Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN - NHÂN QUYỀN

Miến Điện: Chính quyền bác bỏ cáo buộc đàn áp người Hồi giáo

Hôm qua 30/07/2012, theo AFP, trong cuộc họp báo có sự tham dự của báo cáo viên nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Ngoại trưởng Miến Điện đã bác bỏ các cáo buộc về việc lực lượng an ninh nước này có các hành động vi phạm nhân quyền trong các bạo động sắc tộc tôn giáo tại miền tây cách nay hai tháng.

Đặc phái viên nhân quyền Liên Hiệp Quốc Tomas Ojea Quintana (áo xanh) dự cuộc họp báo của Ngoại trưởng Miến Điện, Rangoon, 30/07/2012
Đặc phái viên nhân quyền Liên Hiệp Quốc Tomas Ojea Quintana (áo xanh) dự cuộc họp báo của Ngoại trưởng Miến Điện, Rangoon, 30/07/2012 REUTERS
Quảng cáo

Ngoại trưởng Miến Điện Wunna Maung Lwin bảo đảm rằng chính quyền nước này đã nỗ lực « kiềm chế tối đa » để chấm dứt bạo lực tại bang Rakhine. Ông Wunna Maung Lwin nói, Miến Điện « hoàn toàn bác bỏ các ý đồ  của một số nhóm muốn chính trị hóa và quốc tế hóa tình trạng (xung đột vừa qua) thành một vấn đề tôn giáo ».

Vào tuần trước, đại diện Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, ông Navi Pillay, thông báo đã nhận được các thông tin cho thấy lực lượng an ninh Miến Điện có dính líu đến các xung đột giữa người theo đạo Phật với cộng đồng Hồi giáo, đặc biệt là cộng đồng sắc tộc thiểu số Rohingya. Mới đây, Amnesty International cũng nhắc đến một số thông tin « đáng tin cậy » về các bạo lực đối với người Rohingya, từ phía sắc tộc thiểu số Rakhine theo đạo Phật và các lực lượng an ninh Miến Điện.

Theo các con số chính thức, ít nhất 77 người đã thiệt mạng trong các xung đột, trong đó có 8 người bị an ninh giết ; 800 người bị bắt giữ, trong đó có 10 nhân viên hoạt động nhân đạo (6 người của Liên Hiệp Quốc và 4 của Tổ chức Y sĩ Không Biên giới). Trong số 60.000 người phải đi lánh nạn vì bạo động, có đến 53.000 người Hồi giáo.

Bạo lực bùng nổ tại miền tây Miến Điện sau vụ một thiếu nữ sắc tộc Rakhine bị cưỡng hiếp và sát hại, 10 người Hồi giáo đã bị một đám đông giết chết để trả thù.

Liên Hiệp Quốc coi sắc tộc Rohingya theo đạo Hồi, với 800.000 người sống tại phía bắc bang Rakhine, là một trong các cộng đồng bị bức hại nhất thế giới. Chính quyền Naypyidaw không thừa nhận dân tộc Rohingya, bị coi là nhập cư trái phép từ Bangladesh. Đầu tháng Bảy, tổng thống Miến Điện cho rằng, giải pháp duy nhất cho người Rohingya muốn ở lại Miến Điện là sống tập trung trong các trại tỵ nạn.

Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc Tomas Ojea Quintana tới Miến Điện ngày 29/07 vừa qua và ngày mai, thứ Tư, 01/08, ông sẽ tới bang Rakhine để tìm hiểu về tình hình tại chỗ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.