Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN

Kim Jong Un củng cố quyền kiểm soát quân đội Bắc Triều Tiên

Tân lãnh đạo trẻ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã chỉ định một phó thống chế mới, người có nhiều khả năng nắm giữ chức tổng tư lệnh quân đội. Qua động thái này, Kim Jong Un củng cố quyền kiểm soát quân đội. Từ nhiều thập niên qua, vai trò của quân đội Bắc Triều Tiên ngày càng gia tăng và là lực lượng nòng cốt của chế độ.

Kim Jong-Un viếng một đơn vị quân đội . Ảnh do KCNA công bố  ngày 08/02/2012.
Kim Jong-Un viếng một đơn vị quân đội . Ảnh do KCNA công bố ngày 08/02/2012. REUTERS/KCNA
Quảng cáo

Việc bổ nhiệm ông Hyon Yong Chol lên làm phó thống chế diễn ra rất nhanh, chỉ một ngày sau khi ông Ri Yong Ho, phó thống chế, tổng tư lệnh quân đội Bắc Triều Tiên, đã bị cách chức.

Trước đây, ông Ri Yong Ho là người rất gần gũi với cố lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Il và nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng như ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị đảng Lao động Triều Tiên, phó chủ tịch Quân ủy Trung ương. Cũng chính ông đã được lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Il chỉ định kèm cặp, giúp đỡ con trai mình là Kim Jong Un để kiểm soát giới tướng lãnh trong quá trình chuẩn bị lên thay cha. Một trong những bằng chứng rõ ràng nhất là Ri Yong Ho đã đi bên cạnh Kim Jong Un trong tang lễ Kim Jong Il.

Thế nhưng, chỉ trong chốc lát, Ri Yong Ho đã mất tất cả chức vụ. Đây là nhân vật « nặng ký » thứ hai trong chính quyền Bình Nhưỡng đã bị thanh trừng, kể từ khi Kim Jong Un lên nắm quyền lãnh đạo. Hồi tháng Ba vừa qua, phó thủ trưởng cơ quan an ninh quốc gia Bắc Triều Tiên U Dong Chuk đã « biến mất ».

Ông Chon Hyun Joon, chuyên gia thuộc Viện Thống nhất Quốc gia Triều Tiên – KINU - ở Séoul, được báo Le Figaro trích dẫn, nhận định : « Điều này cho thấy có tồn tại các xung đột trong nhóm những nguời thân cận Kim Jong Un ».

Theo các nhà phân tích, dường như Kim Jong Un tìm cách khống chế quân đội vì nhận thấy thế lực của quân đội quá mạnh nhờ vào chính sách « Songun – Quân đội trên hết », được áp dụng trong suốt thời gian ông Kim Jong Il nắm quyền lãnh đạo cho đến khi chết vào năm 2011.

Về tân phó thống chế Hyon Yong Chol, giới quan sát có ít thông tin về nhân vật này. Ông được phong cấp tướng hồi tháng Chín năm 2010 cùng với năm người khác, trong đó có Kim Jong Un và bà Kim Kyong Hui, em gái cố lãnh đạo Kim Jong Il.

Hyon Yong Chol xuất thân từ một gia đình có truyền thống tham gia chống Nhật từ những năm 1940, cùng với người sáng lập ra chế độ Bắc Triều Tiên Kim Nhật Thành.

Việc bổ nhiệm Hyon Yong Chol trở thành một trong bốn phó thống chế của quân đội Bắc Triều Tiên, gây ngạc nhiên bởi vì nhân vật này không nằm trong Quân ủy Trung ương và không bao giờ có mặt bên cạnh tân lãnh đạo Kim Jong Un trong các chuyến công du.

Trước đó, một quan chức lãnh đạo cấp cao của đảng Lao động Triều Tiên, ông Choe Ryong Hae, đã được chỉ định làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội, phó thống chế và phó chủ tịch Quân ủy Trung ương. Theo một số nguồn tin tại Seoul, sự kiện một quan chức dân sự lên nắm quyền kiểm soát quân đội đã làm cho phó thống chế Ri Yong Ho bất bình. Thông tin này đến tai Kim Jong Un. Ngay lập tức, viên tướng bị cách chức.

Khi gạt bỏ người « đỡ đầu » Ri Yong Ho, tân lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un muốn đưa ra một thông điệp là giai đoạn chuyển tiếp đã kết thúc. Chuyên gia Kim Yong Soo, đại học Sogang Hàn Quốc, giải thích rằng, vai trò của « ông Ri chỉ cần thiết để thực hiện thành công việc chuyển giao quyền lực. Từ nay, Kim Jong Un không cần đến ông ta nữa và khẳng định bản sắc của mình ». Mô hình này nằm trong truyền thống của các đảng cộng sản châu Á, người kế vị thường phải kiên nhẫn chờ đợi hàng tháng, thậm chí hàng năm, trước khi có thể sắp xếp những người thân cận của mình vào các vị trí chủ chốt trong bộ máy quyền lực.

Kể từ khi Kim Jong Un lên cầm quyền, giới chuyên gia cố gắng phỏng đoán ý định của nhân vật này : Liệu tân lãnh đạo trẻ của chế độ Bình Nhưỡng có tiếp tục đi theo con đường của ông và cha (tức là đóng cửa với thế giới bên ngoài, dùng vũ khí nguyên tử làm lá bài mặc cả, duy trì nền kinh tế theo mô hình xã hội chủ nghĩa trước kia) hay là bắt đầu mở cửa đất nước, theo như lời khuyên của đồng minh Trung Quốc ? Vấn đề này rất quan trọng đối với sự ổn định trong khu vực, đối với Hoa Kỳ và cả Trung Quốc, bởi vì Bắc Triều Tiên có vũ khí nguyên tử, hóa học, hàng ngàn tên lửa và có một lực lượng quân đội với 1,2 triệu binh sĩ.

Giới phân tích còn nêu ra giả thuyết là khi cách chức phó thống chế Ri Yong Ho, một nhân vật được coi là « diều hâu » trong chế độ Bình Nhưỡng, tân lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un muốn có khả năng hành động rộng rãi hơn để thương thuyết việc nối lại các cuộc đối thoại với Hoa Kỳ và Hàn Quốc, sau các cuộc bầu cử tổng thống ở hai nước này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.