Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Aung San Suu Kyi kêu gọi bảo vệ các sắc tộc thiểu số

Lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi hôm nay đọc bài diễn văn đầu tiên trước Quốc hội Miến Điện trong đó bà kêu gọi bảo vệ quyền của các sắc tộc thiểu số, chiếm 1/3 dân số của nước này. Nhà đối lập đặc biệt nhấn mạnh đến tình trạng nghèo đói trong những bang tập trung người dân tộc thiểu số và các cuộc chiến giữa các sắc tộc vẫn tiếp diễn ở một số vùng.

Bà Aung San Suu Kyi. Ảnh chụp tại phiên họp Quốc hội ngày 11/07/2012
Bà Aung San Suu Kyi. Ảnh chụp tại phiên họp Quốc hội ngày 11/07/2012 Reuters/Zoe Zeya Tun
Quảng cáo

Trước Quốc hội Miến Điện, nghị sĩ mới được bầu hồi tháng Tư vừa qua tuyên bố : « Để trở thành một Liên minh dân chủ với các quyền bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, tôi kêu gọi tất cả các thành viên Quốc hội thảo luận đưa ra những luật lệ cần thiết để bảo vệ quyền bình đẳng của các sắc tộc ».

Bà cũng đã tỏ ý ủng hộ đề xuất luật bảo vệ quyền của các sắc tộc thiểu số do một nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền trình lên Quốc hội gần đây.

Trong diễn văn, nhà đối lập đặc biệt nhấn mạnh đến tình trạng nghèo đói trong những tiểu bang tập trung người dân tộc thiểu số, các cuộc chiến giữa các sắc tộc vẫn tiếp diễn ở một số vùng.

Trên thực tế, từ khi Miến Điện được độc lập năm 1948, chính quyền vẫn chưa bao giờ giàn xếp được vấn đề sắc tộc thiểu số. Các cuộc xung đột giữa các nhóm nổi đậy có vũ trang của các sắc tộc thiểu số với quân đội chính phủ vẫn dai dẳng kéo dài, mặc dù từ hơn một năm nay khi Miến Điện đã chuyển sang chính thể dân sự, chính phủ đã cố gắng đàm phán hòa bình với các nhóm vũ trang nổi dậy. Một số thỏa thuận ngừng bắn đã được ký nhưng chiến sự vẫn tiếp tục tại tiểu bang Kachin, nằm sát biên giới với Trung Quốc.

Từ khi trở lại chính trường sau cuộc bầu cử vào tháng Tư, giải Nobel Hòa bình năm 1991 đã thể hiện quyết tâm đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình hòa hợp dân tộc.

Tuy nhiên các sắc tộc thiểu số ở Miến Điện vẫn chưa thực sự tin tưởng vào bà Aung San Suu Kyi, một nhân vật xuất thân từ tầng lớp ưu tú, thuộc dân tộc chiếm đa số ở Miến Điện.

Thậm chí một số tiếng nói còn chỉ trích bà đã không bày tỏ quan điểm rõ ràng trong cuộc xung đột giữa cộng đồng Hồi giáo của sắc tộc Rohingyas và cộng đồng theo đạo Phật xảy ra hồi tháng Sáu 2012 tại bang Rakhin, nằm sát biên giới với Bangladesh, làm 80 người chết.

Tại Miến Điện hiện có khoảng 800.000 người Rohingyas sống biệt lập trong tiểu bang Rakhin. Chính quyền Naypyidaw cũng như một bộ phận không nhỏ dân chúng vẫn không thừa nhận người Rohingyas là một trong những dân tộc của Miến Điện mà chỉ là những người Bangladesh nhập cư trái phép.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.