Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Cộng đồng Hồi giáo lên án chính sách « thanh lọc sắc tộc » tại Miến Điện

Bạo lực nhắm vào cộng đồng người Rohingya tại Miến Điện tiếp tục bị quốc tế chỉ trích. Hôm nay 07/08/2012, theo AFP, Ả Rập Xê Út ra thông cáo lên án « các hành động dã man và vi phạm nhân quyền » của chính quyền Miến Điện.

Người Hồi giáo Rohingya phải rời bỏ nhà cửa sau các vụ bạo động tại Sittwe, Miến Điện,16/06/2012
Người Hồi giáo Rohingya phải rời bỏ nhà cửa sau các vụ bạo động tại Sittwe, Miến Điện,16/06/2012 REUTERS/Soe Zeya Tun
Quảng cáo

Phản ứng của Ả Rập Xê Út được đưa ra tiếp theo cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, ngày Chủ nhật 05/08, mà một trong các chủ đề chính là việc cộng đồng Rohingya tại Miến Điện bị đàn áp. Hội đồng Bộ trưởng Ả Rập Xê Út, dưới sự chủ tọa của quốc vương Abdallah, kêu gọi cộng đồng quốc tế « thực thi trách nhiệm » để bảo đảm an toàn cho người Hồi giáo tại Miến Điện và đề phòng các hành động bạo lực mới.

Trước đó, vào ngày Chủ nhật, Chủ tịch Tổ chức Hợp tác Hồi giáo Ekmeleddin Insanoglu, người Thổ Nhĩ Kỳ, trong cuộc họp của tổ chức này tại Ả Rập Xê Út, đề nghị gửi tới Miến Điện một ủy ban Hồi giáo điều tra về các bạo lực nhằm vào người Rohingya, nhằm tìm ra « một giải pháp công bằng và bền vững » cho vấn đề người Rohingya.

Tổ chức gồm 57 quốc gia Hồi giáo đã ra thông điệp kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động để xét xử các thủ phạm trong chính quyền Miến Điện, vì « các tội ác chống nhân loại nghiêm trọng ». Ngày hôm qua 06/08, Pháp cũng kêu gọi chính quyền Miến Điện bảo vệ thường dân không phân biệt đối xử, và tiến hành điều tra về các hành vi bạo lực đối với người Rohingya tại Rakhine.

Xin nhắc lại là, các đụng độ sắc tộc – tôn giáo tại miền Tây Miến Điện vào đầu tháng 6 khiến ít nhất 80 người chết, hàng trăm nghìn người thuộc sắc tộc thiểu số Rohingya sống ở vùng ven biên giới Miến Điện – Bangladesh phải bỏ nhà đi tỵ nạn. Theo nhiều tổ chức nhân quyền, chính quyền Miến Điện đã có nhiều hành động vi phạm nhân quyền trong và sau vụ bạo động ở bang Rakhine, đặc biệt là đối với cộng đồng Rohingya.

Cho đến nay, chính quyền Miến Điện vẫn coi cộng đồng Rohingya là những người nhập cư bất hợp pháp từ Bangladesh, và bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền tại bang Rakhine. Mới đây, ngày 02/08, theo AFP, chính quyền Bangladesh đã yêu cầu các tổ chức phi chính phủ quốc tế không được trợ giúp những người Rohingya chạy sang Bangladesh tỵ nạn. Một giới chức Bangladesh cho hay chính quyền nước này làm như vậy để chặn bớt luồng người nhập cư bất hợp pháp từ Miến Điện.

Ngày 04/08, báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền của LHQ, trong thời gian công du Miến Điện, khẳng định cần phải có một ủy ban điều tra về các vi phạm nhân quyền tại Miến Điện trong hàng chục năm qua. Theo ông, đây là một biện pháp duy nhất có thể mang lại sự « hòa giải dân tộc » và điều này rất quan trọng đối với tiến trình «chuyển hóa dân chủ » tại Miến Điện. Riêng về các hành vi vi phạm nhân quyền tại bang Rakhine mới đây, báo cáo viên LHQ nhận định, tình hình là « nghiêm trọng », nhưng hiện tại ông không thể đưa ra thẩm định về những cáo buộc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.