Vào nội dung chính
HỒNG KÔNG - TRUNG QUỐC

Bắc Kinh giáo dục "nhồi sọ" : Dân Hồng Kông phản đối

Dân Hồng Kông phản đối việc Bắc Kinh áp đặt giáo dục kiểu Trung Quốc. Ấn Độ giàu tài nguyên mà lại bị cúp điện. Tại Thế vận hội, nữ vận động viên Trung Quốc Diệp Thi Văn lập thành tích khả nghi. Luân Đôn thu hút nhiều khán giả, nhưng hàng quán lại than phiền bán buôn ế ẩm, thưa vắng khách hàng. Đây là các chủ đề chính của báo chí Pháp hôm nay.

Dân Hồng Kông biểu tình đòi thu hồi sách giáo khoa
Dân Hồng Kông biểu tình đòi thu hồi sách giáo khoa Reuters
Quảng cáo

Liên quan tới Trung Quốc, nhật báo Le Monde quan tâm đến cuộc biểu tình khá quy mô tại Hồng Kông vào ngày chủ nhật vừa qua (30/07/2012). Mặc dù thời tiết hôm đó rất nóng, nhưng khoảng 90.000 người dân Hồng Kông đã tập hợp để phản đối việc chính quyền Bắc Kinh chuẩn bị đưa vào các trường tiểu học bộ môn ‘‘giáo dục tinh thần yêu nước’’.

Nhân mùa tựu trường sắp tới, các học sinh cấp một sẽ học thêm một bộ môn bao gồm giáo dục công dân, lịch sử địa lý, học quốc ca và thể thức chào cờ. Đặc biệt là các học sinh Hồng Kông phải học thêm về cách vận hành thể chế chính trị của Trung Hoa lục địa.

Mục tiêu của bộ môn này, theo cách giải thích của giới quan chức Bắc Kinh, là nhằm để thắt chặt quan hệ giữa Hồng Kông với mẫu quốc, cũng như nuôi nấng tinh thần yêu nước của các em học sinh. Theo dự kiến, bộ môn này bắt đầu được giảng dạy từ tháng 9 năm 2012 và trở thành bắt buộc vào năm 2015.

Vấn đề gây tranh cãi ở đây là loại sách giáo khoa mà Bắc Kinh dùng để giảng dạy bộ môn này.

Mang tựa đề "Mô hình Trung Quốc", nội dung quyển sách ca ngợi tính ưu việt của chế độ Cộng sản, một thể chế mà Bắc Kinh cho là ‘‘tân tiến, cởi mở và phóng khoáng’’ so với mô hình của các nước Tây phương. Tuy nhiên theo báo Le Monde, quyển sách không đá động gì đến các sự kiện quan trọng như Cách mạng Văn hóa, Bước Đại nhảy vọt, vụ đàn áp Thiên An Môn.

Kể từ đầu tháng 7, giới phụ huynh bắt đầu đánh động dư luận Hồng Kông về điều mà họ gọi là thâm ý của Bắc Kinh. Theo Hiệp hội các phụ huynh học sinh, việc ca ngợi thể chế chính trị Trung Quốc mà không nhắc một chữ đến phong trào đòi dân chủ Mùa xuân Bắc Kinh, chẳng khác gì là cố tình ếm nhẹm để bóp méo lịch sử. Tuy chỉ có 7 triệu dân, nhưng Hồng Kông nhờ vào quy chế đặc biệt, có nhiều quyền tự do hơn so với một tỷ dân sống tại Hoa Lục. Điều khiến giới phụ huynh nói riêng và dư luận Hồng Kông nói chung bất bình là sự ‘‘đồng hóa’’ lãnh thổ này với Trung Quốc. Và điều đó bắt đầu với việc đưa sách giáo khoa mới cũng như bộ môn giáo dục lịch sử quốc gia vào trường tiểu học.

Nhiều phụ huynh học sinh còn đi xa hơn nữa, khi cho rằng tân lãnh đạo Hồng Kông Lương Chấn Anh chỉ làm việc để phục vụ lợi ích của Bắc Kinh. Trước sự phản đối của dư luận, ông cam kết công bố toàn bộ nội dung của giáo trình, và sẽ tham khảo ý kiến của các hiệu trưởng về việc thành lập các lớp giảng dạy.

Thế nhưng, theo báo Le Monde, yêu sách của người biểu tình là lãnh đạo Hồng Kông Lương Chấn Anh phải rút lui toàn bộ kế hoạch. Bằng không, họ kêu gọi tổ chức đình công vào mùa tựu trường sắp tới để phản đối điều mà nhiều phụ huynh gọi là chính sách ‘‘nhồi sọ’’ của Bắc Kinh.

Ấn Độ đang trỗi dậy, kỹ thuật còn lạc hậu

Cũng liên quan đến châu Á, hầu hết các báo Pháp hôm nay đưa lên trang đầu sự kiện 20 bang Ấn Độ (trên tổng số 29 bang) không có điện để sinh hoạt. Báo Le Figaro chạy tựa ngắn gọn : "Ấn Độ mất điện, người dân đảo điên". Báo Les Echos gọi đó là "Vụ cúp điện lịch sử" và nhắc lại là lần trước vào năm 2001 tình trạng mất điện đã tác hại đời sống của 200 triệu dân. Lần này, tình hình còn nghiêm trọng hơn nữa vì có đến 600 triệu người, tức là một nửa dân số Ấn Độ, bị tác động. Báo Libération thì đăng tít : "Một nửa lãnh thổ Ấn Độ bị tê liệt, từ Calcutta đến New Delhi".

Về phần mình, tờ báo La Croix đăng bài phóng sự cho biết chưa bao giờ Ấn Độ lại rơi vào một cảnh hỗn loạn như thế. Tại thủ đô New Delhi, toàn bộ ngành đường sắt và xe điện ngầm ngưng hoạt động. Đường xá ngày thường vốn đã nhiều xe cộ, nay lại không có hệ thống đèn giao thông, nên càng bị chật cứng.

Khổ tâm hơn nữa là nhiều hộ gia đình thường dùng máy bơm nước chạy bằng điện (đặt ở trên nóc nhà). Mất điện đồng nghĩa với việc không có nước để sinh hoạt.

Còn theo báo Les Echos, nghịch lý của Ấn Độ là tuy nước này dồi dào tài nguyên, chủ yếu là về trữ lượng than đá, nhưng Ấn Độ lại bị cúp điện khá thường xuyên. Về mặt sản xuất năng lượng, Ấn Độ đứng hàng thứ năm trên thế giới sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga. Ấn Độ chủ yếu dùng than đá để sản xuất 65% năng lượng cần dùng. Tuy có nhiều mỏ than, nhưng do tập đoàn nhà nước Coal India làm việc thiếu hiệu quả, nên Ấn Độ buộc phải nhập than đá từ Úc, Mozambique và Indonesia. Tuy kinh tế Ấn Độ có tỷ lệ tăng trưởng khá cao, từ 6 đến 7% mỗi năm, nhưng chính quyền lại thiếu đầu tư để nâng cấp hệ thống phân phối điện.

Riêng về điểm này, báo La Croix cho biết là hệ thống điện lực của Ấn Độ đã quá cũ kỹ : nhìn toàn bộ các dây cáp chằng chịt khắp nơi, người ta có cảm tưởng là New Delhi là một thợ may thủ công, làm việc không khéo tay.

Theo lời ông Lionel Taccoen, chuyên gia về địa chính trị, chính sách năng lượng của Ấn Độ vẫn còn lạc hậu, trong khi nước này cần một sự hiện đại hóa về mặt hạ tầng cơ sở để thích ứng với đà phát triển kinh tế.

Hiện giờ, New Delhi đang nghĩ đến chuyện phát triển điện hạt nhân và năng lượng tái tạo, chủ yếu với sự trợ giúp công nghệ của tập đoàn Areva của Pháp và Rosatom của Nga. Tuy nhiên tất cả các kế hoạch chỉ nằm trên giấy, chứ chưa được xúc tiến.

Theo La Croix, chính quyền New Delhi thiếu quyết tâm để vạch ra một chính sách rõ ràng, các tập đoàn nhà nước thì làm việc quá chậm chạp, các ngành, các bộ thì một là tham nhũng, hai là quan liêu giấy tờ. Tất cả các yếu tố đó gộp lại khiến Ấn Độ lâm một chứng bệnh kinh niên, mà biến chứng đầu tiên là đôi khi bệnh nhân bị tê liệt nửa người.

Olympic đông khách, hàng quán ế ẩm 

Trong lãnh vực thể thao, trong lúc đông đảo khán giả say mê theo dõi các trận thi đấu nhân mùa Thế vận hội, xem tại chỗ hay qua truyền hình trực tiếp, thì các cửa hiệu buôn bán tại Luân Đôn lại than phiền là không có đủ khách hàng. Đề tài này được cả hai tờ báo Libération và Les Echos cùng khai thác.

Theo Libération, thông thường trong hai tháng hè, thành phố Luân Đôn thu hút mỗi ngày 300.000 du khách nước ngoài và 800.000 dân Anh từ các tỉnh đổ về. Nhưng trong mùa Olympic năm nay, số lượng du khách lại giảm đi hơn một nửa. Đành rằng mỗi ngày, các trận thi đấu lôi cuốn đến 100.000 lượt khán giả, nhưng đối tượng này thích xem thể thao nhiều hơn là đi mua sắm.

Báo Libération nhận xét : chính quyền thành phố Luân Đôn đã thành công trong việc khuyến khích người dân làm việc từ xa, chọn đi nghỉ mát hay ở nhà để tránh cho các khu vực trung tâm thành phố bị ứ đọng. Nhưng tác dụng bất ngờ của chiến dịch thông tin là rất nhiều người xa lánh các khu phố sầm uất vì ngại bị kẹt xe hay gặp khó khăn trong việc di chuyển đi lại.

Kết quả là quán nước, nhà hàng, cửa hiệu kinh doanh ở trung tâm thủ đô đều bị giảm doanh thu. Các viện bảo tàng, các nhà hát, sân khấu kịch phía West End thì càng tệ hại hơn nữa. Theo lời ông Bernard Donoghue, chủ tịch tổ chức Alva (Association of Leading Visitors Attractions), các tụ điểm du lịch mất khoảng 35% khách thăm viếng, so với cùng thời điểm.

Ngôi chợ Greenwich vừa đệ đơn kiện Ủy ban Thế vận hội Anh Quốc với lý do các hàng rào an ninh cộng thêm với việc kiểm soát gắt gao đã làm nản lòng du khách, lùi bước khách hàng. Rốt cuộc thì phiên chợ này lại thưa vắng, thay vì đông đảo người lui tới.

Hiện vẫn còn quá sớm để tiên đoán rằng trong mùa Olympic, ngành kinh doanh có bội thu hay không, nhưng một điều chắc chắn là khu vực Westfield và các cửa hàng xung quanh Làng Thế Vận làm ăn rất khấm khá, trong khi các cửa hiệu ở trung tâm thành phố lại bị thất thu nặng nề.

Một cách tương tự, nhờ tác động gián tiếp của Thế vận hội mà các thành phố ven biển Manche đông du khách hơn thường lệ, trong khi các tụ điểm giải trí, các tour tham quan thủ đô Luân Đôn lại ế ẩm bất thường. Bởi vì khách hàng có tâm lý tránh xa, cho nên họa người mà lại phúc ta.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.