoán chuyển 485 tay súng và thay vào đó có 350 cảnh sát tuần tra biên giới và cảnh sát du lịch đến khu vực này. Bangkok Post cho biết số quân nhân Thái bị thay thế bởi các đơn vị cảnh sát biên phòng nhưng được đặt dưới quyền kiểm soát của quân đội. Và Bộ Trưởng Quốc Phòng Thái nhấn mạnh kế hoạch tái phối trí chỉ là tạm thời và bảo đảm phía Thái không bị mất đất.

Bộ Trưởng Quốc Phòng Thái nói Đảng Dân Chủ đối lập không nên tìm kiếm sự chỉ trích chính quyền bà Yingluck qua sự kiện ký kết và hoạt động tái phối trí binh sĩ tại khu vực gần đền Preah Vihear, thay vào đó họ nên công nhận rằng lịnh của Tòa Án Công Lý đang dược tôn trọng. Báo mạng Bangkok Post còn cho biết: trước lúc bà Yingluck và ông Hun Sen đặt bút ký thỏa thuận rút quân thì các giới chức quân sự cao cấp hai bên đã gặp nhau hai lần trong phiên họp của Nhóm làm việc liên hợp nhằm thảo luận về lịnh rút quân ngay của Tòa Công Lý, thế nhưng hai phía không đạt được sự đồng thuận, tuy nhiên họ đồng ý ký một thỏa thuận về hoạt động dọn sạch mìn ở khu vực quanh đền Preah Vihear mà thôi.

Bangkok Phnom Penh tăng cường quan hệ kinh tế

Sự kiện ký kết thỏa thuận tái phối trí hay rút quân tạm thời ở khu vực đền cổ Preah Vihear giữa Thái và Cam Bốt là một tiến bộ mới của chính quyền Thái do bà Yingluck lãnh đạo. Các cố gắng hòa giải xung đột, khởi đi từ tranh chấp lãnh thổ, đã tiến từng bước do chính sách thân hữu của đảng cầm quyền tại Thái hiện nay.
Bên cạnh việc ký kết này, công luận còn được thấy nỗ lực của chính quyền Thái trong gần một năm qua nhằm tăng cường quan hệ kinh tế với láng giềng Cam Bốt mà đã bị tổn hại khá nhiều do căng thẳng ngoại giao cũng như đối đầu quân sự gây ra dưới thời đảng Dân Chủ Thái cầm quyền.

Tại Phnom Penh, lúc diễn ra hội nghị ASEAN thì Thái đã tổ chức cuộc triển lãm lớn. Hoạt động này vắng bóng từ mấy năm nay khi Phe Áo Vàng và cựu Thủ Tướng Abhisit đẩy mạnh thêm sự căng thẳng trong quan hệ hai nước thông qua hành động quyết giành ngôi đền cổ về cho phía Thái. Sự gián đoạn quan hệ kinh tế hai nước lại là cơ hội cho hàng Việt Nam tràn vào thị trường Cam Bốt dù chất lượng thua kém hàng Thái.

Thái và Cam Bốt đang xúc tiến gia tăng hoạt động giao thương ở dọc theo tuyến biên giới, cạnh đó họ dự định hình thành tuyến đường xe bus chạy thẳng từ Phnom Penh đến Băng Cốc tạo thuận lợi cho du khách, người làm ăn đi lại dễ dàng. Điều này đã được Việt Nam và Cam Bốt thực hiện từ lâu với tuyến đường Sài Gòn- Phnom Penh, và nay chính quyền Thái do bà Yingluck lãnh đạo không muốn bỏ lỡ cơ hội khai thác tiềm năng du lịch từ Cam Bốt và từ Việt Nam vào đất Thái.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.