Vào nội dung chính
LÀO - MÔI TRƯỜNG

WWF chỉ trích Lào tiếp tục xây đập thủy điện Xayaburi

Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên - WWF - vừa ra một báo cáo chỉ trích Lào vẫn tiếp tục tiến hành xây dựng đập thủy điện Xayaburi bất chấp quyết định vào tháng 12 năm ngoái của các nước vùng Mekong đình hoãn công trình, trong khi chờ nghiên cứu thêm về những tác động của dự án gây nhiều tranh cãi này.

Đường dẫn đến khu xây đập Xayaburi ở Thượng Lào đang được khẩn trương xây dựng. (Ảnh Bangkok Post công bố 17/04/2011)
Đường dẫn đến khu xây đập Xayaburi ở Thượng Lào đang được khẩn trương xây dựng. (Ảnh Bangkok Post công bố 17/04/2011) Bangkok Post
Quảng cáo

Báo cáo của Tổ chức WWF, công bố hôm nay, 24/07/2012, cho biết, vào tuần trước, một phái đoàn quốc tế gồm các đại sứ, các nhà tài trợ và các tổ chức phi chính phủ, trong đó có WWF, đã họp với chính phủ Lào để nghe trình bày về dự án Xayaburi và đã được cho đi thị sát khu vực xây đập. Cuộc họp diễn ra sau khi ngày càng có nhiều quan ngại và phản đối về việc giải tỏa đất đai và xây dựng vẫn tiếp diễn tại khu vực này.

Theo lời tiến sĩ Jian-hua Meng, chuyên gia về thủy điện bền vững của WWF, quyết định của Lào tổ chức tham quan khu vực xây đập là điều tích cực, nhưng rõ ràng là công trình xây dựng Xayaburi vẫn tiến triển. Bằng chứng là thứ trưởng Bộ Năng lượng và Hầm mỏ của Lào, Viraphonh Viravong, cho biết, họ sẽ xây trước cuối năm nay một con đập nhằm chuyển dòng chảy của sông khỏi khu vực đập Xayaburi. Đây sẽ là hành động can thiệp trực tiếp đầu tiên vào con sông Mêkông, đánh dấu một bước rất dài trong tiến trình xây dựng đập.

Ông Jian-hua Meng cho rằng, bây giờ là thời điểm mà các chính phủ trong khu vực cần phải bày tỏ ngay một lập trường mạnh mẽ, nói rõ những mối quan ngại của họ với Lào.

Chuyến tham quan khu vực xây đập Xayaburi diễn ra sau khi có những thông tin khác nhau về hiện trạng của công trình này. Trong cuộc họp gần đây do Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton chủ trì, Ngoại trưởng Lào đã xác nhận là dự án đã được đình hoãn, trong khi đó, chủ tịch của công ty Thái Lan Ch Kamchang, nhà thầu xây đập Xayaburi, lại tuyên bố là có thể sẽ có một số chậm trễ so với tiến độ dự kiến ban đầu, nhưng công trình sẽ được hoàn tất theo đúng mục tiêu là vào năm 2020.

Trong chuyến thị sát khu vực xây đập Xayaburi vào tuần trước, phái đoàn quốc tế đã nghe trình bày của công ty Phần Lan Poyry, tư vấn cho Lào về kỹ thuật xây đập. Theo công ty này, các nghiên cứu bổ sung đã được tiến hành cho đến cuối năm nay và khẳng định rằng dự án này sẽ không có những tác động tiêu cực không thể chấp nhận được.

Nhưng công ty Poyry đã từng bị chỉ trích mạnh mẽ vào năm ngoái khi cố vấn cho Lào tiếp tục xây đập Xayaburi, mặc dù chính họ cũng thấy rằng cần phải có thêm các dữ liệu về sinh học, môi trường và phương tiện sinh sống, cũng như cần nghiên cứu thêm về các ngõ cho các loài cá di trú bơi xuyên qua đập. 

Phái đoàn nói trên cũng đã nghe trình bày của công ty Pháp Compagnie Nationale du Rhône ( CNR ), công ty mà Lào thuê để đưa ra những phân tích bổ sung về công trình đập Xayaburi. Công ty CNR đã từng ra một báo cáo về những cách thức có thể giúp cho trầm tích xuyên qua đập. Tuy nhiên, báo cáo nói trên phần lớn lại dựa trên lý thuyết chưa bao giờ được sử dụng thành công tại vùng Mêkông và chính công ty CNR cũng cho rằng cần phải thu thập thêm dữ liệu để xác nhận tính khả thi của việc này.

Theo giải thích của tiến sĩ Jian-hua Meng, chất trầm tích đóng vai trò trọng yếu trong việc duy trì sự cân bằng sinh thái và sự toàn vẹn của sông Mêkông và phải làm cho cho khối lượng lớn trầm tích được chuyển xuyên qua đập. Đây là một thách đố to lớn đối với công trình Xayayburi.

Tiến sĩ Meng cho rằng bốn nước Mêkông phải cùng đi đến một quyết định nên hay không nên xây đập Xayaburi, dựa trên những luận cứ khoa học vững chắc, chứ không phả dựa trên những đồn đoán lạc quan. WWF nhắc lại lời kêu gọi của họ là nên hoãn trong 10 năm công trình Xayaburi. Tổ chức này cũng khuyên các quốc gia đang dự trù xây các đập thủy điện nên ưu tiên xây các đập này trên các sông nhánh của Mêkông, được cho là ít có những tác động và nguy cơ hơn là xây trên dòng chính.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.