Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Liên Hiệp Quốc lên án Miến Điện đàn áp người Rohingya

Theo hãng tin AFP, phủ Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền ra thông cáo hôm qua 27/07/2012 về các bằng chứng về việc các lực lượng an ninh Miến Điện trực tiếp nhúng tay vào các vụ đàn áp người thiểu số Hồi giáo Rohingya tại miền Tây Miến Điện.

Bà Navi Pillay, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền (Reuters)
Bà Navi Pillay, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền (Reuters)
Quảng cáo

Trong thông điệp kể trên, bà Navi Pillay cao ủy LHQ về nhân quyền, cho biết đã nhận được rất nhiều thông tin, từ các nguồn tin độc lập, cho thấy lực lượng an ninh Miến Điện đã có các hành động đàn áp người Rohingyas, thậm chí tham gia kích động các xung đột sắc tộc-tôn giáo tại miền Tây Miến Điện.

Theo Cao ủy tỵ nạn LHQ, các đụng độ giữa những người theo đạo Phật và những người theo đạo Hồi tại miền Tây Miến Điện cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua khiến ít nhất 78 người thiệt mạng và khoảng 70.000 người phải sơ tán. Bạo lực giữa các cộng đồng bùng nổ sau việc một thiếu nữ thuộc sắc tộc Rakhine, chủ yếu theo đạo Phật, bị cưỡng hiếp và giết hại ngày 28/05. Ngày 03/06, 10 người Hồi giáo bị một đám đông không rõ thành phần giết chết.

Cao ủy LHQ về nhân quyền cũng kêu gọi chính quyền Miến Điện « ngăn cản và trừng phạt các hành vi bạo lực » và lên án những ngôn từ miệt thị mà các phương tiện truyền thông chính thức và độc lập, và một số người dùng internet sử dụng đối với những người Rohingyas.

Cũng liên quan đến vấn đề này, bà Navi Pillay bày tỏ sự vui mừng về việc chính quyền Naypyidaw mời báo cáo viên đặc biệt của LHQ về nhân quyền, ông Tomas Ojea Quintana người Achentina đến Miến Điện ngày 30/07 đến 04/08. Tuy nhiên, người đứng đầu Cao ủy LHQ về nhân quyền cũng nhấn mạnh, chuyến công du kể trên không thể thay thế cho « một cuộc điều tra độc lập » về các bạo lực vừa qua.

Xin nhắc lại là, theo LHQ, công đồng dân cư Rohingya tại Miến Điện với khoảng 800.000 người là một trong các nhóm thiểu số bị đàn áp nặng nề nhất trên thế giới. Bản thân chính quyền Miến Điện không thừa nhận sắc tộc thiểu số này. Nhiều người Miến Điện thì coi người Rohingya là những người nhập cư bất hợp pháp từ Bangladesh.

Ngày 12/07, tổng thống Thein Sein tuyên bố chính thức, giải pháp duy nhất cho người Rohingya muốn ở lại Miến Điện là tập hợp vào các trại tỵ nạn, nếu không muốn bị trục xuất.

Vấn đề sắc tộc hết sức hệ trọng tại Miến Điện, một quốc gia với 1/3 dân số thuộc các sắc tộc thiểu số. Kể từ khi chính quyền theo đuổi chính sách cải tổ, quan hệ giữa Naypyidaw với các sắc tộc có chiều hướng được cải thiện, nhưng xung đột quân sự vẫn tiếp diễn tại bang Kachin, giáp biên giới với Trung Quốc. Ngày thứ Tư 25/07, trong bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội, nghị sĩ Aung San Suu Kyi, lãnh tụ đối lập, đã kêu gọi bảo vệ quyền của các dân tộc thiểu số, và ủng hộ một dự luật về các sắc tộc thiểu số do một dân biểu đảng cầm quyền đệ trình.

Theo đánh giá của nhiều nhà quan sát, lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi, từ lâu nay, phải đối mặt với sự ngờ vực từ phía các sắc tộc thiểu số. Một số người cho bà thuộc thành phần tinh hoa của sắc tộc Miến Điện đa số, một số người khác thì chỉ trích bà không đứng ra ủng hộ những người Rohingya.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.